Trong ngày hôm qua có 2 thông tin nóng sốt trên mạng: Một cô gái con nhà giàu tư vấn cho dân mạng đi du lịch châu Âu 22 ngày với mức giá 42 triệu/người và miền Trung chìm nghỉm trong cơn lũ lịch sử.
Đầu tiên nói về câu chuyện cô nữ DJ bốc lửa trở về sau chuyến du lịch trị giá… 200 triệu, nhưng tư vấn cho mọi người đi với giá 42 triệu.
Bài chia sẻ của cô nhận hơn 30.000 lượt likes và cũng ngần ấy lượt share. Tuy nhiên, đa phần dân mạng chỉ trích cô nàng "chém gió", bịa đặt nhằm câu likes sống ảo.
Rất nhiều người, từ những bạn trẻ cho tới những người đã ở tuổi tưởng như không màng chuyện giới trẻ, kéo nhau vào Facebook cô nàng cố gắng chứng minh rằng: 42 triệu VNĐ cho một chuyến vi vu châu Âu 22 ngày là con số phi lý.
Cô gái đang khiến dân mạng "đau đầu" về chia sẻ đi du lịch châu Âu 22 ngày hết 42 triệu
Có một số người lập luận bằng con số và bằng chứng tương đối thuyết phục. Nhưng cũng có khá nhiều người, bao gồm cả những nhân vật có tiếng tăm trong giới showbiz, nhà báo, nhà văn… dùng lời lẽ tục tĩu, ác ý để cố gắng bóc mẽ cô gái này.
Tôi không quan tâm đến việc ai sẽ chiến thắng trong cuộc tranh luận này: Cư dân mạng hay cô gái giàu có kia.
Tôi chỉ biết rằng: Những gì thuộc về lĩnh vực giải trí bao giờ cũng kéo theo số đông và sự xuất hiện của đầy đủ các thành phần, từ trẻ tuổi tới trung niên, lão ấu chứng minh mức độ quan tâm của người Việt.
Bây giờ chuyển sang câu chuyện thứ 2: Lũ lụt ở miền Trung. Khúc ruột miền Trung lại bị thiên tai tàn phá.
MC Phan Anh, một trong những nhân vật nổi tiếng dành sự quan tâm khá thường xuyên tới các vấn đề xã hội, có chia sẻ lại bài viết của nhà báo Đức Hoàng về trận lũ lịch sử ở miền Trung.
Bài viết cảnh báo về thực trạng người dân phá rừng và tự lĩnh chính hậu quả do mình tạo ra. Một bài viết tốt, lẽ ra phải được lan truyền rộng rãi.
Nhưng dòng trạng thái của MC Phan Anh hiện mới "chỉ" có gần 10.000 lilkes và vỏn vẹn 500 lượt share.
Miền Trung đang từng ngày gồng mình chống lại cơn lũ. Ảnh facebook
Trước đó vài ngày, anh Phan Anh trở về Việt Nam sau chuyến đi châu Phi và anh chia sẻ về việc mình cạo đầu để "nhắc cho chính bản thân thời khắc đánh dấu sự thay đổi toàn diện nhận thức về quyền được sống, bảo vệ, yêu thương của động vật hoang dã".
Bài viết đó của anh Phan Anh có 22.000 likes và 555 lượt shares.
Dĩ nhiên tôi không có ý đánh giá mức độ quan tâm của người dân Việt thông qua like và share trên Facebook. Tôi biết Facebook có độ ảo và lệch nhất định của nó.
Tuy nhiên, lượt likes và shares của Facebook mang tính chất lan tỏa nhanh hơn bất kỳ phương tiện truyền thông nào tới giới trẻ - thế hệ tương lai của đất nước.
Và như chúng ta đã thấy quá rõ: Một cô gái "chém gió" về chuyến du lịch châu Âu của mình đang được hơn 30.000 tài khoản Facebook chia sẻ tới hàng chục nghìn người khác.
Trong khi đó những tiếng chuông cảnh báo nghiêm túc về thiên nhiên, cuộc sống, tương lai của loài người chỉ xuất hiện trên trang cá nhân của 500 tài khoản Facebook và liệu nó được lan tỏa đến bao nhiêu người?
Tôi có cảm giác giới trẻ đang nghĩ rằng: Những việc lớn như lũ lụt, phá rừng, săn bắn động vật hoang dã, cá chết, thiên nhiên ô nhiễm… là chuyện lớn, chuyện của các cấp cao hơn.
Còn chuyện bóc mẽ một cô gái chém gió, gỡ phốt một tài khoản Facebook sống ảo, chụp ảnh một vụ tai nạn, chứng minh Tùng Sơn là kẻ điên, Sơn Tùng đạo nhạc… mới là chuyện quan trọng.
Nếu không lên tiếng, văn hóa sẽ suy đồi, xã hội lệch chuẩn, sụp đổ như chơi.
Tôi nghĩ rằng: Nếu ngày mai một cơn mưa khủng khiếp trút xuống biến Hà Nội, Sài Gòn thành sông, liệu còn ai quan tâm cô DJ kia đi du lịch tốn 40 triệu hay 400 triệu?
Nếu gia đình bạn đang kẹt trong rốn lũ miền Trung, ai còn quan tâm tới việc Tùng Sơn có vào nổi showbiz hay không?
Chúng ta sẽ bắt đầu cầu nguyện cho nước rút mà không hề ý thức được rằng, nếu chúng ta bớt hời hợt và chăm chỉ suy nghĩ, chúng ta sẽ ngăn phá rừng chứ không ai đi ngăn một cô hot girl chém gió cả.