Đó là nhận định chua xót của bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức - Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình RaFH.
Nguy cơ mà vị thành niên có thể gặp khi mang thai là gì thưa bà?
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức: Khi làm ở Bệnh viện Phụ sản T.Ư, tôi đã gặp khá nhiều em “bế bụng” to hơn cả người đến để “cầu xin” các bác sĩ giúp đỡ. Các em khóc lóc, quỳ sụp xuống khi bác sĩ khuyên bảo rằng thai đã quá to, nếu phá thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng mẹ, hơn nữa, đó là một đứa trẻ, có cảm nhận, có đau đớn.
Nhưng các em đều khóc, nói rằng, nếu như các em sinh thì sẽ phải bỏ học, bố mẹ sẽ hắt hủi, đuổi đi, bạn nam cũng không nhận hậu quả, các em sẽ không biết nuôi con bằng cách gì. 13-15 tuổi mà có thai, hậu quả sẽ là trở thành bà mẹ “con nít”, phải bỏ học, chăm con một cách vụng về, cả mẹ và con cũng sẽ không có được tương lai tươi sáng.
Còn việc phá thai không chỉ để lại nhiều hậu quả về thể xác như chảy máu nhiều, thủng tử cung, nhiễm khuẩn dẫn đến dính vòi trứng gây vô sinh hoặc chức năng sinh sản bị ảnh hưởng sau này có thai dễ dẫn đến sảy thai liên tiếp, thai lưu, chửa ngoài dạ con. Các thai 20 tuần tuổi đã là một hình hài hoàn chỉnh, một cơ thể sống, khi kích thích đẻ non có thể chứng kiến cảnh hài nhi vẫn còn sống một lúc rồi mới mất. Đó là những nỗi đau có thể ám ảnh người mẹ cả đời.
Bà nhận định thế nào về con số gần 1,6 triệu ca phá thai mỗi năm ở Việt Nam, trong đó 20% số ca là vị thành niên?
- Đó chưa phải là con số thực tế. Vì không thể tính được số ca nạo phá thai dấm dúi ở những cơ sở y tế tư nhân. Thậm chí, không ít cha mẹ cũng tự dẫn con đến các cơ sở tư càng kín đáo càng tốt với mong muốn “không ai biết” để nhằm bảo vệ danh tiếng của con. Nhưng những cơ sở y tế “kín đáo” sẽ không có đủ các điều kiện cơ sở vật chất, tay nghề bác sĩ cũng non kém, dụng cụ thiếu vô trùng.
Do đó, các nguy cơ thủng tử cung, viêm nhiễm dẫn đến dính vòi trứng, vô sinh là rất cao. Ngòai ra, chức năng sinh sản cũng sẽ bị suy yếu, nếu sau này có thai cũng dễ bị thai lưu hoặc sảy thai liên tiếp. Đặc biệt, những ca phá thai to (từ 12 tuần trở lên) cần được sử lý ở các bệnh viện tuyến trên, đầy đủ các phương tiện cấp cứu. Vì phá thai to dễ xảy ra nguy cơ băng huyết, nếu không được cấp cứu kịp thời như tiếp máu, cầm máu thì có thể xảy ra tử vong.
Hiện nay không ít bạn trẻ tự mua thuốc phá thai về uống cho “kín đáo”. Theo bà, điều này dẫn đến nguy cơ gì?
- Phá thai bằng thuốc thực chất là gây chuyển dạ để “thúc sinh” (đẻ non). Do đó, có nguy cơ dẫn đến rối loạn máu đông (chảy máu không ngừng). Không ít bạn trẻ đã đến viện cấp cứu trong tình trạng ngất xỉu vì ra máu quá nhiều sau khi uống thuốc tự phá thai. Ngòai ra, có thể bị sót nhau, thai không ra hết… dẫn đến nhiễm trùng.
Ngay cả tại bệnh viện, khi dùng thuốc ra thai thì cũng cần sự theo dõi rất chặt chẽ của bác sĩ, để can thiệp kịp thời nếu có biến chứng. Vì thế, việc bạn trẻ tự mua thuốc phá thai là vô cùng nguy hiểm. Đó là chưa kể mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng, sẽ không thể lường hết được các tác dụng phụ của thuốc, ảnh hưởng đến nội tiết của buồng trứng, gây rối loạn kinh nguyệt, dẫn đến vô sinh... Bạn trẻ đừng dại dột mà tàn phá cuộc đời mình.
Theo bà, tại sao bạn trẻ biết về nguy cơ mang thai nhưng vẫn để mình mang thai ngoài ý muốn, thậm chí nạo phá thai nhiều lần?
- Đó là một sai lầm có hệ thống. Gia đình vẫn giáo dục theo kiểu ngăn cấm, nhà trường dạy dỗ cầm chừng, chỉ dừng ở “cấu tạo bộ phận”, trong khi hình ảnh, thông tin nhạy cảm về tình dục nở rộ trên các kênh thông tin, đặc biệt là Internet, kích thích sự tò mò và ham muốn của bạn trẻ. Hơn nữa, “trăng đến rằm trăng tròn”, đã yêu nhau, đã dậy thì là có ham muốn tình dục. Những ham muốn đó chống lại tất cả các luân lý và sự cấm cản của cha mẹ.
Do sợ bị lộ, bị dèm pha, các em dấm dúi yêu đương và không thể chủ động trong chuyện yêu đương của mình. Không chủ động về thời gian, địa điểm nên rõ ràng các em cũng không chủ động trong chuyện phòng tránh thai. Nam không thể có bao cao su trong túi, nữ cũng không dám uống thuốc tránh thai… Các em gái vẫn được giáo dục thụ động trong tình dục, các em trai không được giáo dục “tự chủ và có trách nhiệm” chia sẻ việc tránh thai với bạn tình.
Do đó, các em cứ lặp lại sai lầm “yêu đương hồn nhiên, phá thai dại dột”. Tại sao các em phải học văn hoá, học lái xe, học bơi, học đàn, học hát, học nấu cơm, rửa bát mà lại không được học về tình dục- một điều liên quan mật thiết đến hạnh phúc và tương lai các em? Câu hỏi này đã được đặt ra rất lâu nhưng vẫn bị buông lửng. Nên các em vẫn tự bơi, mà tự bơi thiếu kỹ năng, thiếu kiến thức thì tai nạn vẫn sẽ xảy ra. Một cách đáng tiếc và chua xót.