Quý ông cảnh giác khi bìu phình to, căng bóng

Hà Thu |

(Soha.vn) - Bìu phình to, sa xuống, da bìu căng bóng, tinh hoàn bị đẩy xuống,… là biểu hiện của bệnh tràn dịch màng tinh hoàn ở nam giới.

Theo các bác sĩ nam khoa, tràn dịch màng tinh hoàn là tình trạng tích đọng dịch quá mức ở lá thành màng tinh hoàn. Tỷ lệ nam giới mắc tràn dịch màng tinh hoàn không nhiều nhưng bệnh có thể gặp ở bất cứ ai, bất cứ lứa tuổi nào từ sơ sinh cho đến khi về già.

Cấu tạo màng tinh hoàn gồm hai lá, lá tạng dính sát vào bề mặt tinh hoàn và lá thành bao quanh phía ngoài lá tạng. Giữa hai lá này luôn có một lớp dịch mỏng để giúp tinh hoàn di động trong bìu dễ dàng. Khi lượng dịch tích đọng quá mức ở lá thành màng tinh hoàn sẽ sinh ra hiện tượng tràn dịch. Bệnh còn có tên gọi khác là tràn dịch phúc tinh mạc.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh là bìu phình to, sa xuống, da bìu căng bóng. Hiện tượng này không giảm khi bệnh nhân thay đổi tư thế hay khi thóp bụng lại. Những triệu chứng này có thể bị một hoặc cả hai bên nhưng thông thường bị một bên. Trường hợp chứa quá nhiều dịch, da bìu căng tròn, tinh hoàn bị đẩy xuống rất khó xác định được thể tích và mật độ.

Trao đổi với chúng tôi, các bác sĩ của Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng cho biết: Khi thăm khám, dùng đèn pin soi vào bìu sẽ  nhìn thấy ánh sáng xuyên qua được phần dịch và bóng tinh hoàn chiếm chỗ trong khối dịch này. Bìu to sa xuống làm người bệnh có cảm giác vướng và tức nhẹ khi đi lại.

Nguyên nhân của bệnh là do khiếm khuyết về hấp thu dịch của những màng này, do ứ trệ tuần hoàn trong xơ gan, suy tim; do ứ trệ bạch huyết trong giun chỉ; do tình trạng quá khích, chấn thương hay viêm tổ chức xung quanh làm tăng tiết dịch và gây nên hiện tượng ứ dịch ở màng tinh hoàn.


	Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

“Bệnh nhân có thể có biểu hiện của bệnh cảnh viêm, sưng, nóng, đỏ, đau ở bìu khi có viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn, lao, chấn thương,…

Cần phân biệt tràn dịch màng tinh hoàn với thoái vị bẹn. Trong thoát vị bẹn, hiện tượng sa bìu thường không liên tục mà bìu thường xẹp xuống khi nằm, khám lỗ bẹn rộng đút lọt ngón tay. Để xác định chính xác cần siêu âm và chọc hút dịch xét nghiệm” bác sĩ Đỗ Trọng Hiếu – Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng, chủ biên của cuốn sách “Rối loạn tình dục và Hiếm muộn ở nam giới” cho biết.

Cũng theo các bác sĩ nam khoa, nhiều trường hợp trẻ em dưới 1 tuổi bị tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh. Nguyên nhân là do đoạn phúc mạc trong ống bẹn (ống phúc tinh mạc) chưa được đóng kín dẫn đến một lượng dịch màng bụng từ trên chảy xuống bìu.

Tuy nhiên trẻ em bị tràn dịch màng tinh hoàn trong hai năm đầu đời không nên điều trị và can thiệp y khoa chỉ can thiệp cho trẻ khi trẻ đã lớn hơn 2 tuổi.

Có khoảng 1% nam giới trưởng thành bị tràn dịch màng tinh hoàn do ống  phúc tinh mạc chưa đóng kín hoàn toàn. Hiện tượng này hay gặp ở người lớn tuổi, người bệnh sau khi mổ thoái vị bẹn, mổ giãn tĩnh mạch tinh

Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng – Phòng khám nam khoa, Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng chia sẻ: “Nam giới khi về già hoặc sau khi mổ, lớp cơ và chức năng đàn hồi của thành bụng bị suy yếu. Do đó,  ống phúc tinh mạc có thể bị bong tách một phần trở lại và gây dịch ổ bụng tràn xuống. Những trường hợp này thường kết hợp với cả thoái vị bẹn kèm theo.

Đối với những trương hợp nam giới lớn tuổi bị tràn dịch màng tinh hoàn còn ống phúc tinh mạch, phẫu thuật nên tiến hành khi lượng dịch nhiều gây đau tức và bất tiện trong  sinh hoạt.

Đối với những trường hợp tràn dịch màng tinh hoàn do hậu quả của các bệnh khác, tràn dịch mắc phải thì phải điều trị theo nguyên nhân. Ví dụ, viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn do nhiễm khuẩn thì dùng kháng sinh, chống viêm, chống phù nề, giảm đau. Lao sinh dục thì phải dùng thuốc kháng lao…”

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại