Tôi sinh em bé thứ hai được 3 tháng, sức khỏe đã ổn định. Tôi đang có ý định sẽ đặt vòng để tránh thai (vì cả 2 lần sinh tôi đều sinh thường). Tuy nhiên, tôi rất lo lắng vì không biết sức khỏe của mình có phù hợp với cách tránh thai này không. Tôi sợ đặt vòng lâu sẽ dẫn tới viêm nhiễm hoặc nhiễm trùng.
Bác sĩ cho tôi hỏi, nếu đặt vòng tránh thai thì cần lưu ý những gì? Những ai không nên dùng biện pháp này. Tôi xin cảm ơn!
Mỹ Hà
Bạn Mỹ Hà thân mến,
Đặt vòng tránh thai là một trong những biện pháp tránh thai đã được sử dụng từ rất lâu và được coi là lý tưởng với hiệu quả tránh thai cao. Khi nói đến vòng tránh thai, chắc chắn chị em nào cũng biết nhưng để quyết định có áp dụng nó hay không thì chị em cần hiểu rõ hơn và xem có phù hợp với mình hay không.
Vòng tránh thai có hai loại: chứa đồng và loại chứa levonorgestrel. Vòng tránh thai có tác dụng 5 -10 năm, không ảnh hưởng sữa mẹ. Nhược điểm của phương pháp này là không phòng tránh được các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Thời điểm đặt vòng tránh thai là vào ngày thứ 3 hoặc 4 của kỳ đèn đỏ. Các bạn cần lưu ý không nên đặt vòng tránh thai ngay sau sinh nở. Hãy chờ cho tử cung được hồi phục và trở lại kích thước bình thường. Nếu không, khi cổ tử cung còn mở hoặc giãn rộng thì vòng tránh thai có thể bị rơi ra ngoài. Nên đặt vòng tránh thai trong khoảng 4 – 6 tuần sau sinh (lâu hơn càng tốt). Nếu sinh mổ, nên chờ 6 tháng mới đặt.
Thông thường, đặt vòng không ảnh hưởng đến khả năng có con lại. Một số trường hợp viêm nhiễm đường sinh dục trong lúc đang đặt vòng hay nhiễm Chlamydia thì có thể gây tắc vòi trứng, khó có thai lại.
Mặc dù biện pháp tránh thai này khá phổ biến và dễ áp dụng, ít tác dụng phụ nhưng không phải ai cũng có thể áp dụng. Những chị em thuộc nhóm đối tượng dưới đây thì cần tuyệt đối tránh đặt vòng tránh thai để không ảnh hưởng sức khỏe và hiệu quả của vòng.
- Mắc chứng viêm vòi trứng dù đã khỏi, hoặc bị viêm vòi trứng (nhiễm trùng nhiều lần, quan hệ tình dục với nhiều người).
- Có những dị ứng của các tế bào ở cổ tử cung.
- Bị thiếu máu hoặc bị xuất huyết, viêm nhiễm hay đông máu trong một thời gian dài hoặc các tình trạng rối loạn về máu khác.
- Nghi ngờ bị ung thư tử phụ khoa, bị u xơ bên trong tử cung hoặc những polip (phải cắt bỏ).
- Xuất huyết ở bộ phận sinh dục mà không tìm được nguyên nhân.
- Một chứng bệnh tim nghi ngờ dẫn đến viêm màng trong của tim.
- Bạn tạm thời bị một nhiễm trùng nhỏ tại chỗ.
Bạn nên đi khám phụ khoa trước khi đặt vòng để được bác sĩ tư vấn thêm và chọn loại vòng thích hợp nhất với mình nhé.
Chúc bạn vui, khỏe!
Bạn đọc có thể gửi thư, câu hỏi về tòa soạn theo email: [email protected]. Chuyên gia của chúng tôi sẽ giúp bạn tháo gỡ những rắc rối thầm kín!