Bệnh tăng tiết mồ hôi ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tâm lý, sinh hoạt…người bệnh như: luôn cảm thấy mệt mỏi, khát do cơ thể bị mất nước, cảm giác hồi hộp, lo âu, gây mất vệ sinh cá nhân...Đây là môi trường cho một số loại vi khuẩn có hại hoạt động gây nên các biến chứng như viêm da, bong da… và khiến khó khăn trong thao tác công việc, chơi thể thao, điều khiển ô tô, xe máy, hạn chế giao tiếp xã hội …
Nguyên nhân tăng tiết mồ hôi
Mồ hôi tiết ra do hoạt động sinh lý bình thường của tuyến mồ hôi trong cơ thể. Mồ hôi tiết ra giúp cân bằng nhiệt độ và loại bỏ các độc tố ra ngoài cơ thể. Tăng tiết mồ hôi là một bệnh lý có đặc trưng là tình trạng ra mồ hôi quá mức.
Mồ hôi thường tiết ra nhiều ở những vùng da kín như: nách, lưng, đùi, bẹn; các vùng da thường xuyên phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như: da vùng cổ, mặt hoặc những cơ quan trong cơ thể phải thường xuyên hoạt động như: bàn chân, bàn tay…
Có nhiều nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi như do cảm xúc, do vị giác, có thai, mãn kinh, bệnh về thần kinh giao cảm, khối u di căn chèn ép hoàn toàn thần kinh tủy sống, hạ đường huyết, uống thuốc hạ nhiệt quá liều... Mồ hôi ra nhiều quá mức có thể do cơ thể đang thiếu hay mắc bệnh gì đó.
Ngoài ra, mồ hôi tiết ra nhiều hơn khi cơ thể ở trong các trạng thái như: xúc động mạnh, ốm sốt hoặc uống rượu, ăn đồ ăn có quá nhiều vị cay, tập luyện thể thao.
Các vị trí mồ hôi ra nhiều
Mồ hôi tay: Tăng tiết mồ hôi quá mức ở bàn tay không những gây hạn chế trong chọn lựa nghề nghiệp mà còn khiến bệnh nhân ngại tiếp xúc với người khác. Thêm vào đó, ra mồ hôi quá nhiều khiến bàn tay lạnh, xanh tái,…
Mồ hôi nách: Đây còn là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển khiến nách nặng mùi nên dễ gây cho bệnh nhân những ức chế về tâm lý.
Mồ hôi ở đầu và mặt: Mồ hôi xuất hiện thường đi kèm triệu chứng đỏ rần ở mặt khiến bệnh nhân có cảm giác bối rối và tự ti.
Cách hạn chế tình trạng tăng tiết mồ hôi
Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng tăng tiết mồ hôi, ngoài việc tác động vào nguyên nhân gây bệnh, việc thay đổi một số thói quen trong sinh hoạt cũng là giải pháp hữu hiệu chữa được bệnh này.
Khi bị bệnh tăng tiết mồ hôi một lời khuyên hữu ích đối với các bệnh nhân là cần giữ cho tinh thần luôn thoải mái, tăng cường giao tiếp, xóa bỏ những mặc cảm cá nhân. Ngoài ra vệ sinh cá nhân thường xuyên, mặc quần áo thoáng rộng, uống nhiều nước, ăn một số thực phẩm có lợi như: gạo nếp, bí đao, đậu đen…kết hợp với một số phương pháp như: ngâm chân trong nước muối nóng, day bấm huyệt, châm cứu….
Hạn chế thực ăn cay (hành tây, ớt, tỏi, rượu...): Thực phẩm cay khiến cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường. Thực phẩm nhiều dầu và chất béo cũng không giúp được gì vì chúng làm cơ thể giải phóng độc tố và chất thải đi qua mồ hôi, khiến mùi mồ hôi thêm tệ hơn. Uống cà phê hay thực phẩm có chứa nhiều caffeine cũng làm tăng quá trình đổ mồ hôi của cơ thể. Do vậy cần phải duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ và nhiều vitamin sẽ giúp kiểm soát lượng mồ hôi.
Đảm bảo vệ sinh: Để đánh bay mùi hôi khó chịu ấy, cách đơn giản nhất là hãy giữ gì vệ sinh sạch sẽ. Sau khi tập thể dục với cường độ cao hay từ ngoài đường về, đợi mồ hôi ráo, hãy vào phòng tắm để gội rửa những cặn bã trên người. Nên dùng những loại xà phòng trung tính hoặc xà phòng diệt khuẩn.
Trang phục: Để hạn chế mồ hôi nên chọn cho mình những loại quần áo mỏng, các loại vải nhẹ thoáng như cotton hay quần áo thể thao sẽ giúp mồ hôi dễ bay hơi hơn. Thay quần áo thường xuyên cũng là cách hạn chế mùi hôi khó chịu.
Nước: Trong những ngày nắng nóng, cơ thể có nguy cơ mất nước nhiều hơn ngày bình thường. Vì vậy cần bổ sung lượng nước cần thiết để bù vào; hơn nữa uống nhiều nước cũng là cách giảm bớt mùi khó chịu của cơ thể thông qua quá trình tiết mồ hôi.