Trong văn phòng của Trung tâm tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) do bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết làm giám đốc, một người phụ nữ khoảng 35 tuổi vội vàng bước ra, bỏ lại đó là câu chuyện muốn li hôn chồng vẫn chưa được ngã ngũ. Những sự vội vã, những gương mặt thất thần như thế của rất nhiều những người phụ nữ từ nhiều vùng miền... đã không còn xa lạ với trung tâm của bác sĩ Quyết.
Vì thế, trong hành trang tư vấn của mình, bác sĩ Quyết đã gói ghém, lưu giữ rất nhiều những câu chuyện liên quan tới bạo lực gia đình, bạo lực tình dục. Mà trong nhiều câu chuyện, những người phụ nữ không biết mình đang bị bạo lực, họ chỉ biết ngoan ngoãn đáp ứng mọi yêu sách của chồng. Sự nhẫn nhịn đó cũng chỉ bởi tâm lý sợ chồng ngoại tình.
“Ở họ đang rất thiếu những kiến thức liên quan tới hôn nhân gia đình. Mà câu lạc bộ tiền hôn nhân là một trong những giải pháp giúp không chỉ những người phụ nữ mà cả nam giới, đặc biệt là các bạn trẻ trang bị cho mình những kĩ năng cần thiết trước khi bước vào cuộc sống gia đình”, bác sĩ Quyết chia sẻ.
Và bác sĩ Quyết bắt đầu bằng câu chuyện của một nữ sinh năm thứ nhất trường đại học Nông nghiệp I (Hà Nội). Em ấy gọi điện cho tôi và hỏi: “Tối hôm qua em đi chơi với bạn tình và bạn tình sờ ngực, liệu em có thai không?”.
Nghe xong câu chuyện của bạn sinh viên đó, có lẽ nhiều người sẽ bật cười. Nhưng với tôi, tôi thấy thương nhiều hơn là buồn cười. Thương cho bản thân em sinh viên đó nói riêng, thương cho cả một thế hệ sinh viên bây giờ. Trình độ đại học rồi nhưng lại có những câu hỏi ngây ngô như thế.
Với bác sĩ Quyết, thảm hại hơn là câu chuyện của nhiều em sinh viên tìm đến Trung tâm của anh đã có tới vài lần nạo hút thai. Đó là hệ quả của việc quan hệ tình dục không an toàn.
“Tôi vẫn thường nói với các khách hàng của mình rằng: Yêu phải có văn hóa, kĩ năng, hiểu biết. Chứ không thể yêu mà chỉ dựa vào mấy lời hứa hẹn”, bác sĩ Quyết cho biết.
Năm 2010, bác sĩ Quyết có tham gia một điều tra nghiên cứu tại 16 khu công nghiệp ở Hà Nội về kĩ năng sống của các công nhân thì thấy, tới 50% các em quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai. Kiến thức về sức khỏe sinh sản của nhóm đối tượng này thì... quá kém.
Bên cạnh đó các bệnh về phụ khoa, các tổn thương về bộ phận sinh dục cũng có nhiều. Mà khi xảy ra các vấn đề như thế, họ rất lúng túng. Nhiều người khi có thai ngoài ý muốn đã không dám tới các cơ sở khám chữa bệnh công vì sợ các bác sĩ biết tên, họ sẽ gửi về trường, về gia đình...
“Đó là những cách hiểu, cách suy nghĩ rất mù mờ. Có kiến thức nhưng các em cũng phải nói quyền lợi như thế nào? Chưa ai nói cho các em về quyền lợi cũng như sức khỏe sinh sản vì sợ nói ra là “vẽ đường cho hươu chạy”. Thế nhưng đó lại là suy nghĩ sai lầm. Cần đưa sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính vào nhà trường để giúp các em hiểu thế nào là bạo dâm, rồi bạo lực gia đình là xấu xa... Đây là vấn đề giống nòi”, bác sĩ Quyết nói thêm.
Mượn tiếng cười và sân khấu hóa những câu chuyện bi hài liên quan tới tình dục, hôn nhân gia đình... để không còn những cái nhìn lệch chuẩn về vấn đề này. Đó là quan điểm của bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết.
Bạn đọc có thể gửi thư, câu hỏi về tòa soạn theo email: [email protected]. Chuyên gia của chúng tôi sẽ giúp bạn tháo gỡ những rắc rối thầm kín!