Rượu lúc đầu mới uống ít hoặc chưa ngấm sâu chỉ ức chế trung tâm ức chế ở não, tạo ra hiện tượng giống như hưng phấn (nói nhiều, hoa chân múa tay), sau đó do uống thêm hoặc do rượu ngấm sâu mà sự ức chế ấy lan khắp não (không biết gì, ngủ như chết)... Như vậy, trong mọi giai đoạn rượu là chất ức chế. Vì vậy không dùng rượu khi dùng các thuốc sau:
Thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương: Các thuốc như thuốc an thần (diazepam) điều chỉnh rối loạn quá trình hưng phấn - ức chế, thuốc ngủ (phenobarbital) ức chế quá trình kích thích, thuốc động kinh (carbamazepin) làm giảm quá trình kích thích... khi dùng cùng với rượu thì rượu sẽ làm tăng tác dụng của các thuốc này, gây độc giống như dùng quá liều.
Thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương: Khi dùng các thuốc này với rượu thì rượu sẽ làm đảo ngược tác dụng của thuốc làm cho thuốc giảm hiệu lực.
Thuốc có tác dụng phụ ức chế hệ thần kinh trung ương: Các kháng histamin thế hệ cũ (chlopheniramin, alimemazin, promethazin cycloheptadin) thấm vào não gây ức chế. Đối với các thuốc này khi dùng cùng với rượu thì rượu làm tăng tác dụng của thuốc, gây độc.
Rượu khi uống làm giãn mạch làm thoát nhiệt ra ngoài, mặt đỏ bừng làm cho có cảm giác ấm nhưng thực chất là làm giãn mạch làm thân nhiệt hạ. Sự giãn mạch này đưa đến hạ huyết áp. Nếu dùng chung với thuốc làm hạ huyết áp (dù với cơ chế làm hạ huyết áp như thế nào) thì rượu cũng làm tăng tính hạ huyết áp của thuốc gây nên việc giảm huyết áp đột ngột, nguy hiểm.
Rượu gây độc cho gan, nếu dùng rượu chung với các nhóm thuốc gây độc cho gan như thuốc chống lao (pyrazinamid), thuốc sốt rét (mepraquin) thuốc chống nấm (griseopulvin), thuốc mạch vành (herhexilin), thuốc chữa loạn nhịp (quinidin) thì rượu và thuốc cùng gây độc cho gan làm cho tính độc cho gan tăng lên. Ngoài ra cần biết khi uống rượu, gan phải dùng gluthation để giải hóa làm cạn kiệt chất này và những thuốc nào nhờ chất này mà chuyển hoá thành chất không độc như paracetamol thì quá trình chuyển hóa bị trở ngại và trở nên độc cho gan hơn.
Rượu làm tăng phản ứng hạ đường huyết. Khi dùng chung với các thuốc hạ đường huyết trong bệnh tiểu đường týp II (chlopropamid, glibenclamid, glipizid tolbutamid) thì nó tác dụng như một chất hiệp đồng làm hạ đường huyết đột ngột, gây hôn mê.
Rượu còn bị một số kháng sinh gây ra phản ứng sợ rượu (gọi là phản ứng altabuse) như các kháng sinh nhóm cephalosporin, nhóm phenicol (chloramphenicol), nhóm azol (metronidazol, ketocanzol). Khi dùng các nhóm kháng sinh này (hiện nay có rất nhiều) thì không được uống rượu.
Rượu còn gây ra một số phản ứng phức tạp trên các kháng viêm không steroid thế hệ cũ. Các kháng viêm không steroid thế hệ cũ vừa ức chế cyclo-oxydase II làm giảm đau, ức chế cả cyclo-oxydase I gây tác dụng phụ trên đường tiêu hóa. Với tác dụng ức chế của mình, rượu làm tăng tác dụng có hại nhiều hơn. Vì thế, khi dùng các kháng viêm không steroid thế hệ cũ (như aspirin, paracetamol, ibuprofen...) phải tuyệt đối kiêng rượu.