Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta buộc phải gồng mình để bắt kịp nhịp độ của mọi sinh hoạt, xã hội. Và kiệt sức là một trong những vấn đề liên quan đến sức khỏe mà mỗi chúng ta đang có nguy cơ đối diện hàng ngày.
Ngoài việc gây tổn hại đến sức khỏe, suy kiệt cũng là kẻ phá hoại hạnh phúc gia đình, thậm chí dẫn đến các vết nứt trong mối quan hệ cá nhân của mỗi người. Dưới đây là một số cách có thể giúp bạn phấn chấn hơn và ngăn chặn cơ thể kiệt sức.
1. Quản lý thời gian của bạn thật tốt
Quản lý thời gian hiệu quả là chìa khóa để ngăn chặn cơ thể bị kiệt sức. Bạn cần phải học cách để sắp xếp quỹ thời gian vốn có của mình cho các công việc cần thực hiện một cách hợp lý.
Học cách ủy thác công việc cho những người phù hợp hơn thay vì bạn ôm đồm tất cả. Hãy ưu tiên những công việc của bạn và không cố gắng làm tất cả mọi thứ cùng một lúc.
Nếu bạn quản lý thời gian của bạn đúng cách, chắc chắn bạn sẽ không rơi vào tình trạng kiệt sức vào cuối mỗi ngày. Và như thế hiệu quả công việc của bạn luôn cao, đồng thời bạn cũng giữ được sức khỏe cho bản thân và luôn phấn trấn, tươi tỉnh.
2. Học cách nói "Không"
Đây có lẽ là một trong những điều khó khăn nhất và quan trọng nhất đối với mỗi người. Bởi để làm được điều này, bạn cần phải nhận thức đầy đủ khả năng và giới hạn của mình. Và điều này cũng giúp bạn tránh rơi vào tình trạng căng thẳng, kiệt sức.
Bạn chú ý không né tránh những việc mình có thể xử lý dễ dàng nhưng lại chấp nhận lao vào những việc mà bạn có những hạn chế cả về trí và lực. Nếu bạn cảm thấy mình không đủ khả năng để hoàn thành một việc gì đó trong khoảng thời gian nhất định, hãy nói cho cấp trên của bạn biết.
Còn ngược lại nếu bạn vội vã chấp nhận nhiệm vụ ngoài khả năng của mình thì nó không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng công việc mà còn liên đới tới cả sức khỏe của bạn.
Do đó, đừng tạo gánh nặng cho bản thân bằng việc ép mình làm những việc ngoài tầm kiểm soát. Chỉ có như vậy bạn mới tránh khỏi tình trạng stress, mệt mỏi, dẫn đến kiệt sức.
3. Có mục tiêu thực tế
Trong cuộc sống, mỗi người đều có những kỳ vọng và mục tiêu đặt ra cho bản thân để chứng minh năng lực và đảm bảo kinh tế cho cuộc sống. Tuy nhiên nếu bạn ràng buộc mình vào những hoạch định xa vời, bất khả thi thì có thể sẽ dẫn đến giảm năng suất lao động cũng như sức khỏe của bạn. Bạn nên biết rằng, con người sinh ra không phải hoàn hảo để làm tốt được tất cả mọi thứ. Nhận thức được những điểm yếu của mình và chấp nhận chúng là dấu hiệu của sức mạnh bền bỉ.
Nếu bạn quá khắc nghiệt với bản thân thì bạn sẽ nhanh chóng ngã quỵ. Vì thế, hãy suy nghĩ về những mục tiêu thực tế, trước mắt và nhìn thấy được kết quả để tránh rơi vào trạng thái tâm lý mệt mỏi, suy kiệt.
4. Có cuộc sống ngoài công việc
Điều này là vô cùng quan trọng để bạn có một cuộc sống xã hội lành mạnh, một thế giới mà bạn có thể thoát ra sau khi rời khỏi văn phòng. Một cuộc sống vui vẻ ngoài công việc: Ở bên cạnh người bạn đời, liên lạc, gặp gỡ bạn bè, người thân – những người có cái nhìn tích cực đối với cuộc sống sẽ giúp tinh thần bạn luôn thư thái, vui vẻ.
Bạn sẽ ngừng suy nghĩ về công việc sau những giờ cống hiến năng lực, trí óc tại văn phòng. Như thế cơ thể bạn sẽ giải tỏa mọi mệt mỏi và được phục hồi cho ngày làm việc tiếp theo.
5. Giữ cho mình đủ sức khỏe
Việc giữ sức khỏe cho bản thân chính là một cách để bạn đối phó lại những áp lực của cuộc sống, tránh mệt mỏi, căng thẳng… Do đó, bạn hãy cố gắng giữ cho bản thân tràn đầy sinh lực bằng cách ăn uống tốt, tập thể dục đều đặn, uống nhiều nước, và có một đêm ngon giấc.
Ngoài ra, tránh xem TV quá nhiều sau khi bạn trở về nhà từ nơi làm việc. Bạn nên nhớ rằng chỉ khi bạn khỏe mạnh bạn mới có đủ sức lực và sự minh mẫn để hoàn thành mọi mục tiêu.
6. Lắng nghe cơ thể của bạn
Khi bạn có dấu hiệu kiệt sức, cơ thể sẽ cảm thấy luôn mệt mỏi, ủ rũ và mất kiên nhẫn với tất cả mọi thứ. Bạn cũng có thể giảm cảm giác thèm ăn và khó ngủ hơn. Nếu bạn nhận thấy cơ thể mình có những dấu hiệu đó thì chúng đang muốn “nhắn nhủ” với bạn rằng bạn cần phải được nghỉ ngơi nếu không sẽ gục ngã.