Theo đó, loại virus 48.500 năm tuổi này được đặt tên là Pandoravirus yedoma, liên quan đến chiếc hộp Pandora trong thần thoại Hy Lạp. Virus được tìm thấy trong một mẫu băng vĩnh cửu lấy từ độ sâu 52 foot (16 m) dưới đáy hồ ở Yukechi Alas thuộc Cộng hòa Yakutia thuộc Nga.
Được biết, loại virus đặc biệt này là một trong tổng cộng 9 loại virus khác nhau đã được khai quật và hồi sinh từ các mẫu băng vĩnh cửu ở Siberia trong những năm gần đây. Trong đó, 7 mẫu vừa được các nhà khoa học hồi sinh trong nghiên cứu mới nhất này, trong khi 2 loại virus có niêm đại 30.000 năm tuổi đã được khai quật từ năm 2013. Điểm chung của chúng là đều đã bị đóng băng từ cách đây hàng chục nghìn năm. Một loại virus có độ tuổi 'trẻ' nhất đã bị đóng băng cách đây 27.000 năm.
Virus Pandoravirus yedoma là loại virus lâu đời nhất được tìm thấy
Ngoài tuổi của nó, đặc điểm đáng chú ý khác của loại pandoravirus này là kích thước của nó. Được phân loại là một loại virus có kích thước khổng lồ, Pandoravirus yedoma dài khoảng 1 micromet và rộng 0,5 micromet. Điều này đồng nghĩa với việc, chúng có thể được kiểm tra trực tiếp dưới kính hiển vi. Nó chứa khoảng 2.500 gen, trái ngược với các virus hiện đại lây nhiễm cho người chỉ có không quá 10 đến 20 gen, trong khi có kích thước nhỏ hơn rất nhiều lần.
Đáng nói, việc hồi sinh các loại virus cổ đại đang khiến nhiều người lo ngại, khi cho rằng chúng có thể bị rò rỉ ra khỏi phòng thí nghiệm và gây ra một đại dịch mới.
Tuy nhiên, các nhà khoa học khẳng định nghiên cứu này là cần thiết để đánh giá những mối nguy hiểm liên quan đến biến đổi khí hậu. Một phần tư của Bắc bán cầu được bao phủ bởi mặt đất đóng băng vĩnh viễn, được gọi là băng vĩnh cửu. Với sự tan rã của lớp băng vĩnh cửu, chất hữu cơ đã bị đóng băng hàng triệu năm đang tan ra. Một trong những tác động của việc này là giải phóng khí carbon dioxide và metan vào khí quyển, làm tăng hiệu ứng nhà kính. Một phần của chất hữu cơ này cũng bao gồm các vi khuẩn tế bào được hồi sinh (sinh vật nhân sơ, sinh vật nhân thực đơn bào), cũng như các virus đã không hoạt động từ thời tiền sử.
Bằng cách trích xuất virus từ các mẫu băng vĩnh cửu và hồi sinh chúng trong điều kiện được kiểm soát, chúng ta mới có thể đánh giá bản chất của mối đe dọa mà chúng có thể gây ra đối với sức khỏe và sự an toàn của con người trong một tương lai ấm áp hơn, khi không còn băng vĩnh cửu.
Virus cổ đại có thể sớm quay trở lại, với số lượng rất lớn
Trong bối cảnh lớp băng vĩnh cửu bao phủ hơn 1/4 tổng diện tích đất liền ở Bắc bán cầu, sự lo ngại này không phải không có cơ sở. Tải lượng virus hiện đang bị nhốt trong băng vĩnh cửu chắc chắn là rất lớn.
Nếu chúng được giải phóng trong vài thập kỷ tới, nguy cơ xảy ra một đợt lây nhiễm virus mới ở nhiều loài vật chủ là điều có thể dự đoán được. Vấn đề nằm ở chỗ, hệ miễn dịch của các loài động vật cũng như con người khó có thể miễn nhiễm với tác động của các tác nhân virus đã không còn lưu hành trong hàng chục nghìn năm.
Tất nhiên, các hệ miễn dịch cuối cùng sẽ điều chỉnh để thích nghi, nhưng điều này có thể xảy ra quá muộn để ngăn chặn sự mất mát nghiêm trọng có thể tác động tới hàng loạt loại vi sinh vật, thực vật và động vật.
Những lo ngại về sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu không chỉ là các dự đoán, mà thực tế nó đang diễn ra. Các khu vực từng bị đóng băng trong vài chục nghìn năm đã và đang bắt đầu tan chảy, cho phép các nhà khoa học khai quật được xác các loài động vật thời tiền sử được bảo quản trong điều kiện rất tốt.
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã tìm thấy xác của loài tê giác lông xù đã tuyệt chủng cách đây 14.000 năm, và trong một trường hợp, các nhà khoa học đã phục hồi được đầu của một con sói 40.000 năm tuổi trong tình trạng gần như nguyên vẹn.
Đặc biệt, hài cốt voi ma mút có lông được chứng minh là đặc biệt dễ tìm thấy ở các vùng đất mới tan băng. Số lượng hài cốt được tìm thấy nhiều đến mức, một ngành công nghiệp chợ đen đã ra đời, khi ngà voi ma mút được khai quật bất hợp pháp sẽ được bán cho những người buôn bán ngà voi.
Biến đổi khí hậu và kết quả là sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu có thể giải phóng một lượng lớn virus chưa từng được biết đến ra môi trường
Đây cũng là điều các nhà khoa học đang lo ngại, khi các tác nhân lây nhiễm virus có thể đang ẩn náu bên trong những xác động vật cổ đại được bảo quản tốt này. Chẳng hạn, loại virus 27.000 năm tuổi được tìm thấy trong nghiên cứu mới này được chiết tách từ phân voi ma mút đông lạnh lấy từ một lõi băng vĩnh cửu.
Điều này có nghĩa, các loại virus được giải phóng từ vật chủ là xác các loài động vật tiền sử nhiều khả năng sẽ tiến hóa thành một loại virus mới có khả năng đe dọa nền văn minh của chúng ta.
Hiện tại. các khu vực ở gần Bắc Cực phần lớn không có người định cư lâu dài. Nhưng các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, một số lượng lớn người đang đến thăm những vùng lạnh nhất của hành tinh hơn bao giờ hết, chủ yếu để khai thác các nguồn tài nguyên quý giá như dầu, vàng và kim cương, vốn tồn tại rất nhiều ở những khu vực chưa được khám phá trước đây.
Như vậy, việc vô tình bị phơi nhiễm virus trong các hoạt động khai thác khoáng sản và đào bới lớp băng vĩnh cửu là điều có thể xảy ra trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các nhà khoa học khác đã cảnh báo về sự nguy hiểm của virus được giải phóng ở Bắc Cực thông qua sự tan chảy của các sông băng. Đây là một tác dụng phụ khác có thể xảy ra của sự nóng lên toàn cầu. Điều này có thể khiến động vật và con người tiếp xúc với những dòng sông băng tan chảy có thể mang mầm bệnh đến các khu vực mới xa hơn về phía nam.