Giới chuyên gia xác định nguyên nhân mưa lũ bất thường tại Hàn Quốc

Anh Nguyên |

Các chuyên gia môi trường và thời tiết Hàn Quốc cho rằng các cơn mưa lớn dồn dập trút xuống nước này trong vài tuần qua có khả năng bắt nguồn từ sự nóng lên của Trái Đất.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, khu vực miền Nam Hàn Quốc đã chứng kiến một trong những mùa gió mùa dài nhất trong năm. Mưa kéo dài 49 ngày từ ngày 10/6 đến ngày 28/7 trong mùa gió mùa dài nhất trên hòn đảo nghỉ dưỡng Jeju và 38 ngày từ ngày 24/6 đến ngày 31/7 ở khu vực miền Nam. Ở khu vực miền Trung, nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt mưa gần đây, mưa kéo dài trong 41 ngày qua.

Số liệu thống kê của Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cho thấy từ ngày 2/8 đến nay, tổng lượng mưa tại xã Yeoncheon, tỉnh Gyeonggi đạt gần 300 mm, các khu vực khác đạt hơn 200 mm. Dự kiến mưa sẽ còn kéo dài tại nhiều nơi ở khu vực miền Trung với lượng mưa từ 100-300 mm, xã Yeongdong ở tỉnh Bắc Chungcheong và phía Bắc tỉnh Bắc Gyeongsang từ 30-100 mm, tỉnh Bắc Jeolla từ 5-40 mm.

Bên cạnh đó, bão Hagupit, cơn bão thứ 4 hình thành từ xích đạo trong năm nay, đang mạnh dần lên và mang theo hơi nước nhiệt đới nóng ẩm lên dải hội tụ gây mưa. KMA dự báo từ ngày 5/8, bão Hagupit sẽ gây mưa lớn cục bộ tại khu vực miền Trung Hàn Quốc với lượng mưa lên tới 500 mm. Theo đó, mùa mưa ở khu vực này cũng được dự báo sẽ kéo dài ít nhất đến ngày 12/8 tới và là mùa mưa dài nhất kể từ ngày 10/8/1987.

Đợt mưa lớn trút xuống khu vực miền Trung vừa qua đã gây thiệt hại không nhỏ cho Hàn Quốc. Tính đến ngày 4/8, đã có ít nhất 12 người thiệt mạng, 14 người khác mất tích và hơn 1.000 người phải sơ tán do bị mất nhà cửa hoặc bị ngập lụt... Ngoài ra, 5.751 hécta đất nông nghiệp cũng bị ngập trong nước. Hàng nghìn tài sản cá nhân và công trình công cộng bị hư hỏng do ngập nước, ảnh hưởng tới hoạt động vận tải đường bộ và đường sắt.

Các chuyên gia cho rằng những biến đổi bất thường của thời tiết năm nay có thể bắt nguồn từ sự nóng lên của Trái Đất trên quy mô toàn cầu, khiến băng tan chảy nhiều hơn, làm cho đất hoạt động như một "tấm hấp thụ" ánh sáng từ mặt trời. Điều này khiến không khí ấm lên và tích tụ, đẩy các luồng không khí lạnh đến khu vực Đông Bắc Á. Theo một quan chức của KMA, "sự thay đổi khí hậu ở Bắc Cực và Siberia đã dẫn đến mưa như trút ở khu vực Đông Á, bao gồm cả Hàn Quốc, giống như hiệu ứng cánh bướm". Vị quan chức này cũng cho rằng sở dĩ có mùa gió mùa dài bất thường trong năm nay là do nhiệt độ ở Bắc cực tăng lên, đồng thời nhấn mạnh "trong khi vẫn chưa thể xác định nguyên nhân chính của hiện tượng nóng lên của Trái Đất thì biến đổi khí hậu đã và đang gây tác động ảnh hưởng đến các khu vực theo những cách rất khác nhau".

Theo các chuyên gia, mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác của các sự kiện siêu nhiệt ở Đông Siberia, song có thể nói hiện tượng trên liên quan mật thiết đến sự nóng lên của Trái Đất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại