Khuôn viên Đại sứ quán Mỹ đặt tại "Vùng Xanh" ở thủ đô Baghdad. Ảnh: Reuters
Lãnh đạo Đại sứ quán Mỹ ở Iraq cũng như Văn phòng Bộ Ngoại giao Mỹ tại Trung Đông đang hối thúc bộ này thay đổi chính sách. Nhưng ở thời điểm hiện tại, Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad không những được yêu cầu giảm chi trả phụ cấp khó khăn, mà còn phải thu lại hàng nghìn USD đã được cấp phát trước đó.
“Tôi có cảm giác như chúng tôi vừa bị đâm sau lưng”, một quan chức Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad nêu quan điểm. Người này cho biết phụ cấp khó khăn là một trong những lý do, nguồn động lực đặc biệt khi nhận đi công tác ở Iraq và nay động lực này không còn nữa.
Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối trả lời câu hỏi trực tiếp của hãng tin ABC News, chỉ nói chung chung rằng bộ này không có trách nhiệm bình luận những vấn đề tiểu tiết liên quan đến lương, thu nhập của nhân viên. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ có thể xác nhận các nhân viên ngoại giao sẽ tiếp tục nhận được thù lao, trợ cấp theo đúng quy định của bộ, người này chia sẻ.
Thông thường, Bộ Ngoại giao Mỹ chi trả khoản phụ cấp “nguy hại” cho nhân viên tại những phái bộ đứng chân ở địa bàn, khu vực nguy hiểm về an ninh, trong đó có mục chi cho nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe thể chất, tinh thần. Số tiền này sẽ bị cắt khi nhân viên ra khỏi phạm vi nước sở tại.
Nhưng do nguy cơ an ninh tại Iraq là lớn, nên ngoài phụ cấp “nguy hại”, cán bộ, nhân viên trong Đại sứ quán tại Iraq còn nhận được thêm khoản phụ cấp “khó khăn”. Đây là khoản chi trả mà Bộ Ngoại giao Mỹ đang cắt bỏ với Đại sự quán tại Iraq, do phái bộ này đã thuộc diện được yêu cầu di dời.
Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi tháng 3/2020 đã đặt phái bộ Mỹ tại Iraq vào diện di dời, yêu cầu rút cán bộ, nhân viên về nước, chỉ để lại số thực sự thiết yếu. Đại dịch bùng phát, lan rộng ở khu vực, một nhóm nhỏ nhân viên người Mỹ vẫn bám trụ tại Baghdad, họ phải làm việc nhiều ngày, nhiều tuần hơn so với trước và đến tháng 11/2020 phải đối mặt với các đợt tấn công rocket nhằm vào “Vùng Xanh” ở Baghdad, nơi đặt trụ sở phái bộ.
Đến tháng 2 vừa qua, số này lại đón nhận thêm một tin không vui. Cũng do lệnh di dời, nên các viên chức sứ quán sẽ mất khoản trợ cấp khó khăn một khi họ rời khỏi Iraq để đi nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe. Chính sách này thậm chí còn có tính chất “hồi tố”: Những ai từng cắt phép nghỉ dưỡng năm ngoái sẽ phải trả lại tiền.
Đối với một số địa bàn khó khăn như Baghdad hay Kabul ở Afghanistan, ngoài tiền lương, các nhân viên ngoại giao Mỹ còn được hưởng được khoản “phụ cấp khó khăn” 30% và “phụ cấp nguy hiểm” 35%. Đây là chính sách được Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện để khích lệ các cá nhân chấp nhận mạo hiểm bổ sung khi đi thực hiện nhiệm vụ tại những phái bộ khó khăn.