Mới đây, các nghị sĩ Nga đã chỉ trích tuyên bố của ông Marshall Billingslea, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về vấn đề kiểm soát vũ khí.
Theo ông Billingslea, Washington sẽ thực hiện “bước đi mới” nếu Nga không chấp nhận các điều kiện của Mỹ về việc gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START - phía Nga gọi là START-3).
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí ông Billingslea nói rằng Washington sẵn sàng ký kết một “bản ghi nhớ ở cấp Tổng thống” với Moscow trong những ngày tới, để chuẩn bị trước cho việc gia hạn Hiệp ước START-3.
“Ngôn ngữ của tối hậu thư là không thể chấp nhận được”
Trong cuộc phỏng vấn hãng tin RIA, thành viên của Ủy ban Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga về vấn đề quốc tế, ông Anton Morozov đã gọi nỗ lực của Washington đưa ra tối hậu thư cho Moscow là “không thể chấp nhận được”.
“Tôi tin rằng ngôn ngữ của tối hậu thư là không phù hợp với quan hệ quốc tế, đặc biệt là khi liên quan đến quan hệ song phương giữa Nga và Mỹ. Chúng ta phải phát triển cơ sở hiệp ước về giới hạn vũ khí, vì các quốc gia lớn như của chúng ta sẽ chịu trách nhiệm về an ninh trên toàn thế giới”, ông Morozov cho biết.
Ngoài ra, nghị sĩ Nga cũng gọi cách tiếp cận của ông Billingslea là “viển vông”. Theo ông Morozov, Trung Quốc có thể quan tâm đến việc ký kết một thỏa thuận như vậy, nhưng cần phải xác định các điều khoản trên bàn đàm phán, mà các bên khác cũng có thể tham gia.
“Mỹ đang tự tạo luật chơi”
Phó Chủ tịch Ủy ban về Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Alexey Kondratyev cáo buộc Washington đang chơi với “một mục tiêu”. “Mỹ đang thực hiện các bước để hạn chế Nga, trong khi thực tế là nới lỏng cho họ”, ông Kondratyev cho biết.
Theo ông Kondratyev, sự ra đời của hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ thực sự đã hủy diệt lá chắn hạt nhân của Nga, nhưng nhờ sự phát triển của các loại vũ khí mới, bao gồm cả siêu thanh, điều này đã tránh được.
Đồng thời, ông Kondratyev nhấn mạnh Nga không thể đảm nhận “nghĩa vụ hạn chế Trung Quốc” trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân và Bắc Kinh cũng từ chối thảo luận về chủ đề này.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Duma về các vấn đề quốc tế Dmitry Novikov cho rằng, tình hình chung đối với những thỏa thuận đạt được trong các giai đoạn trước đây về hạn chế vũ khí là khá bi quan. Như đã biết, Mỹ phá hủy gần như toàn bộ hệ thống các thỏa thuận trước đó, vì vậy bất kỳ sự biểu hiện nào tỏ ý sẵn sàng đạt được thỏa thuận, dù chỉ là tạm thời, cũng đều là động thái tích cực.
Cũng theo ông Novikov, Hiệp ước New START nên được duy trì bất kể việc Trung Quốc có tham gia vào đó hay không.
Hiệp ước New START được ký kết vào ngày 8/4/2010 tại Prague (Cộng hòa Czech) thay thế các hiệp ước về giảm trừ vũ khí hạt nhân chiến lược đã ký kết trước đó. Hiệp ước có hiệu lực ngày 5/2/2011, dự kiến sau 10 năm (tức đến tháng 2/2021) sẽ hết hiệu lực và có thể kéo dài đến năm 2026 nếu hai bên đồng ý.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã đề xuất gia hạn thỏa thuận thêm 5 năm mà không cần điều kiện tiên quyết. Trong khi đó, chính quyền Mỹ ở nhiều cấp khác nhau đang nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa Trung Quốc vào các cuộc đàm phán để đàm phán một thỏa thuận hạt nhân ba bên mới giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ ý tưởng này.
Đồng thời, Moscow lưu ý Nga vẫn nhận thấy Mỹ có quyết định rõ ràng trong việc gia hạn Hiệp ước New START. Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov trước đó nhấn mạnh rằng Moscow sẽ không đáp ứng các yêu cầu không thể thực hiện được của các đối tác Mỹ, bao gồm cả vấn đề Trung Quốc tham gia.