Hạ viện Mỹ mới đây đã thông qua dự luật có thể khiến cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Alibaba và Baidu bị “đuổi” khỏi các sàn chứng khoán Mỹ nếu các nhà quản lý nước này không được cho phép xem xét hồ sơ tài chính của doanh nghiệp.
Dự luật đã nhận được sự ủng hộ của chính trị gia của cả hai đảng tại Hạ viện Mỹ sau khi vượt qua Thượng viện Mỹ vào tháng 5/2020. Dự luật giờ đây sẽ được gửi lên Tổng thống Mỹ Donald Trump, người dự kiến sẽ ký thông qua nó.
Dù dự luật có đưa ra khoảng thời gian chờ, các mức phạt chỉ được áp dụng sau 3 năm liên tiếp doanh nghiệp không tuân thủ; nó cho thấy quan điểm của phía Washington với Trung Quốc ngày một cứng rắn.
Đã nhiều năm nay, các doanh nghiệp Trung Quốc đã phụ thuộc vào thị trường vốn của Mỹ và nguồn tài chính bằng USD huy động được như nguồn vốn bổ sung quan trọng.
“Chính sách của Mỹ đang giúp cho phía Trung Quốc né tránh được những quy định mà phía Mỹ phải tuân thủ, và điều đó thật nguy hiểm. Hôm nay, Hạ viện Mỹ đã đồng lòng cùng Thượng viện Mỹ loại bỏ tình thế nguy hiểm này và tôi cảm thấy thật sự vui mừng khi mà dự luật này sẽ đến được bàn của Tổng thống Mỹ”, thượng nghị sỹ John Kennedy nói.
Không chỉ yêu cầu doanh nghiệp phải cho phép các nhà quản lý Mỹ xem xét hồ sơ tài chính của doanh nghiệp, dự luật mới còn buộc các công ty phải công bố rõ ràng xem họ có thuộc kiểm soát của chính phủ Trung Quốc hay không. Dự luật được vận động mạnh mẽ bởi Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa bang Louisana – ông John Kennedy và Thượng nghị sỹ bang Maryland - ông Chris Van Hollen.
Dự luật được thông qua ở một thời điểm vô cùng quan trọng trong cuộc đối đầu kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh. Phía Trung Quốc đang từ chối cho giới chức Mỹ xem xét hồ sơ kiểm toán của những doanh nghiệp có niêm yết cổ phiếu tại Mỹ. Cơ quan giám sát Mỹ đã đề nghị phải được làm điều trên nhằm ngăn tình trạng gian lận và lừa đảo giống như trong vụ việc Enron trước đây từng khiến cho tiền của các cổ đông bị “thổi bay”.
Giới đầu tư tài chính đã dự báo trước được về động thái pháp lý mới nhất này. Cổ phiếu của Alibaba, doanh nghiệp Trung Quốc lớn nhất hiện đang niêm yết cổ phiếu tại Mỹ, đã không thay đổi nhiều trên thị trường tương lai. Trước đó trong phiên giao dịch chính thức, cổ phiếu giảm 1%. Đồng nhân dân tệ không có nhiều thay đổi.
Phó Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Trung Quốc, ông Fang Xinghai, trong tháng trước đã thể hiện quan điểm lạc quan rằng vụ việc căng thẳng có thể được giải quyết với chính quyền Biden. Đồng thời ông cũng nói thêm rằng cũng cần phải đảm bảo doanh nghiệp Trung Quốc có thể tiếp cận được với thị trường vốn quốc tế.
Các nhà quản lý chứng khoán của hai nước Mỹ và Trung Quốc đã có nhiều cuộc đối thoại không ngừng trong vòng hơn 1 thập kỷ qua. Trong nhiều năm qua, đã có những lúc người ta kỳ vọng hai bên chuẩn bị chốt được thỏa thuận, thế nhưng cuối cùng mọi chuyện lại không được như mong muốn.
Dù rằng, giới chức Mỹ không được xem xét hồ sơ kiểm toán của doanh nghiệp Trung Quốc, họ đã được cho phép tiếp tục niêm yết cổ phiếu tại Mỹ bởi điều này cũng có lợi cho chính các sàn giao dịch, ngân hàng đầu tư và tổ chức quản lý quỹ tại Mỹ.
Theo Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC), ước tính hơn 150 doanh nghiệp của Trung Quốc với tổng giá trị vốn hóa ước chừng 1,2 nghìn tỷ USD hiện đang niêm yết cổ phiếu tại Mỹ tính đến năm 2019, trong năm nay cũng đã có thêm nhiều đợt chào bán cổ phiếu mới.