Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2024: Trầm tích văn hóa làng cổ Hùng Lô

Bảo Hân - Quang Tùng |

Làng cổ Hùng Lô đậm chất huyền tích từ thời Hùng Vương trên vùng đất Tổ Phú Thọ là nơi gắn bó với nhiều huyền tích của lịch sử dân tộc.

Làng cổ Hùng Lô đậm chất huyền tích từ thời Hùng Vương trên vùng đất Tổ Phú Thọ không chỉ là quê hương của những truyền thống cổ xưa, mà còn là nơi gắn bó với nhiều huyền tích của lịch sử dân tộc. Đặc biệt, những phong tục tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và nghệ thuật hát Xoan đã trở thành biểu tượng văn hóa tinh thần của địa phương.

Nét cổ kính lưu truyền lâu đời

Làng cổ Hùng Lô nằm tại xã Hùng Lô thuộc phía Bắc của thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đã trở thành một bức tranh sống động của truyền thuyết thời Hùng Vương, được biết đến với cái tên “Trang Khả Lãm”. Với hơn hàng thế kỷ lịch sử, nơi đây vẫn giữ được sự trong trẻo của văn hóa dân tộc, đặc biệt là di sản văn hóa hát Xoan.

Nơi đây là biểu tượng của sự gắn kết với đất đai, làng quê, và nền văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trải qua bao biến thiên của thời gian nhưng làng cổ Hùng Lô vẫn giữ được những giá trị văn hóa, kiến trúc cổ kính và không gian yên bình, đậm chất làng quê. Đây cũng là điểm sáng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, đem lại niềm tự hào cho cộng đồng địa phương và đất nước.

Không gian yên bình của làng quê, hòa quyện vào sắc màu cổ kính của kiến trúc và nét văn hóa thời Hùng Vương, là nét đặc trưng độc đáo của làng cổ Hùng Lô. Con đường dẫn về làng Hùng Lô uốn khúc quanh co, bên dưới bóng râm của những cây xanh, tạo nên khung cảnh thơ mộng và ấm áp. Ở nơi này, những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi vẫn tồn tại, là những bức tranh sống động về quá khứ.

Trong số đó, có một ngôi nhà cổ niên đại gần 200 năm ở khu 3, xóm Si, xã Hùng Lô, đã và đang thu hút sự chú ý của du khách từ mọi miền đến tham quan. Hoa văn và họa tiết tinh xảo được khắc trên từng vì kèo, xà của ngôi nhà cổ, tạo nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, phản ánh tài năng của những người thợ mộc thời xưa và lưu giữ dấu ấn của thời gian cũng như sắc màu cổ kính qua các thế hệ.

Bà Nguyễn Thị Yến, chủ nhân của ngôi nhà cổ chia sẻ, ngôi nhà đã được các cụ mua từ bên sông và xây dựng. Ngôi nhà được thiết kế gồm 5 gian, 2 chái, với một hiên rộng phía trước. Bên trong, có tổng cộng 6 cột hiên và 4 cột giữa, mái lợp ngói âm dương, tạo nên một diện mạo cổ kính và trang nhã.

“Trong quá trình lịch sử, có thời kỳ một số cột bị mối xâm nhập, tuy nhiên, gia đình vẫn quyết tâm bảo tồn ngôi nhà cổ này nguyên vẹn với thiết kế ban đầu. Mặc dù có ý định dỡ đi để xây dựng lại bằng gạch, nhưng tinh thần gìn giữ và kính trọng với di sản của các cụ để lại đã khiến cho ngôi nhà này vẫn được bảo tồn đến ngày nay, là một biểu tượng của truyền thống và quá khứ đầy ý nghĩa”, bà Yến chia sẻ.

Kiến trúc của đình và miếu ở Hùng Lô cũng là một ví dụ độc đáo cho vẻ đẹp cổ kính và tinh tế, với những mái vòm cong vút mang lại một dấu ấn đặc biệt. Miếu Hùng Lô, là một trong những di tích cổ uy nghi nhất ở Hùng Lô, được xây dựng với mục đích thờ cúng các vị Vua Hùng, trở thành một biểu tượng quan trọng đại diện cho di sản văn hóa của vùng quê này, cùng với đình Hùng Lô.

Đình Hùng Lô mang vẻ cổ kính và uy nghiêm trầm mặc, nằm dưới bóng cây đa xanh mát, là không gian linh thiêng để diễn xướng nghi lễ và truyền thống của di sản hát Xoan. Theo các tư liệu lịch sử, trong tổng số 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương trên toàn quốc, đình Hùng Lô được xem là một trong những điểm đặc biệt, là biểu tượng thiêng liêng cho tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên vùng đất Tổ.

Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2024: Trầm tích văn hóa làng cổ Hùng Lô- Ảnh 1.

Truyền thuyết kể lại rằng, trong quá khứ, Vua Hùng và các quần thần thường đi du ngoạn khắp nơi, khám phá cảnh đẹp và đến vùng đất Hùng Lô, nơi mà họ sững sờ trước cảnh đẹp tuyệt vời, đất đai màu mỡ, cây cối xanh tốt. Họ dừng chân nghỉ ngơi ở đây, và khi người dân địa phương nhận ra Vua Hùng ngự giá, họ ra đón tiếp với lòng biết ơn và kính trọng. Đời sau, nhân dân đã lập miếu thờ Vua Hùng để thể hiện lòng biết ơn và tôn kính đối với vị vua hiền đức.

Nằm giữa không gian bằng phẳng và thoáng đãng, đình Hùng Lô gồm quần thể công trình kiến trúc cổ kính như ngôi miếu cổ, tòa Đại đình, Long đình, nhà Tiền tế, lầu chuông... Ngoài giá trị về kiến trúc, đình Hùng Lô còn được xem như một bảo tàng thu nhỏ, lưu giữ nhiều cổ vật quý như đỉnh, đèn, lư hương, hạc đồng, và nổi bật là bốn cỗ kiệu văn cùng một bộ kiệu bát cống.

Lễ hội đình Hùng Lô diễn ra từ ngày mùng 9 đến ngày 13 của tháng Ba âm lịch hàng năm. Trong dịp này, cư dân làng cổ Hùng Lô tổ chức rước kiệu và dâng lễ vật tới Đền Hùng, tôn vinh và kính mừng các vị anh hùng trong lịch sử dân tộc. Đây là thời điểm quan trọng, khi mọi người cùng nhau thể hiện lòng tôn kính và sự gắn bó với truyền thống văn hóa, góp phần làm cho không khí trong lành và trang trọng tại đình Hùng Lô trở nên đặc biệt và tràn ngập sắc màu nghệ thuật.

Lễ vật dành dâng Vua Hùng là những sản phẩm nông nghiệp được tạo ra bởi bàn tay khéo léo của cư dân trong vùng. Sau phần lễ, người dân trong làng Hùng Lô tổ chức rước kiệu vào Đền Hùng, một hoạt động truyền thống quan trọng. Đoàn rước kiệu thường gồm từ 200 - 400 người, mặc trang phục lễ hội truyền thống, khênh bốn cỗ kiệu được trang trí mỹ mãn với sơn son và thếp vàng.

Quãng đường rước kiệu từ Hùng Lô đến Đền Hùng dài khoảng 9 km, do đó trên đường đi có các trạm nghỉ. Trong thời gian nghỉ, dân làng Hùng Lô thường tổ chức các hoạt động như múa sư tử và các diễn xướng dân gian hát Xoan, tạo ra không khí sôi động và vui tươi. Khi đoàn rước kiệu đến chân núi Nghĩa Lĩnh, họ sẽ dừng lại nghỉ một đêm. Vào sáng mồng 10 tháng 3 âm lịch, đoàn rước kiệu sẽ tiếp tục hành trình và mang lễ vật vào Đền Hùng, để kịp thời gian cho lễ tế diễn ra.

Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2024: Trầm tích văn hóa làng cổ Hùng Lô- Ảnh 2.

Hát Xoan đình Hùng Lô đã trở thành đặc sản tại vùng đất Phú Thọ.

Những người giữ lửa nghề

Bên cạnh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, người dân địa phương còn bảo tồn và duy trì làn điệu hát Xoan, một loại hình dân ca mang tính nghi lễ, phong tục thường được trình diễn ở cửa đình vào dịp hội làng mùa Xuân. Nội dung của các bài hát Xoan phong phú, mang ý nghĩa cầu chúc, khấn nguyện, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương đất nước, tình yêu lao động, tình yêu nam nữ gắn với truyền thống văn hóa dân tộc.

Một cuộc hát Xoan được chia thành 3 giai đoạn và trình diễn theo một thứ tự nhất định: Mở đầu là chặng hát lễ nghi với các ca từ, giọng hát, điệu múa chặt chẽ, trang nghiêm, thành kính. Chặng thứ hai là đến phần hát các quả cách với giọng điệu, lời lẽ cởi mở, vui tươi, khỏe khoắn, chữ tình thể hiện niềm vui trong lao động sản xuất, trong đời sống lứa đôi… Chặng cuối là hát hội, hát giã đám, hát giao duyên nam nữ, hát giao lưu giữa người trình diễn hát Xoan với nhân dân địa phương và người đến xem hát, với giọng điệu khỏe mạnh, dồn dập tạo niềm vui, sự hào hứng cho cả người hát và người xem hát.

Ông Cao Tiến Dũng - Chủ nhiệm câu lạc bộ hát Xoan xã Hùng Lô chia sẻ: Hát Xoan là một loại hình nghệ thuật biểu diễn tập thể, có nguồn gốc từ rất sớm trong sinh hoạt của cư dân lúa nước ở Bắc Bộ. Đây không chỉ là một nghệ thuật múa hát, mà còn là một phần của truyền thống văn hóa, được thực hiện với mục đích cầu mong hạnh phúc, hy vọng nhận được ân huệ từ Vua Hùng và mong muốn cho mùa màng phồn thịnh, gia đình được hạnh phúc và sinh được nhiều con cái.

Trong hát Xoan, múa và hát luôn kết hợp nhịp nhàng với nhau, người biểu diễn tái hiện lại sinh động những nét văn hóa đặc sắc của cư dân xưa như: Thờ cúng, cấy lúa, bắt cá, mừng hội...

Không gian cổ kính, linh thiêng của các ngôi đình, kết hợp với lối biểu diễn thuần thục, nhuần nhuyễn từ tiếng trống phách, lời hát, động tác nhịp nhàng tay múa, chân đưa của các nghệ nhân và đào - kép Xoan đã toát lên vẻ đẹp của sự uy nghiêm, thành kính mà hồn hậu, mộc mạc, sâu đậm làm du khách không thể nào quên.

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch - Trùm phường Xoan An Thái, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì cho biết, tôn trọng và yêu quý điệu hát Xoan là biểu hiện sâu sắc của tình yêu đối với quê hương và đất nước. Việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân ca của dân tộc không chỉ là để giữ gìn và thể hiện bản sắc văn hóa của người dân đất Tổ, mà còn là để bảo vệ và phát huy những giá trị cốt lõi của dân tộc Việt Nam.

“Những nghệ nhân phường Xoan như chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để mang đến những điệu hát Xoan tốt nhất, ý nghĩa nhất, phục vụ du khách từ khắp nơi, nhất là những người hành hương về với đất Tổ”, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch bày tỏ.

Nâng niu và gìn giữ, người dân đất Tổ chăm sóc từng nốt nhạc và bước nhảy của điệu múa cổ qua các thế hệ. Từ người già đến trẻ thơ, mỗi người đều được lớn lên bên cạnh những giai điệu nhịp nhàng truyền thống của quê hương. Điệu hát Xoan, như một dấu ấn của tình thương và tình cảm sâu sắc của người dân đất Tổ, đã vượt qua hàng ngàn năm lịch sử, sẽ vẫn mãi vang vọng bến bờ non sông, là nguồn cảm hứng vĩnh cửu cho tâm hồn của người dân Lạc Hồng vào những thời đại tiếp nối.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại