Giờ G của biển Đông

TS Nguyễn Ngọc Trường (Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế) |

Dù tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tỏ ra mềm dẻo thì bằng cách này hay cách khác, ông cũng sẽ dùng phán quyết PCA như một đòn bẩy chiến thuật.

Dư luận quốc tế đang chờ đợi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) vào chiều 12-7 (giờ Việt Nam) về vụ khiếu kiện của Philippines đưa ra đầu năm 2013 chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết vùng biển Đông cũng như các hành động gây hấn của Trung Quốc đối với việc Philippines thực thi chủ quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước này.

Căn cứ vào quyền hạn của mình, PCA quyết định rằng 7 trong số 15 nội dung mà Philippines yêu cầu giải quyết trong đơn kiện đều phản ảnh loại tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) giữa hai quốc gia.

PCA không đưa ra phán quyết về tranh chấp chủ quyền đối với các đảo ở biển Đông mà Philippines cũng tránh điều này ngay từ đầu. Thay vào đó, tòa có thể sẽ đưa ra tuyên bố về vấn đề xác định trạng thái tự nhiên của các thực thể tranh chấp trên biển Đông, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Philippines, là đảo, đá, bãi nửa nổi nửa chìm hay bãi chìm.

Với mỗi thực thể như vậy sẽ được hưởng quy chế khác nhau. Ví dụ, đảo thì được hưởng quy chế 200 hải lý, đá được hưởng quy chế 12 hải lý; bãi chìm thì được xem là một phần của đáy đại dương không được hưởng quy chế gì.

Giờ G của biển Đông - Ảnh 1.

Đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trên biển Đông. Ảnh: Reuters

Một yêu cầu mà chính quyền Mã Anh Cửu (phối hợp “ngầm” với Bắc Kinh đưa ra để làm chậm tiến trình xét xử) – đó là đề nghị tòa xác định quy chế đảo của Ba Bình (hay còn gọi là Thái Bình) do Đài Loan kiểm soát – chắc chắn sẽ không nằm trong các phán quyết vì nó không được phía Philippines nêu lên. Không ai tự nhiên lại “ôm rơm nặng bụng”.

Tuy nhiên, chưa chắc chắn là tòa có đưa ra tuyên bố cụ thể hay không vì chưa rõ PCA có bằng chứng chính xác để xác định các trạng thái tự nhiên của các thực thể mà Philippines nêu lên tại quần đảo Trường Sa trước khi Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo. Các đảo nhân tạo không nằm trong phán quyết của PCA lần này.

PCA được biết cũng quan tâm đến các hoạt động cũng như bản chất của tuyên bố đường chín đoạn được Bắc Kinh xác định một cách mơ hồ trên Biển Đông. Nhưng vì sự mơ hồ này, tòa có thể cũng chỉ đưa ra một kiểu phán quyết không mấy quyết đoán.

Nhưng, dù phán quyết là như thế nào thì hệ quả của chúng vẫn có ý nghĩa sâu xa và lâu dài đối với vấn đề biển Đông và cuộc đấu tranh ngoại giao và pháp lý về vùng biển này.

Việc PCA chấp nhận xem xét 7 nội dung mà Philippines đưa ra, đồng thời không bác 8 nội dung khác mà chỉ gác lại cho tương lai, đã là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược đối với Philippines.

Chính quyền mới của Philippines sẽ không dùng những phán quyết được dự đoán có lợi cho nước mình để làm mất thể diện của Trung Quốc. Nhưng dù tân Tổng thống Rodrigo Duterte tỏ ra mềm dẻo và hòa giải trong quan hệ tương lai với Trung Quốc thì bằng cách này hay cách khác, ông cũng sẽ dùng phán quyết ấy như một đòn bẩy chiến thuật để đạt lợi ích trong các cuộc thương lượng với Trung Quốc.

Chính quyền Duterte sẽ phải thương thuyết để giành lại quyền khai thác bãi đá Scarborough, vốn là ngư trường truyền thống của Philippines, mà Trung Quốc xem là cứ điểm chiến lược tiền tiêu ở phía Đông của biển Đông. Nhưng điều ông Duterte cần hơn cả là tín dụng của Trung Quốc. Manila cần hàng tỉ USD đầu tư của Trung Quốc để xây dựng các tuyến đường sắt và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng khá lạc hậu của nước này.

Nhưng chính điều phía Manila cần lại trở thành đòn bẩy để Trung Quốc tác động vào lập trường của Philippines trong vấn đề biển Đông. Đồng thời, trước lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trong vấn đề biển Đông, Manila chỉ có một cánh cửa hẹp về ngoại giao. Điều Bắc Kinh không thể chấp nhận được là Philippines đã thành công trong việc đưa một nước lớn như Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế.

Giờ G của biển Đông - Ảnh 2.

Biểu tình yêu cầu Trung Quốc rút khỏi vùng biển Philippines hôm 11-7. Ảnh: CNN

Lập trường công khai của Bắc Kinh về các phán quyết của PCA cho thấy họ sẽ “một bước không đi, một ly không rời” – nghĩa là không có bất kỳ nhượng bộ nào trong những vấn đề mà họ cho là thuộc “lợi ích cốt lõi”. Nhưng Bắc Kinh rõ ràng quan tâm và lo ngại về các phán quyết của tòa, điều sẽ đẩy họ vào thế bị động đối phó trước dư luận quốc tế.

Bắc Kinh tuyên bố có hơn 60 quốc gia ủng hộ lập trường của họ về giải quyết vấn đề biển Đông. Nhưng đa số thầm lặng của thế giới và các nước lớn như Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, các trung tâm quyền lực của thế giới như EU, G-7 đã tạo ra chất lượng không thể so sánh được trong việc thượng tôn pháp luật và bảo vệ tự do lưu thông hàng hải.

Với tư cách là quốc gia thành viên UNCLOS và là nước trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở biển Đông, Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp này bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Việt Nam tiếp tục theo đuổi lập trường có tính xây dựng trong vấn đề biển Đông và trong vụ kiện tại PCA. Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực hay lập trường có lợi cho việc giải quyết hòa bình vấn đề biển Đông, phù hợp với lợi ích của Việt Nam, của tự do hàng hải và thượng tôn pháp luật.

Tình hình biển Đông vốn đã căng thẳng, có thể căng thẳng hơn nữa chăng và theo hướng nào? Bất cứ bên nào gây ra xung đột vũ trang sẽ bị cô lập. Mặt khác, hy vọng rằng các quan hệ quốc tế với các cơ chế hiện hành có thể góp phần kiểm soát tình hình, bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh tại vùng biển quan trọng này của thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại