Trong danh sách 12 dự án, doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ của ngành công thương, có tới 4 dự án, doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) gồm: Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai; Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP Đình Vũ.
Thời điểm Vinachem tiến hành mở rộng, 4 dự án này được kỳ vọng mở ra cửa sáng cho ngành phân bón trong nước. Thế nhưng ngay sau khi hoàn tất mở rộng năm đầu tiên (2015), Đạm Hà Bắc đã công bố lỗ 669 tỷ đồng. Chung số phận, Đạm Ninh Bình cũng ghi nhận lỗ 75 tỷ đồng ngay trong năm đầu tiên sản xuất (2012). Sau 2 nhà máy đạm, DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai cũng là những cái tên mới được bổ sung vào danh sách 12 dự án thuộc diện kiểm soát đặc biệt của Chính phủ.
Trong một báo cáo gửi Bộ Công Thương, lãnh đạo Vinachem từng thừa nhận tập đoàn rất khó khăn khi phải gánh khoản lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đến từ 4 dự án nêu trên, “ăn mòn” lợi nhuận cả tập đoàn.
Song trải qua nhiều nỗ lực tái cơ cấu và đề xuất ưu đãi từ Chính phủ, có thể thấy đến thời điểm hiện tại, 4 dự án nằm trong “danh sách đen” của Vinachem đã có nhiều tín hiệu khởi sắc khi bắt đầu thu về khoản lãi nghìn tỷ.
Khép lại quý đầu năm 2022, Đạm Hà Bắc lội ngược dòng ngoạn mục với lợi nhuận lịch sử lên đến 869 tỷ - chiếm gần 1 nửa lợi nhuận toàn quý của Vinachem. Đáng chú ý là ở thời điểm cuối 2021, dự án này mới chỉ lãi 1 tỷ.
Như vậy chỉ trong 3 tháng, Đạm Hà Bắc lãi đột biến đến 868 tỷ, nếu duy trì được phong độ, cả năm nay Đạm Hà Bắc có thể thu về lãi lớn bù đắp cho khoản lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ sau gần chục năm dài thoi thóp hoạt động.
Trong 3 tháng DAP Đình Vũ cũng lãi 146 tỷ, gần bằng mức lãi 192 tỷ của cả năm 2021. Đạm Ninh Bình và DAP chưa công bố cụ thể lợi nhuận quý 1/2022.
Màn tái sinh của những dự án từng được xem là “sa lầy” này theo đó cứu lợi nhuận của cả tập đoàn đi lên sau nhiều năm chật vật gồng gánh.
Theo đà thăng hoa chung của ngành phân bón, doanh thu 6 tháng đầu năm của Vinachem ước đạt 32.830 tỷ đồng, bằng 63% kế hoạch năm, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, lợi nhuận cộng hợp toàn Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm ước lãi kỹ lục 4.098 tỷ đồng, vượt xa mức 3.517 tỷ đồng của cả năm 2021.
Trong đó, lợi nhuận của các đơn vị thuộc Đề án 1468 ước lãi 2.114 tỷ đồng, tăng 3.128 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm một nửa lợi nhuận của toàn tập đoàn.
Với kết quả này, năm 2022, Vinachem đặt mục tiêu tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn còn tồn đọng cho các dự án chưa hiệu quả.
Trước đó, trong bối cảnh thế giới và khu vực được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, dịch COVID-19 cùng với chiến tranh thương mại, xung đột Nga - Ukraine, biến động giá dầu mỏ, rủi ro trên thị trường tài chính, nguy cơ lạm phát gia tăng,...Vinachem đặt mục tiêu tổng doanh thu ''đi lùi'' năm 2022 với 52.230 tỷ đồng, bằng 98,2% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 1.810 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ.
Về chỉ tiêu công ty mẹ, kế hoạch doanh thu năm nay là 1.934 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 367 tỷ đồng.