Ankara và Moscow đã tiếp tục trở thành đồng minh một lần nữa sau khi nhiều người tin rằng mối quan hệ của cả hai sẽ chấm dứt vì chiến sự Idlib. Điều này xuất phát từ tính chất đặc biệt trong mối quan hệ giữa hai quốc gia vốn không phải đối thủ, cũng không phải bạn bè như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên gia Maxim Suchkov từ Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga nhận định.
Phép thử Idlib
Vào ngày 15/3, Nga-Thổ đã hoàn thành cuộc tuần tra quân sự chung đầu tiên dọc theo đường cao tốc M4 của Syria. Trước đó, hai nước cũng đã nhất trí lệnh ngừng bắn và thiết lập hành lang an ninh hai bên đường cao tốc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thể hiện sự hài lòng khi căng thẳng giảm đáng kể ở Idlib. Tuy nhiên, hiện trạng này chỉ là tạm thời.
Lợi ích của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria về cơ bản vẫn mâu thuẫn, và sớm muộn Moscow sẽ phải làm điều gì đó với quốc gia mà họ đã đầu tư rất nhiều để hợp tác trong những năm gần đây.
Mâu thuẫn cốt lõi của cuộc khủng hoảng vẫn chưa được giải quyết. Nga tiếp tục đổ lỗi cho Thổ Nhĩ Kỳ khi không đảm bảo trách nhiệm của mình trong việc đánh đuổi nhóm khủng bố Hay'at Tahrir al-Sham (HTS) ra khỏi khu vực giảm leo thang ở Idlib.
Phía Nga không hài lòng khi người Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tay cho các nhóm phiến quân vũ trang kiểm soát Idlib. Tuy nhiên, Moscow vẫn không thể trừng phạt Ankara vì lý do này.
Hiện tại, Nga vẫn có lợi ích trong việc phát triển mối quan hệ nhiều mặt với Ankara. Đồng thời, giới lãnh đạo Nga hiểu được những khó khăn mà Tổng thống Erdogan gặp phải sau vụ việc binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng gần đây và nhận thức được nguy cơ cuộc khủng hoảng người tị nạn nổ ra sẽ tồi tệ như thế nào.
Do đó, Điện Kremlin đã chuẩn bị để cho Thổ Nhĩ Kỳ có cơ hội ít nhất là tạm thời xoa dịu tình hình.
Ở một khía cạnh nào đó, quan điểm của Moscow về vấn đề Idlib đã phản ánh các nguyên tắc mà Nga xây dựng mối quan hệ với một đối tác khó tính như Thổ Nhĩ Kỳ.
Nguyên tắc đầu tiên là xử lý các vấn đề quan trọng đối với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ một cách thông cảm và thấu hiểu. Thứ hai là thiết lập rõ ràng các lằn ranh đỏ và thảo luận ngay từ đầu một hành lang cơ hội hợp tác về các vấn đề. Thứ ba là tận dụng những sai lầm của các đối tác khác của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là Mỹ.
Sự mong manh của lệnh ngừng bắn Idlib đặt ra câu hỏi liệu những nguyên tắc này có đủ để đảm bảo rằng khoản đầu tư đáng kể mà Nga đã thực hiện trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng có trả lợi tức hay không.
Bản chất liên minh Nga-Thổ
Quan hệ Nga-Thổ không phải đồng minh, cũng chẳng phải đối thủ.
Không dễ để nhận xét về mối quan hệ của hai nước. Nếu coi nhau là một liên minh chiến thuật ở Syria, Moscow đã phần lớn đạt được các mục tiêu của mình trong liên minh đó.
Khu vực an ninh mà Thổ Nhĩ Kỳ giúp Nga tạo ra đã cho phép Tổng thống Syria Bashar al-Assad chiếm được nhiều lãnh thổ mà trước đây do phe đối lập Syria kiểm soát, trong khi gây ra sự phân tán sức mạnh của đối thủ.
Nếu mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được so sánh giống như một "cuộc hôn nhân" thuận lợi, thì lúc này hai bên giống như thể đang duy trì quan hệ chỉ vì "đứa con".
Tức là, khoản đầu tư chính trị mà hai nhà lãnh đạo Putin và Erdogan thực hiện là vì phát triển quan hệ song phương nói chung dù cả hai không mặn mà gì với nhau.
Những nỗ lực này đã dẫn đến sự tăng trưởng về thương mại và du lịch, các dự án năng lượng lớn như nhà máy điện hạt nhân Akkuyu và đường ống dẫn khí TurkStream từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ, thương vụ S-400 và hợp tác tiềm năng trong các lĩnh vực công nghệ quân sự khác.
Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ từng được Richard N. Haass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ mô tả: "Thổ Nhĩ Kỳ không phải là đối tác (mặc dù danh nghĩa cả hai vẫn là đồng minh chính thức). Trong khi với Nga, đó là một hình thức khác: Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác nhưng lại không phải là đồng minh. Điều quan trọng chỉ là duy trì sự cân bằng giữa lợi ích của hai bên".
Mối quan hệ cá nhân giữa hai tổng thống đóng một vai trò quan trọng. Chỉ trong năm ngoái, Tổng thống Putin đã gặp người đồng cấp Erdogan nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nước ngoài nào khác.
Mặc dù thất vọng về nhau, cả hai đều biết cách giả vờ thể hiện rằng họ hòa hợp với nhau để cải thiện mối quan hệ giữa hai nước.
Điều này giữ cho mối quan hệ hai nước rất linh hoạt. Trọng tâm của sự linh hoạt này bắt nguồn từ chủ nghĩa thực dụng ở cả hai phía, và niềm tin rằng hợp tác miễn cưỡng có lợi cho Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hơn là xung đột.
Vào thời điểm hệ thống trật tự quốc tế đang tuột dần khỏi phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ coi Nga là nguồn lực mà họ có thể sử dụng để củng cố chủ quyền chiến lược của riêng mình, trong khi Nga coi Thổ Nhĩ Kỳ là công cụ để tăng cường sức mạnh cho của chính mình trong vai trò một cường quốc.
Tính linh hoạt này cho đến nay đã bảo vệ Moscow và Ankara khỏi các cuộc đụng độ nguy hiểm. Sự linh hoạt mong manh này có thể trở thành chuẩn mực trong tương tác Nga-Thổ Nhĩ Kỳ trong một thời gian dài và mỗi cuộc khủng hoảng tiếp theo sẽ là một phép thử giúp cho mối quan hệ của họ mạnh mẽ hơn.