Giết tướng Iran: Chưa bao giờ nước Mỹ lâm vào tình trạng khó khăn, nguy hiểm như hiện nay tại Iraq và khu vực

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Tổng thống Trump quyết định tấn công căn cứ Hashd Sha’abi và giết tướng Qassem Soleimani là vi phạm luật pháp Mỹ và vi phạm độc lập chủ quyền Iraq.

Ám sát tướng Iran Qassem Soleimani là một sai lầm chiến lược của Tổng thống Donald Trump, không làm cho nước Mỹ trở nên an toàn hơn, chính giới và dư luận Iraq đòi Mỹ rút quân

Việc tấn công vào căn cứ của lực lượng Hashd Sha’abi và ám sát tướng Qassem Soleimani của Iran là quyết định cá nhân của Tổng thống Donald Trump. Những việc làm như thế này lẽ ra cần phải được Quốc hội cho phép.

Ông Trump đã không tham khảo ý kiến của chính quyền cũng như Quốc hội. Thậm chí Lầu Năm góc và Cơ quan tình báo CIA cũng bất ngờ về quyết định này của Tổng thống. Chính giới cũng như quần chúng nhân dân Mỹ đang yêu cầu Tổng thống Trump giải thích về động cơ quyết định của ông.

Theo Hiệp định về Quy chế các lực lượng Mỹ tại Iraq - Status of Forrce Agreemen (SOFA) ký giữa Mỹ và Iraq năm 2008, nhiệm vụ của lực lượng Mỹ ở Iraq là tư vấn cho chính phủ Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố và huấn luyện quân đội Iraq. Việc tấn công vào căn cứ của Hash Sha’abi và giết tướng Qassem Soleimani đã chứng tỏ các lực lượng của Mỹ không còn là lực lượng tư vấn và huấn luyện nữa, mà trở thành một lực lượng chiến đấu.

Nghiêm trọng hơn, Hashd Sha’abi được coi là quân đội chính thức lớn thứ hai của Iraq, tướng Qassem Soleimani là thượng khách và là cố vấn cao cấp của chính phủ Iraq về chống khủng bố, việc tấn công Hashd Sha’abi và giết tướng Qassem Soleimani trên lãnh thổ Iraq, không thông báo cho chính phủ Iraq là sự coi thường và vi phạm thô bạo độc lập, chủ quyền Iraq và luật pháp quốc tế.

Trước đây, Tổng thống Trump đã một số lần đến thăm các binh sỹ Mỹ tại Iraq cũng không hề thống báo cho chính phủ Iraq. Rõ ràng, ông Trump hoàn toàn coi thường ban lãnh đạo Iraq.

Giết tướng Iran: Chưa bao giờ nước Mỹ lâm vào tình trạng khó khăn, nguy hiểm như hiện nay tại Iraq và khu vực - Ảnh 1.

Người biểu tình Iran cầm áp phích của Thiếu tướng Qassem Soleimani (giữa) và nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei trong một cuộc biểu tình thứ Sáu tại thủ đô Tehran. Ảnh: Getty

Tấn công Hashd Sha’bi, ám sát tướng Soleimani đang dẫn đến tác động trái ngược

Khi bước vào Nhà Trắng, tuy còn có nhiều vấn đề nhưng Tổng thống Trump đã được thừa hưởng một bầu không khí hòa bình tương đối tại Trung Đông sau khi Tổng thống Barack Obama ký thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015. Có thể nói, việc ám sát tướng Qassem Soleimani của Iran ngày 3/1/2020 là một sai lầm nghiêm trọng nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cộng đồng quốc tế đều cho rằng Thỏa thuận hạt nhân JCPOA ký giữa các nước P5+1, trong đó có Mỹ đã góp phần quan trọng vào hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Trung Đông và thế giới. Hầu hết các nước trên thế giới, kể cả các đồng minh của Mỹ đều cho rằng hành động của Tổng thống Trump là hết sức nguy hiểm.

Tình hình đang yên ổn, việc ám sát tướng Qaseem Soleimani, nhân vật quyền lực thứ hai ở Iran đang dẫn đến sự leo thang căng thẳng mạnh mẽ ở Trung Đông và ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hệ thống an ninh quốc tế, không loại trừ khả năng bùng nổ một cuộc chiến tranh lớn giữa Mỹ và Iran. Các lợi ích của Mỹ tại khu vực và thế giới cũng như an ninh của nước Mỹ bị đe dọa nghiêm trọng. Các công dân Mỹ trên khắp thế giới không còn được an toàn.

Một làn sóng chống Mỹ lớn chưa từng có bùng nổ tại Iraq kể từ khi Mỹ tấn công Iraq năm 2003 đến nay. Về chính giới, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi, Chủ tịch Quốc hội Iraq Mohammed Al-Halbousi, Hội đồng An ninh quốc gia Iraq đã công khai lên án Mỹ giết hại tướng Qassem Soleimani, coi đây là hành động vi phạm thô bạo độc lập, chủ quyền của Iraq.

Viên đạn trả thù đầu tiên là ngày 5/1/2020, Quốc hội Iraq đã họp khẩn cấp và thông qua quyết định ủy quyền cho chính phủ Iraq thực hiện các biện pháp chấm dứt sự hiện diện của quân Mỹ tại Iraq, hủy bỏ Hiệp định hợp tác an ninh với Mỹ, không cho phép sử dụng lãnh thổ Iraq để tấn công nước thứ ba và liệt kê 35 mục tiêu của Mỹ ở Trung Đông để trả thù.

Giết tướng Iran: Chưa bao giờ nước Mỹ lâm vào tình trạng khó khăn, nguy hiểm như hiện nay tại Iraq và khu vực - Ảnh 2.

Về ngoại giao, Iraq chính thức đệ đơn kiện Mỹ lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Iran tuyên bố sẽ "trả thù khốc liệt", đánh vào các lợi ích của Mỹ tại khu vực cũng như trên thế giới. Tiếp theo, ngày 5/1/2020, Iran đã quyết định hủy bỏ Thỏa thuận hạt nhân JCPOA.

Trên đường phố, hàng chục ngàn người Iraq vẫn tiếp tục biểu tình phản đối hành động của Mỹ. Đại sứ quán Mỹ và các căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq ngay lập tức bị tấn công. Mỹ phải điều thêm hơn bốn ngàn quân đến bảo vệ Đại sứ quán và các cơ quan của Mỹ tại Iraq. Các công dân Mỹ được lệnh rời Iraq và vẫn luôn luôn thấp thỏm trước nguy cơ bị tấn công.

Tướng Qassem Soleimani là cố vấn của chính phủ Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố và đóng vai trò quan trọng trong việc đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS). Ông cũng là người giúp đỡ đắc lực cho chính quyền Syria của Tổng thống Bashar Al-Assad và có công lớn trong việc xây dựng lực lượng của người Shia ở Iraq, Syria, Lebanon và Yemen. Các lực lượng này đang lên kế hoạch trả thù cho cái chết của tướng Qassem Soleimani. Chưa bao giờ nước Mỹ lại lâm vào tình trạng khó khăn và nguy hiểm như vậy tại Iraq cũng như khu vực.

Các kịch bản trả thù của Iran về cái chết của tướng Qassem Soleimani

Các nhà lãnh đạo cao nhất của Iran tuyên bố sẽ "trả thù khốc liệt" Mỹ và "nợ máu phải trả bằng máu". Các nhà phân tích chính trị cho rằng việc tướng Qassem Soleimani bị giết có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh lớn ở khu vực.

Bị dồn vào chân tường, không còn gì để mất, Iran chắc chắn sẽ có các biện pháp trả thù mạnh mẽ Mỹ. Các kịch bản Iran đáp trả có thể được tính đến như sau:

Thứ nhất: Các mật vụ của Iran sẽ tiến hành ám sát các quan chức cấp cao của Mỹ ở Trung Đông, các nước khác và thậm chí bên trong nước Mỹ.

Thứ hai: Iran tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các căn cứ quân sự và các cơ quan của Mỹ tại Iraq. Hiện tại Mỹ có 15 căn cứ quân sự và 5.300 quân đóng tại Iraq cùng với hơn một nghìn nhà thầu dân sự đang làm việc tại đây.

Thứ ba: Tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở vùng Vịnh, như căn cứ không quân Aidid ở Qatar, căn cứ Hải quân của Mỹ ở Manama (Bahrain), căn cứ Salem ở Kuwait và Dhafra ở Abu Dhabi.

Thứ tư: Pháo kích các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Israel, đặc biệt khi có nhiều thông tin cho rằng Israel bằng cách này, cách khác đã tham gia vào vụ ám sát tướng Qassem Soleimani. Một số báo và kênh truyền hình Israel đã tiết lộ rằng ông Trump đã điện đàm với Thủ tướng Israel B. Netanyahu. Iran tuyên bố sẽ xóa sổ Israel nếu bị Mỹ tấn công.

Tuy nhiên, một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Iran và Mỹ sẽ đem lại hậu quả khôn lường không chỉ cho khu vực Trung Đông, mà cho chính nước Mỹ và Iran. Các nhà lãnh đạo Iran và Mỹ cần xem xét kỹ trước khi đi đến bất cứ quyết định nào. Nhiều khả năng Iran sẽ trả thù Mỹ thông qua các lực lượng thân Iran ở khu vực như Hashd Sha’abi ở Iraq, Hezbollah ở Lebanon, Syria, Iraq, Houthi ở Yemen, Hamas và Jihad Islami ở Palestine.

Có thể nói, cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Iran tại Iraq đã được giải quyết theo hướng có lợi cho Iran. Vụ ám sát tướng Qassem Soleimani không làm cho khu vực Trung Đông và nước Mỹ trở nên an toàn hơn. Tư lệnh mới của quân đoàn Quds, tướng Esmail Ghaani mới được bổ nhiệm lên thay còn có quan điểm cứng rằn hơn rất nhiều so với tướng Qassem Soleimani. Hành động của Tổng thống Trump đang đẩy khu vực vào tình trạng hỗn loạn mà hậu quả của nó không thể lường trước được.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại