Ngày 16-4 tới, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ xử phúc thẩm vụ vợ giết chồng rồi phóng hỏa đốt xác phi tang, từng gây chấn động dư luận ở tỉnh Bình Dương đầu năm 2017, do có kháng cáo đề nghị tăng án của ba người con nạn nhân.
Bị cáo trong vụ án là Nguyễn Thị Nầy (SN 1963) còn nạn nhân là ông Hoàng Văn Cảnh (SN 1955) là chồng hợp pháp của bị cáo.
Theo hồ sơ, năm 1999, bà Nầy và ông Cảnh đăng ký kết hôn và chung sống với nhau tại xã Long An, huyện Phú Giáo (Bình Dương). Sau đó hai người xảy ra mâu thuẫn vì bị cáo cho rằng ông Cảnh có quan hệ tình cảm với người phụ nữ khác và có ý định muốn bán đất cao su để cho người này.
Ngày 3-3-2017, thấy ông Cảnh nằm ngủ trong phòng riêng tại nhà, bị cáo Nầy nảy sinh ý định giết ông Cảnh nên đã chuẩn bị một can nhựa có chứa hai lít xăng mang đến trước phòng ngủ rồi rót ra xô nhựa. Tiếp đó bị cáo xuống bếp lấy một cây rựa dài 73 cm vào phòng dùng hai tay chém trúng đầu và mặt phải của ông Cảnh.
Bị cáo Nguyễn Thị Nầy khi chưa phạm tội.
Sau khi chém, bị cáo lấy xô xăng đã chuẩn bị sẵn từ trước tạt vào phòng rồi đi ra ngoài chốt cửa bằng móc khoá và dùng bật lửa phóng hoả khiến ông Cảnh bị chết cháy trong phòng ngủ. Sau đó Nầy giấu cây rựa trong đống giàn giáo bên hông căn nhà và mang xô nhựa mang ra hồ nước để rửa sạch sẽ.
Khi lửa bùng cháy lớn hàng xóm phát hiện truy hô dập lửa thì bị cáo Nầy cũng giả bộ tham gia vào và cùng mọi người dập lửa để che giấu hành vi phạm tội của mình.
Kết luận giám định xác định ông Cảnh bị chết là do bị chém và bỏng do cháy. Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT công an tỉnh Bình Dương xác định Nầy chính là thủ phạm gây ra vụ án, dù sau đó bị cáo có ra đầu thú.
Tháng 6-2018 Viện KSND tỉnh Bình Dương ra cáo trạng truy tố bị cáo Nầy về tội giết người với tình tiết có tính chất côn đồ theo điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS 2015 (hình phạt từ 12 năm, 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình). Nhưng ba tháng sau TAND tỉnh xử sơ thẩm và chỉ tuyên phạt Nầy 17 năm tù.
Tại tòa, luật sư bảo vệ và bị cáo không có ý kiến về tội danh mà chỉ đưa ra những tình tiết giảm nhẹ hình phạt. HĐXX nhận định hành vi của bị cáo giết ông Cảnh là nguy hiểm và mang tính chất côn đồ, xem thường pháp luật, gây phẫn nộ, mất mát đau thương cho gia đình nạn nhân. Nhưng xem xét các tình tiết giảm nhẹ HĐXX quyết định phạt 17 năm tù.
Sau đó đại diện hợp pháp của ông Cảnh là ba người con riêng của ông kháng cáo cho rằng mức án trên quá nhẹ, tòa xét xử chưa khách quan và đúng luật.
Trong đơn kháng cáo đại diện nạn nhân cho rằng tòa áp dụng tình tiết giảm nhẹ bị cáo đầu thú là không đúng. Bởi sau khi gây án xong bị cáo Nầy tạo hiện trường giả, giả bộ hô hoán dập lửa, khi bị mời lên điều tra thì bị cáo mới khai nhận hành vi phạm tội.
Điều này thể hiện bị cáo không tự giác thừa nhận hành vi của mình, chỉ khi không còn đường né tránh thì mới ra công an trình diện.
Cũng theo phía nạn nhân tòa sơ thẩm xác định bị cáo phạm tội có tính chất côn đồ là thiếu sót mà phải thêm các tình tiết tăng nặng khác là giết người vì động cơ đê hèn và thực hiện tội phạm một cách man rợ.
Hành vi côn đồ được hiểu là coi thường pháp luật, hay phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực để uy hiếp người khác, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người.
Trong khi bị cáo Nầy do mâu thuẫn tình cảm và tiền bạc đã lên kế hoạch giết người từ trước và cố ý thực hiện hành vi phạm tội tới cùng. Sau khi chém nạn nhân chưa chết, bị cáo đã dùng xăng phóng hỏa đốt cho đến chết rồi tìm mọi cách xóa dấu vết để hòng thoát tội. Do vậy đề nghị tòa phúc thẩm phải sửa án để có hình phạt nghiêm khắc hơn cho bị cáo.