Ngày 12/7, thông tin nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo – Khoa Hô hấp, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng đã cấp cứu kịp thời một bé sơ sinh bị sặc sữa, ngừng thở được chia sẻ đã khiến nhiều người cảm kích. Toàn bộ quá trình nữ điều dưỡng cấp cứu cho cháu bé đã được camera trên xe taxi ghi lại và chia sẻ lên mạng xã hội.
Khoảnh khắc nghẹt thở nữ điều dưỡng ở Hải Phòng cấp cứu em bé trên xe taxi
Theo dõi đoạn clip, điều dưỡng Thảo vừa thực hiện các thao tác cấp cứu vừa liên tục nói: “Cố lên, cố lên, cố lên con…".
Thấy mẹ cháu bé liên tục khóc ngất và mất bình tĩnh, nữ điều dưỡng vừa thực hiện các thao tác cấp cứu vừa trấn an người phụ nữ ngừng khóc: "Chị đang cố gắng hết sức đây, chị là y tá nhi. Chị đừng có khóc nữa để cho chị bình tĩnh. Đánh mạnh vào chân con đi cho con có phản xạ khóc đi xem nào”.
Trong suốt thời gian chiếc xe taxi chạy về Bệnh viện đa khoa Thủy Nguyên, điều dưỡng Thảo tập trung cao độ xử lý cấp cứu cho bé như ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt, hút mũi miệng trực tiếp... May mắn, sau quá trình nỗ lực cấp cứu, trẻ đã có thể hô hấp trở lại.
Sau khi được sơ cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thủy Nguyên, bé được chuyển tới Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng tiếp tục điều trị. Hiện, em bé đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe ổn định.
Chia sẻ với báo Sức khoẻ & Đời sống, anh Hoàng Minh T. - bố của bệnh nhi cho biết, tối hôm đó (4/7), tôi có pha sữa cho con uống. Có lẽ vì cho con uống quá nhiều nên cháu bị sặc sữa; gia đình lại không biết cách sơ cứu nên khi thấy con có biểu hiện ngưng thở, tím tái, cả nhà vô cùng hoảng loạn, chỉ biết bế con chạy xuống nhà gọi xe để đưa đi cấp cứu. May mắn sao, thời điểm đó lại gặp được chị Thảo đi ngang qua và đã cấp cứu kịp thời cho cháu.
Điều dưỡng Thảo chăm sóc bé sơ sinh 7 ngày tuổi sặc sữa, ngưng thở mà mình đã cứu ngoại viện.
Tâm sự về hành động cứu cháu bé thoát khỏi cửa tử trong gang tấc, điều dưỡng Thảo cho biết: "Mọi sự diễn ra quá bất ngờ ngay cả với tôi và người nhà cháu bé. Hôm đó, gia đình tôi đi xe máy qua nhà cháu bé, bắt gặp một người đàn ông tay ôm cháu bé chạy ra ngoài đón xe, theo sau có một phụ nữ khóc lóc thảm thiết..., thoạt đầu tôi nghĩ là gia đình cãi nhau, nhưng linh tính mách bảo, có thể cháu bé đang gặp nạn nên bảo chồng dừng xe để vào tìm hiểu.
Lúc này, tôi thấy cháu bé khoảng 7 ngày tím tái người, ngưng thở nên đã làm một số thao tác cấp cứu khẩn, khơi thông đường thở cho bé. Thực sự lúc đó ai cũng hoảng loạn. Chỉ có mình là bình tĩnh để vận dụng kỹ năng, kiến thức chuyên môn để xử trí cấp cứu cho bé. Đến bây giờ, khi các chỉ số trong máu của cháu bé đã dần trở về bình thường và an toàn, qua nguy hiểm, tôi mới thực sự an tâm. Tôi nghĩ, bất cứ điều dưỡng nào khi rơi vào hoàn cảnh này cũng sẽ xử trí như mình, không riêng gì cá nhân tôi".