Trải qua những câu chuyện về ngoại tình, về người thứ ba trong 2 phần Talksoul trước khiến chúng ta đôi khi phải tự hỏi rằng, "liệu có còn một tình yêu hạnh phúc thực sự hay không?. - Đâu đó vẫn có mà, nhưng chúng ta phải biết cách để nuôi dưỡng nó!
Và nuôi dưỡng thế nào - "tất tần tật" - được giải đáp trong Talksoul tập 3. Vẫn là những chia sẻ chạm đến góc khuất của tình yêu và hôn nhân qua góc nhìn của Thầy Minh Niệm dưới sự dẫn dắt của Host Bình Bồng Bột.
Host Bình Bồng Bột có kể về những câu chuyện từ người lạ gặp gỡ rồi yêu nhau, đâu đó vẫn là chuyện hàng ngày như cơm bữa. Nhưng tiếp đến đó là những "bữa cơm chan nước mắt" khi họ tiến tới hôn nhân và đánh mất cảm xúc của mình sau 1 vài năm chung sống. Tại sao lại như vậy, rõ ràng là họ đã từng yêu rất nhiều cơ mà?
Thậm chí có những cuộc hôn nhân đã chấm dứt, nhưng sau 1 vòng kiếm tìm người khác lấp đầy chỗ trống đó không được, họ lại tìm về người cũ. Cả hai lại về với nhau nhưng rất khó thoát được vòng lặp yêu rồi chán, chỉ vì thiếu đi sự nuôi dưỡng từ hai phía.
Tuy vậy, host của Talksoul cũng không nỡ làm người xem mất niềm tin tuyệt đối vào hôn nhân. Host Bình Bồng Bột chia sẻ một thông tin tích cực, rằng ở Việt Nam thì tỉ lệ ly hôn ở Việt Nam hiện nay là 25% nhưng với thống kê này cho thấy ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều các đôi vợ chồng vẫn đang hạnh phúc, ổn hơn rất nhiều các quốc gia khác.
Host Bình Bồng Bột và thầy Minh Niệm
Thầy Minh Niệm chia sẻ chính câu chuyện của mình: "Hay là người Việt Nam mình vẫn còn cái tính chịu đựng lẫn nhau đó.
Giống như là giữa cha với mẹ thầy đi, cha cũng từng phản bội mẹ. Rồi mẹ cũng không hề đi ghen tuông gì hết, chỉ lo chăm nuôi 5 đứa con. Mãi sau thì cha cũng trở về với mẹ và hai người xây dựng tình cảm, sống hạnh phúc cho tới cuối đời.
Thầy thấy "trời ơi" mẹ giỏi dễ sợ. Khi mà cha về, mẹ không có đay nghiến, không hờn trách, không có gì hết. Đó là đức hi sinh, đức chịu đựng của người phụ nữ Việt Nam. Và cái đức chịu đựng đó một lúc nào đó nó phát huy hết cái năng lực thì có thể cảm hóa được đối phương.
Thành ra trước khi yêu cầu đối phương thay đổi, thì mình phải biết cách chịu đựng trước. Coi xem người kia đã từng mang đến bao nhiêu điều tốt đẹp cho cuộc đời mình, cả những ân tình. Mình phải nhường bước!
Hãy cho phép người kia có những bước trượt, sai lầm để mình chịu mình đựng rồi quay về giúp đỡ người đó vượt qua. Em ngã anh nâng, nhưng mà bây giờ anh ngã thì em vững đó thì em vẫn có thể nâng được mà. Đâu phải lúc nào mình cũng đòi hỏi ở nơi người đàn ông hay là cái người nào vững thì cứ làm điểm tựa cho người kia. Cái đó là ân tình để tạo ra các chất keo sơn bền vững trong một mối liên hệ tình cảm. Chính cái đó nó làm cho người ta không bao giờ muốn rời xa nhau".
Theo đó, cũng có nhiều người kết hôn và xem tờ giấy chứng nhận như là một lời cam kết. Chính vì thế đôi khi người trong cuộc họ quên đi việc đối phương vẫn có thể rời bỏ mình bất cứ lúc nào. Thầy Minh Niệm cũng đồng ý điều này, rằng: "Giấy chứng nhận hợp người này nhưng cũng không hợp người kia.
Có những người họ cần cái hình thức như vậy để ràng buộc, để giữ gìn. Thôi thúc họ tập trung vào cái hôn nhân đó làm tốt hơn để họ không có làm lung tung. Nhưng mà có những người làm như thế thì nó lại cho họ rơi vào cái hình thức đó rồi họ chỉ kẹt vào đó rồi họ không có phấn đấu được nữa.
Cho nên cái giấy chứng nhận chỉ là hình thức hôn nhân chứ cũng không phải là quan trọng lắm. Theo thầy cái việc sống chung với nhau đó, cái cách chúng ta thái độ chúng ta như thế nào để xây dựng cái liên hệ tình cảm đó mới là quan trọng!".