Không một ai trên thế giới này có thể sống suôn sẻ cả trăm năm cuộc đời, dù ít dù nhiều biến cố là điều chắc chắn sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, dẫu biết là thế nhưng có mấy người chấp nhận đương đầu với giông bão vì một ngày mai ngửa mặt đón bình minh? Hay thay vào đó là sợ hãi, lo lắng muộn phiền, sống trong ủ dột u uất mãi mãi không thể tiến lên?
Tin chắc rằng, câu chuyện dưới đây sẽ giúp được cho những ai đang lâm vào tình cảnh tương tự vế thứ hai với bài học: Đoạn đường làm người đôi khi thật lắm chông gai, đối mặt với chúng hãy dùng “tĩnh” và “nhẫn” để có thể tiếp thêm năng lượng cho chính mình tìm cách vượt qua.
Chuyện kể về một vị phú thương rất giàu sang phú quý sống trong thời loạn thế ở Trung Hoa. Vào một năm loạn lạc, ông quyết định bán hết tất cả tài sản để mang về quê nhà nương náu.
Tuy nhiên, vì lo sợ đường về quê xa xôi hiểm trở dễ bị cướp nên ông liền nảy ra ý tưởng nhét hết ngân lượng vào một chiếc ô cũ.
Mọi chuyện diễn ra khá suôn sẻ cho đến một ngày, trên đường về quê trời đột nhiên đổ trận mưa to. Vị phú thương thấy thế bèn tá túc qua đêm ở một ngôi miếu hoang.
Ông mệt lả ngủ say sưa, đến khi tỉnh dậy thì nhận ra chiếc ô chứa tất cả gia tài của mình đã biến mất.
Có hơi bất ngờ nhưng ông chợt nghĩ: “Chuyện không muốn cũng đã xảy ra rồi, bây giờ hốt hoảng hay ngồi đó khóc lóc cũng chẳng giải quyết được gì”.
Cứ thế, bằng một sức mạnh tinh thần suốt bao năm lăn lộn trên thương trường, ông nhanh chóng lấy lại bình tĩnh truy tìm tung tích chiếc ô.
Vị phú thương nhận định, hôm đó trời mưa và cái ô của ông cũng chỉ là cái ô cũ, hiển nhiên người nào tiện tay lấy nó đi cũng chỉ vì muốn che chắn để không bị ướt mà thôi.
Chưa kể, quyết định rời khỏi ngôi miếu khi trời vẫn còn mưa, người đó hẳn là có nhà khá gần đây với suy nghĩ “quãng đường ngắn, tay còn có ô, đi chút là về đến nhà”.
Với loạt giả thiết được đưa ra, vị phú thương quyết định không vội về quê, nán lại địa phương để dò la tin tức gia tài bị mất.
Ban đầu, ông mở một tiệm chuyên sửa chữa ô dù với hy vọng thông qua đó người lấy cái ô cũ của mình cũng sẽ đến sửa.
Tiếc thay, 1 năm trôi qua mà chiếc ô cũ chứa đầy ngân lượng vẫn bặt vô âm tính. Không nản lòng, vị phú thương tiếp tục nghĩ kế khác.
Và rồi một suy nghĩ chợt lóe lên trong đầu ông rằng: ô là đồ vật rẻ tiền, ô hỏng thì thường người ta sẽ vứt đi để mua mới chứ ít ai mang sửa.
Sau đó, vị phú thương vẫn hành nghề sửa ô dù bình thường nhưng đề thêm một tấm biển để đằng trước với nội dung: "Ô cũ đổi ô mới, không bù thêm tiền".
Tất nhiên, với lời mời gọi quái lạ này, rất đông dân địa phương đã mang ô cũ đến đổi cho vị phú thương.
Cuối cùng, ít hôm sau, chiếc ô chứa toàn bộ gia sản của vị phú thương cũng đã xuất hiện, thoạt nhìn nó ông nhận ra ngay.
Tuy nhiên, dù vui mừng nhưng không vẫn cố giữ nét mặt điềm tĩnh, ông lấy ô mới đổi cho người đang giữ cái ô cũ của ông. Sau đó, ông dọn hàng, hân hoan cầm chiếc ô gia tài tiếp tục hồi hương sống trọn một đời phú quý.
Vậy đó, từ câu chuyện về chiếc ô cũ của vị phú thương trên mới có thể thấy rằng, phàm làm người khi có biến cố xảy đến chúng ta phải hết sức giữ bình tĩnh.
Bởi “tĩnh” là điều kiện tiên quyết cho trí tuệ hanh thông, từ đó dễ dàng tìm được phương án giải quyết vấn đề.
Bên cạnh “tĩnh”, chúng ta còn phải “nhẫn”, kiên nhẫn là một trong những yếu tố tiền đề tạo nên bất kỳ con người thành công nào.