Cha mẹ nào cũng luôn hi vọng con cái lớn lên bình an khỏe mạnh, vui vẻ hoạt bát.
Chúng ta dành hết tâm tư để cho con những điều tưởng chừng tốt đẹp nhất, học tập những quan điểm nuôi dạy đã lưu truyền nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, kết quả lại thường đi ngược lại những gì mình mong đợi.
Trong thời đại trước, rất nhiều người trưởng thành của hôm nay đã lớn lên trong hoàn cảnh kinh tế chưa phát triển mạnh mẽ.
Điều kiện vật chất có hạn, ăn mặc thiếu thốn, trong nhà cũng có rất nhiều anh chị em nên gia cảnh càng thêm túng quẫn, chi phí gì cũng phải tiết kiệm từng chút một.
Đừng nói đến việc quan tâm chăm sóc tính cách hay giáo dục phẩm hạnh, chỉ riêng việc trang trải cuộc sống hàng ngày, mang về cho các con một bữa ăn đầy đủ đã quá bận rộn và khó khăn.
Thế nhưng đa phần chúng ta vẫn trưởng thành và nên người, kiến công lập nghiệp, dựng vợ gả chồng và cũng trở thành những người làm cha làm mẹ.
Tuy vậy, thời đại đã thay đổi đến chóng mặt. Cách nuôi dạy xưa cũ sẽ không còn phù hợp để áp dụng cho những đứa trẻ bây giờ.
Trong khi đó, đa phần ông bố bà mẹ hiện đại đều quá bận rộn với công việc của riêng mình mà để con cái lại cho ông bà hoặc người giúp việc chăm sóc.
Họ chủ yếu vẫn giữ những thói quen nuôi dạy con cái từ thuở xưa và có thể phạm phải 4 sai lầm tai hại, ảnh hưởng tới sự phát triển sau này của trẻ nhỏ.
1. Tâm lý sợ trẻ đói: Lúc nào cũng dỗ dành cho ăn.
Cho trẻ ăn sai cách sẽ dẫn tới tình trạng ngậm cơm, biếng ăn và chậm lớn sau này.
Người già vẫn giữ tâm lý và thói quen của thế hệ trước là sợ con cháu mình ăn không đủ no, sợ bị đói hoặc không đủ chất dinh dưỡng.
Chính vì vậy, họ thường mang đồ ăn đuổi theo cháu khắp nơi để cháu ăn càng nhiều càng tốt.
Nếu trẻ quấy hay không chịu ăn thêm, ông bà có thể còn bế ra ngoài, cho cháu vừa chơi vừa ăn luôn mồm.
Cách ăn uống này có thể giúp đứa trẻ ăn nhanh hơn và ăn được nhiều hơn nhưng dễ ảnh hưởng tới đường tiêu hóa.
Vì trong lúc mải chơi, mải xem tivi, con sẽ lười nhai, nhai không đủ, thậm chí là nuốt chửng cho nhanh. Lâu dần, dạ dày của trẻ sẽ không thể phát triển khỏe mạnh.
Ngoài ra, lượng đồ ăn quá nhiều có khả năng dẫn tới hiện tượng béo phì, tăng cân khó kiểm soát ở trẻ nhỏ. Sau này, con cái trưởng thành không có tính độc lập, dễ bị lệ thuộc và sinh ra tâm lý ỷ lại ở người lớn.
2. Tâm lý sợ trẻ nghịch phá: Lúc nào cũng cho trẻ ở nhà
Ông bà lớn tuổi thường hay mệt, đau tay đau chân, không thể đuổi theo trông nom các cháu chạy nhảy, nghịch ngợm cả ngày. Ngoài ra, họ cũng có tâm lý sợ cháu ngã đau hoặc gặp nguy hiểm.
Vì vậy, họ luôn muốn trẻ nhỏ ngoan ngoãn ở nhà, không dẫn ra đường, không cho trẻ cơ hội nghịch phá bằng cách chơi đồ chơi, mở tivi, dùng điện thoại di động hoặc máy tính...
Hành động này không chỉ khiến trẻ "nghiện" các thiết bị điện tử thông minh, mà còn cướp đi cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài của con cái.
Trẻ thiếu tập thể dục, chạy nhảy đi lại sẽ trở nên ốm yếu; không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ bị thiếu vitamin D, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao; thậm chí vì từ nhỏ đã không được tiếp xúc với nhiều người, trẻ dễ lầm lì, ít nói, sống nội tâm và không biết cách giao tiếp với mọi người.
3. Tâm lý sợ trẻ khóc: Cho ăn vặt quá nhiều
Nhiều bậc cha mẹ hoặc ông bà không đủ kiên nhẫn để dỗ con mỗi khi chúng khóc nên hay dùng đồ ăn vặt như snack, kẹo bánh... dụ dỗ trẻ quên cơn khóc của mình.
Ăn quá nhiều đồ ăn vặt đồng nghĩa với việc trẻ tiêu thụ một lượng lớn các chất phụ gia, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe lâu dài và sự phát triển về trí não.
Bên cạnh đó, do đã được ăn no đồ ăn vặt suốt cả ngày, tới bữa ăn chính, trẻ không có cảm giác đói bụng và thèm ăn, dẫn tới tình trạng biếng ăn, bỏ bữa và không đủ chất dinh dưỡng để phát triển chiều cao, cân nặng.
4. Tâm lý sợ trẻ lạnh: Cho trẻ mặc quá nhiều
Thân nhiệt của trẻ em không giống người lớn, chính vì vậy nhiệt độ phòng phù hợp cho người lớn chưa chắc đã khiến trẻ cảm thấy thoải mái. Người già cũng thường có thân nhiệt thấp hơn, nhạy cảm hơn với nhiệt độ xung quanh.
Có đôi khi, họ dùng quan điểm của mình đặt lên con cháu, lo sợ trẻ bị lạnh mà mặc quá nhiều quần áo lên người.
Tuy giữ ấm là việc vô cùng quan trọng nhưng quần áo quá dày cũng khiến trẻ dễ ra mồ hôi và dễ bị cảm hơn.
Trong điều kiện bình thường, khả năng tuần hoàn máu ngoại biên của trẻ em vốn yếu hơn người lớn, vì vậy tay chân trẻ dễ bị lạnh. Đây là một hiện tượng bình thường mà ông bà hay cha mẹ không cần lo lắng quá.