1. Triệu phú David Glasheen ra đảo hoang ở ẩn hơn 20 năm
Nếu nhìn vào những hình ảnh của ông David Glasheen hiện tại, ít ai có thể đoán được người đàn ông gần 80 tuổi này từng là triệu phú. Vào những năm 1980, David Glasheen từng là chủ tịch một tập đoàn khai khoáng, chủ yếu khai thác vàng có trụ sở ở Sydney. Vào thời điểm giàu có nhất, cựu doanh nhân này từng có trị giá tài sản khoảng 28,4 triệu đô la Mỹ (hơn 667 tỷ đồng) và sống trong căn hộ xa xỉ bậc nhất tại thành phố Sydney.
Thế nhưng cuộc sống giàu có không được bao lâu thì những biến cố bắt đầu bủa vây triệu phú này. Năm 1987, chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ giảm 508 điểm kỷ lục, ông bị mất 7,25 triệu USD. Theo ước tính của ABC, hiện nay, số tiền này có giá trị khoảng 37 triệu USD. Đến năm 1993, gần như tài sản của ông đã "bốc hơi" và phá sản.
Đang trong cảnh khốn cùng, vợ ông cùng con gái cũng bỏ đi, cả thế giới như quay lưng lại với David. Sau đó, ông có thử cố gắng bắt đầu lại công việc kinh doanh nhưng cũng không có kết quả. Và rồi, khi người bạn gái mới nói với David rằng bà muốn từ bỏ tất cả để sống với ông trên một hoang đảo, ông cũng quyết định từ bỏ tất cả để chuyến đến ở trên hòn đảo bỏ hoang phía bắc bang Queensland (Australia).
Cuộc sống thiếu thốn và khó khăn trên đảo khiến người bạn gái mới không thể tiếp tục cùng chung sống với David song ông vẫn ở lại hòn đảo cho đến nay. Hàng ngày, ông tự trồng rau, bắt cá, cua tôm để lấy thực phẩm. Mỗi năm một lần, cựu doanh nhân này sẽ đi thuyền vào thành phố để mua nhu yếu phẩm cần thiết. Ông có một con chó và một hình nộm phụ nữ sống cùng và coi đó như là người bạn, chấp nhận sống như “Robinson trên đảo hoang" đến cuối đời.
2. La Triệu Huy - "thần đồng bất động sản" của Hong Kong chết trong cô độc
La Triệu Huy từng được mệnh danh là "thần đồng bất động sản" của Hong Kong ở thập niên 90. Công ty bất động sản của ông có trị giá cả tỷ USD, làm ăn phát đạt, mua đâu lãi đó. Ở thời kỳ đỉnh cao, tài sản của ông có khi lên tới 200 triệu NDT (tương đương 700 tỷ đồng), có du thuyền riêng đắt đỏ. Không những thế, việc kết giao với nhiều đại gia nổi tiếng khác cũng giúp tỷ phú này thu về bội tiền từ những lần hợp tác làm ăn.
Làm giàu từ kinh doanh bất động sản chưa đủ, ông lấn sân sang kinh doanh cổ phiếu và may mắn gặp tỷ phú Lưu Loan Hùng - nhân vật tầm cỡ trong giới thượng lưu giúp cho công việc kinh doanh ngày càng phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, cũng từ khi quen biết với đại gia này, La Triệu Huy bắt đầu dấn thân vào cuộc sống ăn chơi sa đọa và có đời sống phóng túng.
Sống sang chảnh là thế nhưng quãng đời giàu sang của La Triệu Huy chẳng kéo bài bao lâu mà chấm dứt vào năm 1997. Cơn bão tài chính năm đó đã khiến giá cổ phiếu rớt mạnh, nhiều bất động sản bị mất trắng đẩy La Triệu Huy phải ôm khối nợ hơn 300 triệu HKD (hơn 800 tỷ đồng). Năm 2000, La Triệu Huy tuyên bố phá sản và tự sát nhưng lại được cứu sống. Sau đó, ông chuyển đến Macau để làm lại từ đầu.
Đến năm 2007, ông bị bắt vào tù vì tội sử dụng ma túy. Sau khi ra tù, anh về Quảng Châu để quay lại kinh doanh nhà đất nhưng không thành công. Đại gia ngày nào rơi vào cảnh nghèo xơ xác. Năm 2011, cảnh sát phát hiện La Triệu Huy đột tử tại căn hộ lụp xụp, ra đi ở tuổi 47 trong nghèo khó và cô đơn.
3. Tỷ phú Guan Baili đi ăn xin, ngủ gầm cầu
Tỷ phú Guan Baili từng là một doanh nhân khét tiếng trong lĩnh vực bất động sản ở Hương Cảng. Không chỉ có tài kinh doanh, ông còn thành thạo 4 thứ tiếng, bao gồm tiếng Quảng Đông, Quan Thoại, tiếng Anh và cả tiếng Thái.
Cuộc sống giàu có đi kèm những cuộc vui không dứt khiến tỷ phú này không còn chú tâm vào việc kinh doanh dẫn đến quản lý lỏng lẻo, công ty rơi vào tình trạng tuột dốc không phanh và nhanh chóng đi vào phá sản. Bấy giờ, vị tỷ phú ngày nào mới bắt đầu bừng tỉnh và lao vào công việc nhưng không còn kịp nữa, số tiền dành dụm được đã dần cạn kiệt và trở nên trắng tay.
Lúc này, vị tỷ phú khi xưa không còn ai bên cạnh, gia đình người thân từ bỏ, bạn bè cũng xa lánh khiến ông suy sụp. Sau đó, Guan Baili bỏ xứ ra đi, trở thành người vô gia cư. Từ một tỷ phú sống trong nhung lụa, giờ đây Guan Baili phải sống nay đây mai đó, ngủ gầm cầu và đi nhặt rác để có tiền mua thức ăn.
4. Chủ tịch công ty triệu đô Khương Nguyên Trần ra đường xin ăn
Trước khi phải sống cảnh màn trời chiếu đất, ông Khương Nguyên Trần từng là một doanh nhân tiếng tăm lẫy lừng trên chốn thương trường ở Trung Quốc.
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, người đàn ông này từng mở công ty chuyên về lĩnh vực may mặc ở thành phố Yên Đài. Làm ăn thuận lợi, ông tiếp tục mở rộng việc kinh doanh sang đặc khu kinh tế Hong Kong, công ty có hàng nghìn nhân viên. Vào thời điểm này, giá trị tài sản ròng của chủ tịch này lên tới hàng chục triệu NDT.
(Ảnh: News).
Tuy nhiên vào năm 2007, các công ty do ông Khương làm đại diện bị liệt vào danh sách "Doanh nghiệp không trung thực". Từ đó, các sản phẩm bị hạn chế tiêu thụ, không lâu sau đó một số công ty bị thu hồi giấy phép kinh doanh nên việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn.
Trước đó, để mở rộng kinh doanh, doanh nhân này đã vay vốn ngân hàng, do bị nhà cung cấp nợ nên dây chuyền vốn bị phá vỡ. Doanh nhân họ Khương rơi vào tình trạng không trả được nợ ngân hàng, cuối cùng bị phá sản. Do cắt đứt quan hệ với gia đình từ khi chuyển tới Hong Kong làm ăn, thế nên khi rơi vào cảnh bần cùng, ông Khương không còn ai để nương tựa, trở thành người vô gia cư.
Từ năm 2020, người đàn ông này hằng ngày đều lang thang trên phố nhặt phế liệu từ các thùng rác để bán hoặc xin ăn, ban đêm thì ngủ trên ghế dài ở công viên. Ánh hào quang trước đây là hoàn toàn lụi tàn, chỉ còn lại con người nghèo khổ phải lo chuyện kiếm ăn để sống qua ngày.
(Tổng hợp)