Khi nhắc đến những tỷ phú giàu nhất thế giới, đa phần nhiều người sẽ nghĩ đến những cái tên như Elon Musk, Mark Zuckerberg, Bill Gates hay Bernard Arnault. Đương nhiên, điều này dựa trên giá trị tài sản ròng hiện tại của họ và nó có thể giao động tại bất cứ thời điểm nào.
Ví dụ, Elon Musk đã đánh mất danh hiệu top 1 thế giới vào tay ông trùm hàng xa xỉ Bernard Arnault.
Hay khi nhắc đến những cái tên nổi bật trong “làng giàu có”, có thể kể đến tỷ phú USD, ông trùm kinh doanh người Mỹ John Davison Rockefeller với đế chế dầu Standard Oil, hoạt động trong thời kỳ 1870-1911.
Vào năm 1913, tài sản cá nhân của Rockefeller đạt mức 900 triệu USD. Ông đã trở thành tỷ phú đầu tiên của nước Mỹ vào năm 1916 và sở hữu khối tài sản 1,4 tỷ USD vào năm 1937 - thời điểm ông qua đời.
Hay những cái tên như Cornelius Vanderbilt - ông vua đường sắt nước Mỹ thế kỷ 19 hoặc Henry Ford - huyền thoại của ô tô hiện đại.
Tuy nhiên, nếu quay ngược thời gian, thế giới đã xuất hiện một người đàn ông được nhiều nhà sử học cho là người đàn ông giàu có với khối tài sản “không thể hiểu nổi”.
Thậm chí, ông còn được cho là sở hữu khối tài sản đánh bại hoàn toàn các tỷ phú công nghệ ngày nay. Người đàn ông quyền lực này có tên là Mansa Musa, vị vua của Đế chế Mali, cai trị Tây Phi từ năm 1312 đến khi qua đời vào năm 1337.
Vậy chính xác Mansa Musa là ai, tại sao ít người nghe đến tên của người đàn ông “huyền thoại” này?
Mansa Musa
Vị vua của Đế chế Mali
Theo tờ SCMP trích dẫn, “Mansa” có nghĩa là vua hoặc hoàng đế. Theo lịch sử ghi lại, Mansa Musa là vị vua thứ 9 của Đế chế Mali. Ông sinh ra trong gia đình hoàng gia và lên nắm quyền vào năm 1312, khi anh trai Mansa Abu-Bakr của ông thoái vị để thực hiện một chuyến thám hiểm trên biển.
Theo nhà sử học Shibab al-Umari, Abu-Bakr luôn muốn thám hiểm Đại Tây Dương. Ông được cho là đã rời đến đó cùng tùy tùng và không bao giờ quay trở lại.
Kể từ đó, Mansa Musa đã trở thành quốc vương. Vốn đã giàu có nhưng dưới sự cai trị của ông, nơi này đã trở nên phồn thịnh hơn.
Có thông tin cho rằng, vị vua này chưa bao giờ thua bất kỳ trận chiến nào. Thậm chí, nhiều vùng lãnh thổ còn sẵn sàng gia nhập Mali do chất lượng cuộc sống tại đây cao hơn rất nhiều.
Vương quốc giàu muối, vàng và đất đai
Theo SCMP, các nhà sử học ước tính rằng Đế chế Mali vào thời điểm đó là nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới, sở hữu hơn một nửa tổng nguồn cung toàn cầu.
Tận dụng và khai thác triệt để các nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực - vàng và muối, Musa đã mở rộng đế chế của mình.
Dưới sự cai trị của ông, đế chế Mali đã sáp nhập hơn 24 thành phố và phát triển vô cùng lớn mạnh. Nó trải rộng hơn 3.200 km và bao gồm các khu vực ngày nay là Chad, Bờ biển Ngà, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Mali, Mauritania, Niger, Nigeria và Senegal.
Là một người giàu có nhưng vào thời kỳ 1324-1325, khi ông thực hiện chuyến hành hương đến thánh địa Mecca theo truyền thống đạo Hồi thì thế giới mới biết đến ông.
Cuộc hành hương đó từng được miêu tả là “xa hoa nhất trong lịch sử loài người", theo Magnates Media. Vị hoàng đế đã mang theo 60.000 tùy tùng cũng như rất nhiều vàng đi cùng.
Cuộc hành trình đã đưa Musa và tùy tùng đi qua sa mạc Sahara và Ai Cập để đến Cairo. Ở đây ông đã chi tiêu rất hào phóng và ban phát một khối lượng vàng đồ sộ cho người nghèo.
Vậy Mansa Musa giàu có đến mức nào?
Theo tờ SCMP, đã có rất nhiều chuyên gia tính toán khối tài sản của Mansa Musa. Họ cho rằng giá trị tài sản ròng của ông đạt mức 400-500 tỷ USD theo ước tính hiện tại và thậm chí là hơn. Bởi lẽ rất khó tính toán tài sản dựa trên vàng, muối và đất đai của thời điểm đó.
Theo danh sách những người giàu nhất thế giới được Forbes công bố vào ngày 4/4 vừa qua, tỷ phú Elon Musk có giá trị tài sản ròng 180 tỷ USD còn ông trùm Facebook Mark Zuckerberg là 64,4 tỷ USD. Vậy nghĩa là, nếu tính theo mức hiện tại, Mansa Musa còn giàu hơn gấp đôi cả Elon Musk và Mark Zuckerberg cộng lại.
Nhiều nhà sử học cũng đồng ý rằng sự giàu có của vị vua này “không ai có thể miêu tả”.
Tuy nhiên, những gì người ta nhớ đến khi nhắc tới Mansa Musa không chỉ là những núi vàng hay khối tài sản đồ sộ mà còn bởi tài lãnh đạo, sự hào phóng, cách ông thúc đẩy giáo dục và tài trợ cho xã hội.
Sau khi trở về từ cuộc hành hương, Mansa Musa đã thực hiện cải tạo các thành phố trong vương quốc của mình. Ông cũng cho xây dựng trường học, thư viện và nhà thờ Hồi giáo. Vào năm 1337, vị vua huyền thoại này đã qua đời ở tuổi 57.
Tham khảo SCMP, ATI