Vậy là chỉ còn một vài ngày nữa, khoảnh khắc năm mới âm lịch sẽ điểm, một năm mới với bao niềm hân hoan, rạng rỡ sẽ lại đến với muôn người.
Thời điểm cuối năm, giáp Tết, lòng người chợt trào dâng những cảm xúc xốn xang, lâng lâng khó tả. Cái nhịp độ hối hả cứ thôi thúc dòng người tranh thủ hoàn thành cho xong những dang dở còn tồn đọng của năm cũ.
Để đón một khởi đầu hanh thông và nhiều điều may, tâm lý chung, ai cũng mong có thể bỏ hết những cũ kỹ, sắm sửa cho cả gia đình mình những thứ mới mẻ.
Tuy nhiên, trong nhịp đời hối hả ngoài kia, khi mưu sinh hàng ngày vẫn là bài toán khó có lời giải đối với không ít con người thì câu chuyện sắm Tết dường như là một điều gì đó quá đỗi xa xỉ. Câu chuyện ấy vẫn mãi là một nốt trầm, làm lắng lại cái rộn rã của những ngày đón năm mới.
Tuy nhiên, không vì thế mà những ngày giáp Tết lại nhuốm màu ảm đạm. Đâu đó, xung quanh đây thôi, vẫn có những tấm lòng, những sự yêu thương, tuy nhỏ bé, đơn sơ và dung dị thôi nhưng ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc và đặc biệt khiến nhiều người ấm lòng khi được dịp chứng kiến.
Cụ thể, vừa mới đây, trên một trang mạng xã hội chuyên chia sẻ những câu chuyện đời sống mộc mạc về con người Sài Gòn có đăng tải hình ảnh bên dưới sân của một căn chung cư.
Bên cạnh những băng-rôn đón mừng năm mới, ai đó đã đặt để thêm 4 chiếc thùng đựng quần áo và đính kèm khẩu hiệu: "Ai có đến cho, ai cần đến lấy", thú vị hơn là quần áo được phân loại cụ thể để người tặng và người nhận đều dễ dàng bỏ - lấy.
(Ảnh: Hiền Nhỏ)
Không gượng ép, không yêu cầu và cũng chẳng xin xỏ, chỉ đơn giản là sự tự nguyện, cảm thấy cần san sẻ cho nhau.
Ai có và muốn thì cứ mang đến mà cho, còn ai thật sự cần thì cứ đến mà lấy, chẳng ai quản lý, kiểm soát. Và trong những chiếc thùng ấy đã nhanh chóng được lấp đầy bởi những bộ áo quần chờ người đến lấy.
Ngay khi được chia sẻ cách đây chưa lâu, bức ảnh giàu cảm xúc này đã nhanh chóng thu về rất nhiều lượt yêu thích cũng như bình luận từ đông đảo người dùng mạng:
"Chiều cuối năm, đang chộn rộn đếm mong từng ngày đến Tết mà nhìn thấy tấm ảnh này chợt ấm lòng đến lạ luôn các bạn ạ".
"Các bạn ơi, có biết địa chỉ cụ thể chỗ này ở đâu không, mình cũng có rất nhiều quần áo cũ (vẫn còn tốt lắm) không mặc nữa, và mình muốn góp".
"Sài Gòn là vậy, tưởng vô tình nhưng thật sự rất hữu tình. Cái gì mình không cần nữa thì thôi chia cho người khác, không cố giữ, không cố lấy hết về phần mình".
Dịp cuối năm, ai cũng muốn gói ghém lại những thứ đã cũ mà bản thân mình không còn sử dụng nữa và mua thêm những thứ mới mẻ chào đón năm mới đến. Thế nhưng, cũ người mới ta, đâu đó vẫn còn rất nhiều người thật sự chỉ mong cầu những thứ đã cũ ấy.
Cuộc sống là một hành trình dài mà những người thật sự giàu có chính là những con người sẵn sàng cho đi rất nhiều thứ, chứ chẳng phải người sở hữu nhiều thứ.
Và nếu sự giàu có được định nghĩa bằng tấm lòng và tình yêu thương như thế ấy, thì câu nói "giàu có như người Sài Gòn" có lẽ là điều không cần phải nhọc công đi tìm minh chứng.