Giật mình với các căn cứ Mỹ trong tầm hủy diệt của tên lửa Iran: Trạng chết, chúa băng hà?

Chỉ Nhàn |

Dù không có sức mạnh quân sự để "chơi ngang phân" với Mỹ, nhưng Iran vẫn có quân bài chiến lược và một loạt mục tiêu "dễ ăn" nằm trong tầm hủy diệt khiến Washington phải chùn bước?

Theo giới truyền thông quốc tế, sự kiện Iran bắn rơi máy bay không người lái của Quân đội Mỹ thực sự suýt nữa đã khiến chiến sự nổ ra, chứ không chỉ dừng ở "miệng hộ chiến tranh".

Hãng thông tấn AP cho biết, ngay trong đêm 20/6, các máy bay Mỹ đã lắp sẵn bom và chỉ trực chờ lệnh từ Nhà Trắng. Tuy nhiên, rốt cuộc phút cuối Tổng thống Trump đã rút quyết định.

Lý do thực sự vẫn nằm trong điều bí mật, có những dự đoán cho là ảnh hưởng tới tham vọng tái đắc cử nhiệm kỳ 2 của ông Trump, là vì "nhân đạo".

Tuy vậy, không loại trừ khả năng, Washington phải tính tới trường hợp đảm bảo an nguy cho binh lính Mỹ cùng gia đình của họ đang nằm tại một loạt căn cứ quân sự "bao vây" Iran.

Sức mạnh Mỹ phủ khắp Trung Đông

Theo thống kê của chuyên gia quân sự - ngoại giao Matthew Wallin thuộc Dự án An ninh Mỹ, Mỹ hiện có khoảng 25-27 căn cứ, doanh trại phủ khắp một loạt hơn 10 quốc gia Trung Đông.

Cụ thể, ở Bahrain hiện có tới 3 căn cứ quân sự lớn của Mỹ gồm: căn cứ hỗ trợ hoạt động hải quân - đặt một phần Bộ tư lệnh Hạm đội 5; căn cứ không quân Shaikh Isa (trang bị máy bay F-16, F/A-18, P-3 Orion); căn cứ không quân thuộc hải quân Muharraq (đơn vị lực lượng đặc nhiệm hàng không 53 đóng giữ).

Tại Israel - đồng minh thân cận của Mỹ có một căn cứ radar trang bị hệ thống AN/TPY-2 có thể phát hiện tên lửa đạn đạo và một căn cứ không quân làm nhiệm vụ phòng thủ tên lửa.

Ở Kuwait, Mỹ hiện có tới một căn cứ không quân với hai đường băng cùng một không đoàn trang bị máy bay vận tải C-17, C-130 và 3 doanh trại quy mô.

Tại Oman, Mỹ có tới 4 căn cứ không quân với nhiều đường băng dài cho máy bay cỡ lớn hạ cánh và hai hải cảng có thể hỗ trợ tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân.

Giật mình với các căn cứ Mỹ trong tầm hủy diệt của tên lửa Iran: Trạng chết, chúa băng hà? - Ảnh 1.

Các căn cứ không quân Mỹ phủ khắp Trung Đông, bao vây Iran cả hướng biển lẫn trên bộ.

Đặc biệt ở Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ được cho là đã triển khai khoảng 50 quả bom hạt nhân tới căn cứ không quân Incirlik được Mỹ xây dựng từ năm 1951. Đây là một trong những căn cứ Mỹ tại Trung Đông có nhiều hoạt động nhộn nhịp trong các năm trở lại đây.

Tại đây, Mỹ thường xuyên tổ chức các phi vụ không kích tiêu diệt khủng bố IS ở Syria và Iraq. Hiện có khoảng 2.500 lính Mỹ tại đây, nhưng có thể tăng giảm tùy từng thời điểm.

Ngoài ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ còn một căn cứ không quân khác với hai đơn vị không quân lớn nằm ở đây.

Ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Mỹ có khoảng 5.000 binh sĩ triển khai tại ba căn cứ không quân và hải quân.

Trong đó, đáng chú ý căn cứ không quân Al Dhafra là nơi đồn trú của nhiều loại máy bay hiện đại gồm cả F-22 Raptor, RQ-4 Global Hawk; KC-10, E-3 Sentry và U-2.

Ngoài các căn cứ lớn trên, Mỹ còn vô số doanh trại và căn cứ khác nằm rải rác ở Djibouti, Ai Cập, Jordan, Qatar, Ả Rập Xê-út.

Nhìn sơ qua địa lý thì có thể thấy các căn cứ này đều đặt ở quốc gia có đường biên giới với Iran (như Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ) hay nằm trên vùng Vịnh, eo biển Hormuz (Kuwait, UAE, Qatar).

Ngoại trừ hướng biển Caspian, tiếp giáp các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ), ở phía vùng Vịnh Iran nằm hoàn toàn trong tầm tác chiến của không quân - hải quân Mỹ.

Đây được xem là lợi thế rất lớn của Mỹ, dù là đạo quân tới từ bên kia địa cầu nhưng họ vẫn luôn có mọi sự hỗ trợ cần thiết khi bước vào mọi chiến dịch quân sự ở Trung Đông.

Dẫu vậy, lợi thế này thể hiện rõ rệt trước Libya, Syria hay Iraq thời Saddam, nhưng chưa chắc với Iran đó lại là điều tốt. Nhất là khi Quân đội Iran có trong tay kho tên lửa đạn đạo đáng sợ và được quốc tế thừa nhận.

Giật mình với các căn cứ Mỹ trong tầm hủy diệt của tên lửa Iran: Trạng chết, chúa băng hà? - Ảnh 3.

Phạm vi tác chiến 1.500-2.500km của tên lửa Iran phủ khắp Trung Đông, tới tận châu Phi.

Khi ưu điểm thành nhược điểm, mọi thứ tan tành trong "một nốt nhạc"

Với tiềm lực công nghiệp quốc phòng của riêng mình, trong suốt nhiều năm Iran đã đạt được trình độ kỹ thuật cao trong việc phát triển các hệ thống tên lửa đạn đạo từ tầm ngắn tới tầm trung, đủ sức vươn tới mọi căn cứ Mỹ ở Trung Đông.

Theo giới phân tích quốc tế, với tầm bắn khoảng 2.000km, tên lửa đạn đạo Shahab-3 đặt ở bất cứ đâu trên lãnh thổ Iran cũng đủ sức vươn tới hầu hết căn cứ, doanh trại Mỹ tại các nước đồng minh.

Ngoài Shahab-3, Iran còn có một số hệ thống tên lửa khác như Sejjil (tầm bắn gần 2.500km); Emad (tầm bắn 2.000km); Ashoura (tầm bắn gần 2.500km). Các hệ thống tên lửa dưới 1.000km thì nhiều vô kể với đủ kiểu loại.

Cứ cho là các tên lửa đạt độ chính xác và tin cậy tốt nhất thì không bắn hết tầm, nhưng với cự ly khoảng 1.500-1.800km thì cũng thừa sức

Số lượng tên lửa đạn đạo của Iran vẫn là dấu hỏi lớn, không ai có thể nắm chính xác họ có bao nhiêu bệ phóng và đạn. Đây được xem là lợi thế riêng của Iran, bí mật hoàn toàn trước kẻ địch về trang bị sẽ khiến đối phương "hoàn toàn mơ hồ", khó chuẩn bị kế sách ứng phó.

Lưu ý rằng, đa số các tên lửa của Iran đều đặt di động, dù không hình thành bệ phóng tự hành nhưng có thể di chuyển khắp nơi và bất thình lình tấn công đối phương.

Giật mình với các căn cứ Mỹ trong tầm hủy diệt của tên lửa Iran: Trạng chết, chúa băng hà? - Ảnh 4.

Tên lửa đạn đạo Shahab 3 nhìn khá giống Scud phóng to, kéo dài.

"Niềm hi vọng" cho Washington có thể chặn đứng tên lửa rời bệ là một số kiểu đạn của Iran hiện vẫn dùng động cơ nhiên liệu lỏng. Nhược điểm của loại tên lửa này là nhiên liệu không thể giữ lâu trong thân đạn, vì có thể gây hư hỏng lớp vỏ. Thế nên, người ta thường chỉ nạp khi có lệnh chiến đấu.

Các hệ thống trinh sát tối tân của Washington có thể "may mắn" phát hiện các bãi nạp nhiên liệu và phá hủy "từ trong trứng nước".

Thứ nữa là hệ thống dẫn đường tên lửa đạn đạo tầm xa của Iran lâu nay vẫn bị coi là nghèo nàn. Dù cho nước này từng tuyên bố phát triển phiên bản có hệ thống định vị vệ tinh nhưng không thể xác nhận rõ ràng.

Bởi thực tế, hiện Iran không có hệ thống định vị vệ tinh riêng như GLONASS hay Bắc Đẩu. Việc sử dụng tín hiệu GPS dân sự cũng khó có khả năng khả thi vì Mỹ hoàn toàn đủ sức vô hiệu hóa hoặc "khóa cứng".

Bên cạnh đó, tên lửa Iran cũng chưa có đầu đạn hạt nhân làm suy giảm đáng kể uy lực.

Dù vậy, tất cả các nhược điểm trên chắc chắn Iran hiểu rõ, họ được cho là đang khắc phục các nhược điểm này. 

Ví dụ như hệ thống tên lửa Sejjil được Iran bắn thử lần đầu năm 2011 trang bị hoàn toàn động cơ nhiên liệu rắn cho khả năng sẵn sàng chiến đấu cao.

Iran cũng sử dụng biện pháp ngụy trạng đơn giản nhưng hữu hiệu, khi các xe chở tên lửa hầu hết dùng xe vận tải dân sự khiến rất khó nhận biết.

Hệ thống dẫn đường cũng như đầu đạn hạt nhân là khó khắc phục, nhưng với độ chính xác khoảng 1km thì vẫn coi là tạm chấp nhận được khi mục tiêu là các căn cứ quân sự khổng lồ. 

Một hoặc chỉ cần 2 quả đạn đánh trúng cũng đủ tạo "tiếng vang", gây khiếp sợ với chính nước sở tại cho phép Mỹ đặt căn cứ.

Nói chung, tấn công một mục tiêu di động mới khó, còn để đánh một mục tiêu diện rộng cố định thì vẫn là quá đơn giản. Chẳng thế mà Mỹ vừa khẩn cấp rút một phần nhân viên ở các căn cứ tại Iraq.

Tuy các động thái rút người không quá khẩn trương khi còn vô số nhân viên ở nhiều căn cứ, nhưng rõ ràng là Washington biết sợ. Thế nên, khả năng rất cao chính vì sức mạnh tên lửa Iran khiến Mỹ "lăn tăn" mãi chưa thể "dạy cho Tehran một bài học".

Iran bắn thử ồ ạt nhiều loại tên lửa đạn đạo cùng lúc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại