Bóng đá là trò chơi của cảm xúc, nghệ thuật, sự khổ luyện cũng như quyết tâm... nói tóm lại, nó hay vì có thể khiến từ cầu thủ tới NHM cảm thấy thăng hoa.
Sự "thăng hoa" thế nào, nhiều năm qua cũng được đem ra tranh cãi nhiều lắm. Có người thấy cầu thủ đá "nhiệt" quá thì chê bạo lực, có người lại bảo đó là quyết tâm, nhiệt huyết.
CĐV trên khán đài cũng có nhiều kiểu thăng hoa, kể cả nổi loạn, gây rối, ở một chừng mực nào đó, tất nhiên trong tầm kiểm soát, cũng là sự phấn khích thú vị, chứ vắng tanh vắng ngắt như V-League mình thì buồn lắm.
Nói vòng vo để nhấn vào câu chuyện tối qua, khi CĐV Myanmar ném đồ vật xuống sân, phản ứng quyết định của trọng tài cho Việt Nam hưởng penalty vào cuối trận. Nhờ đó, thầy trò HLV Mai Đức Chung gỡ hòa được 3-3, rồi thắng 5-4 trên chấm 11m "cân não".
Việt Nam 3-3 (pen 5-4) Myanmar
Hành động của fan chủ nhà là rất cần nhắc nhở và nghiêm cấm tái diễn. Nhưng đừng vì thế mà quên đi 1 điều rất quan trọng: SVĐ Mandalarthiri của Myanmar tối qua đã chật cứng khán giả.
Sân đấu này có sức chứa 30.000 người, và để lấp đầy nó trong 1 trận của bóng đá nữ là điều không nhiều người tưởng tượng được.
Những năm gần đây, lượng khán giả Việt Nam trung bình tới sân xem V-League ít hơn nhiều con số 10.000. Giải bóng đá nữ Việt Nam thi đấu, con số tới xem chỉ tính bằng đơn vị trăm dù tại khía cạnh này, chúng ta mạnh nhất nhì ĐNÁ.
Giải U16 ĐNÁ vừa rồi tại Campuchia, NHM chủ nhà cũng tới xem trận gặp Thái Lan rồi Việt Nam tới 4, 5 vạn. Chẳng cần nói đến kết quả đội bóng của chúng ta thắng hay thua, thì trên khán đài, Việt Nam đã yếu kém rõ rệt.
Tại sao một nền bóng đá được xem là mạnh hơn rất nhiều, lại mất đi khán giả, còn các nước hàng xóm thì không ngừng đi lên? Đó chắc chắn là một câu hỏi mà những người làm công tác lãnh đạo bóng đá ở Việt Nam cần phải sớm tìm cách khắc phục, cho bằng được!