Giật mình về lượng đường trong sinh tố, nước ép trái cây cho trẻ em

Ngọc Mai |

Trước cảnh báo về tác hại của đồ uống có ga, nhiều bà mẹ lựa chọn sinh tố hay nước ép trái cây cho con mình mà không biết rằng lạm dụng thức uống này cũng gây tác hại cho sức khỏe.

Đường - một loại "thuốc lá mới"

Trong một chiến dịch tuyên truyền cắt giảm đường trong chế độ ăn, GS Simon Capewell, Đại học Liverpool đã gọi đường là một loại “thuốc lá mới”, và là nguồn cơn bùng phát dịch béo phì tại Anh.

"Ở mọi nơi, nước ngọt và đồ ăn vặt chiếm vị trí đáng kể trong chế độ ăn của cả người lớn và trẻ nhỏ, do nền công nghiệp chỉ tập trung vào lợi nhuận mà không màng đến sức khoẻ. Bệnh béo phì ngày càng phổ biến làm gia tăng bệnh tật và tử vong” - GS Simon nói.

GS Simon là thành viên của nhóm Action on Sugar, được lập nên nhằm mục đích giúp cộng động tránh các sản phẩm có chứa đường tiềm ẩn và khuyến khích nhà sản xuất giảm lượng đường bổ sung.

Theo Action on Sugar, trẻ em là nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất, với những đồ ăn thức uống “hấp dẫn” như snack (bim bim) chứa nhiều calo hay đồ uống chứa đường.

Tại Mỹ, theo thông tin từ đại học Yale, mỗi người bình quân tiêu thụ khoảng 22 thìa đường mỗi ngày; và lên tới 34 thìa ở độ tuổi thiếu niên. Lượng đường trong một lon đồ uống có ga là 10 thìa.

Với vô số tác hại của đường đối với sức khoẻ, mọi người đang dần tránh xa nước ngọt công nghiệp như đồ có ga, trà đường túi lọc.

Nếu có thể giảm đường trong thực phẩm công nghiệp, sẽ giúp giảm tình trạng béo phì, và giảm được đáng kể nhiều bệnh nguy hiểm.

Tác hại của đường đối với sức khỏe

Giảm đường, chuyển sang sinh tố và nước ép trái cây: Lợi bất cập hại

Trước những cảnh báo về tác hại của đồ uống có ga, nhiều bà mẹ chuyển sang lựa chọn sinh tố hay nước ép trái cây.

Nhưng có lẽ lựa chọn này cũng cần cẩn trọng, khi nghiên cứu mới đây cho thấy có tới 13g đường trong mỗi 100ml sinh tố - tương ứng với 2/3 hay 1/2 ngưỡng đường giới hạn mỗi ngày.

Khuyến nghị về liều lượng đường mỗi ngày cho trẻ em

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo trẻ em nên dùng không quá 3-4 thìa đường mỗi ngày, còn thiếu niên là 5 thìa.

Ở Anh, Tổ chức Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) đưa ra mức tối đa được khuyến nghị đối với trẻ em 4-6 tuổi là 19g tương đương 4 thìa, trẻ 7-10 tuổi là 24g tương đương 5 thìa.

Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo không cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước ép trái cây, trẻ 1-6 tuổi không uống quá 120-180 ml, ở lứa tuổi 7-18 tuổi không uống quá 240-360 ml.

Nghiên cứu do giáo sư Simon Capewell, Đại học Liverpool, cùng các cộng sự của nhóm nghiên cứu Action on Sugar (nhóm gồm các chuyên gia nghiên cứu về đường và tác động đối với sức khoẻ) tiến hành.

Theo đó, lượng đường trong nước hoa quả, nước ép và sinh tố tự nhiên là “quá cao”.

Giáo sư Simon cho biết: “Mọi người ngày càng nhận thức rõ hơn tác hại của nước ngọt đối với răng và vòng bụng của trẻ, và vì thế họ hướng sang các lựa chọn có vẻ tốt cho sức khoẻ hơn như nước ép hay sinh tố trái cây.

Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các bậc phụ huynh có lẽ đã nhầm khi lựa chọn như vậy. Lượng đường có trong nước trái cây, kể cả nước ép và sinh tố tự nhiên mà chúng tôi tiến hành kiểm nghiệm là quá cao”.

Các chuyên gia từ Đại học Liverpool, Đại học London đã tiến hành đánh giá lượng đường có trong 100ml các loại đồ uống được ghi nhãn nước ép trái cây, nước ép và sinh tố 100% trái cây tự nhiên.

Kết quả cho thấy có tới 21 loại nước ép nguyên chất chứa lượng đường lên tới 10.7g/100ml, 24 loại sinh tố chứa 13g/100ml. Trên 40% chứa 19g đường/100ml – mức tối đa khuyến cáo đối với trẻ em.

Từ kết quả nghiên cứu, các tác giả đưa ra khuyến nghị:

- Hãy ăn trái cây thô, hạn chế nước ép.

- Làm loãng nước ép bằng cách pha thêm nước hoặc chọn các loại nước ép không đường, và chỉ nên dùng trong bữa ăn.

- Giới hạn mức tiêu thụ mỗi ngày là 150ml

Tác hại đáng sợ của đường đối với trẻ em

Đối với trẻ em, đường không chỉ hại răng hay làm tăng nguy cơ béo phì. Đường còn nhiều tác hại khác đối với sức khoẻ của trẻ.

Một nghiên cứu từ Đại học Columbia cho thấy, nếu trẻ tiêu thụ khoảng 100g đường – tương đương lượng đường trong 1l đồ uống có ga – thì các tế bào bạch cầu (có vai trò khoanh vùng và tiêu diệt bệnh tật trong cơ thể) sẽ giảm khả năng hoạt động tới 40%.

Giảm lượng đường vào cơ thể như thế nào

- Hãy đọc kỹ thông tin trên bao bì thực phẩm. Nếu 100g thực phẩm chứa dưới 5g đường thì là chấp nhận được. Nếu lượng đường vượt quá 15g thì là mức cao và nên tránh sử dụng hoặc cẩn trọng khi sử dụng.

- Ăn hoa quả, rau củ tươi giúp cung cấp chất xơ, vitamin và chất khoáng cho cơ thể, tốt hơn nhiều so với sinh tố hay đồ ăn vặt công nghiệp.

- Hạn chế thực phẩm đóng gói, thực phẩm chế biến công nghiệp (kể cả những món phổ biến như tương ớt tương cà).

- Quan tâm tới bữa sáng và bữa trưa, sao cho đủ dinh dưỡng (và ít đường), nhất là với trẻ em, để tránh bị đói khiến trẻ ăn đồ ăn vặt.

- Tránh mua các thực phẩm ít béo như sữa chua có đường. Vì các thực phẩm này thường chứa rất nhiều đường nhằm tăng hương vị.

- Ít sử dụng đường làm gia vị nấu ăn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại