Thực trạng và tác hại của "Ma-men"
Theo báo cáo thường niên của Tổ chức y tế thế giới (WHO) 2014 về mức độ tiêu thụ đồ uống chứa cồn, Việt Nam đứng thứ 94 trên tổng số hơn 190 quốc gia, đứng trong top đầu tại khu vực Châu Á(1). Tính riêng mức độ tiêu thụ bia thì Việt Nam là nước có mức độ tiêu thụ lớn nhất khu vực Đông Nam Á với 3,4 tỷ lít bia năm 2015(2).
Lạm dụng bia rượu là một vấn nạn của toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự xã hội, tai nạn giao thông và nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe. Theo ước tính, mỗi năm có 3,3 triệu người chết (chiếm 5,9% tất cả các trường hợp tử vong) liên quan đến rượu bia và là nguyên nhân tử vong hàng đầu của đa số người trẻ tuổi (15-49 tuổi)(3).
Rượu bia: Nguyên nhân gây ra một số bệnh ung thư phổ biến hiện nay
Kể từ năm 1988, Hiệp hội nghiên cứu ung thư quốc tế đã xếp rượu và thuốc lá vào tác nhân gây ung thư thuộc nhóm 1(4). Theo đó, rượu là một trong những tác nhân gây ung thư mạnh và đã có những bằng chứng khoa học chứng minh cơ chế cũng như mối liên quan của rượu và ung thư.
Không chỉ gây ung thư gan mà rượu bia còn là nguyên nhân của nhiều loại ung thư phổ biến khác như ung thư vú, vòm họng, dạ dày, thực quản và đại tràng. Điều ngạc nhiên là trong các loại ung thư do rượu gây ra thì ung thư gan không phải là ung thư có tần suất cao. Ngược lại, ung thư vòm họng và đường tiêu hóa chiếm tỷ lệ cao hơn.
Hiện nay vẫn chưa có ngưỡng an toàn về mức tiêu thụ đồ uống có cồn khi xét đến nguy cơ phát sinh ung thư. Nguy cơ mắc ung thư chỉ giảm khi ngừng tiêu thụ các đồ uống chứa cồn.
Một nghiên cứu tại Anh năm 2011 cho biết đồ uống chứa cồn là nguyên nhân của 12.800 trường hợp ung thư mỗi năm, và nó chiếm khoảng 4% trong tất cả các nguyên nhân(5). Một nghiên cứu khác gần đây được tiến hành bởi tiến sĩ Jennie Connor thuộc Đại học Otago, New Zealand cho biết, khoảng 6% các ca tử vong do ung thư bắt nguồn từ rượu(6).
Uống rượu cũng là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú ở nữ giới. Tại Anh, người ta đưa ra khuyến cáo người lớn không nên sử dụng quá 14 đơn vị cồn (tương đương khoảng 1.225 ml rượu vang 12 độ) trong một tuần.
Giáo sư Dame Sally Davies, chủ tịch hội đồng giám sát y khoa tại Anh cho biết: "Trong số 1.000 phụ nữ, có khoảng 110 phụ nữ không uống rượu sẽ bị ung thư vú. Con số này sẽ tăng lên 130 người nếu 1.000 phụ nữ kia uống rượu trên mức khuyến cáo và nếu uống gấp đôi so với mức khuyến cáo sẽ có khoảng 160 phụ nữ bị ung thư vú".
Cơ chế phát sinh ung thư do bia rượu
Mặc dù cơ chế sinh ung thư do rượu vẫn chưa đầy đủ nhưng các nhà khoa học cho rằng rượu có thể làm tăng nguy cơ ung thư theo các cơ chế sau:
- Quá trình chuyển hóa rượu tại gan sản sinh ra một chất trung gian có độc tính tên là acetaldehyde. Chất này có thể là một chất sinh ung thư trực tiếp hoặc gây tổn thương DNA, từ đó dẫn đến khiếm khuyết di truyền và gây ung thư (hình vẽ).
- Sản sinh ra các chất có tính oxy hóa cao có thể gây tổn thương DNA, protein và lipit.
- Uống rượu làm suy giảm quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng cần thiết như vitamin D, vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin E, folate, carotene và nhiều chất khoáng khác. Các chất này có tác dụng làm tăng sức đề kháng, hệ thống miễn dịch của cơ thể và giúp chống lại ung thư.
- Tăng nồng độ các hormone như estrogen. Hormone này có liên quan đến nguy cơ phát sinh ung thư vú ở phụ nữ có thói quen uống rượu.
- Ngoài ra, nếu quy trình sản xuất lên men không tốt, trong rượu có thể tồn tại các chất sinh ung thư như metanol, nitrosamines, asbestos fibers, phenols, và hydrocarbons.
Tất cả các loại đồ uống chứa cồn đều có thể là nguyên nhân phát sinh ung thư
Nghiên cứu của Tiến sĩ Jennie Connor chỉ ra rằng tất cả loại đồ uống cồn bao gồm rượu, bia, sake… đều có thể là nguyên nhân gây ung thư. Nguy cơ mắc ung thư càng cao khi lượng tiêu thụ càng nhiều.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu bạn là người nghiện rượu, ngừng uống rượu không bao giờ là muộn. Bởi nguy cơ phát sinh ung thư vòm họng và thực quản giảm dần theo thời gian khi ngừng uống rượu(7).
Những người nghiện rượu và hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao hơn
Một phân tích khác cho biết, những người hút thuốc kèm theo nghiện rượu có nguy cơ cao mắc ít nhất một loại ung thư nào đó gấp 3 lần so với những người hút thuốc mà không uống rượu. Đặc biệt là ung thư gan, cao hơn gấp 10 lần(8).
Tài liệu trích dẫn
1. https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_alcohol_consumption_per_capita.
2.http://english.vietnamnet.vn/fms/business/151712/vietnamese-rank-high-in-beer-consumption--spend-more-money-than-japanese.html
3.http://www.who.int/substance_abuse/publications/global_alcohol_report
4. IARC Working Group on the Evaluation of Carcinogenic Risks to Humans. Alcohol consumption and ethyl carbamate Exit Disclaimer. IARC Monographs on the Evaluation of Carcinogenic Risks in Humans. 2010;96:3-1383.
5. Parkin, DM., et al., Cancers attributable to the consumption of alcohol in the UK in 2010. Br J Cancer. 2011.
6. Jennie Connor. Alcohol consumption as a cause of cancer. Society for the Study of Addiction. 2016
7. Ahmad Kiadaliri A et al. Alcohol drinking cessation and the risk of laryngeal and pharyngeal cancers: a systematic review and meta-analysis. PLoS One. 2013
8. Kuper, H., et al., Tobacco smoking, alcohol consumption and their interaction in the causation of hepatocellular carcinoma. Int J Cancer, 2000