Giật mình: Chỉ vì mất ngủ bệnh nhân rơi vào tình trạng ăn xông, nằm 1 chỗ và đóng bỉm

Ngọc Minh |

Chỉ khó ngủ, sau đó là mất ngủ bệnh nhân 35 tuổi đã rơi vào trầm cảm nặng nằm một chỗ ăn xông và đóng bỉm 24/24 giờ.

Nỗi "kinh hoàng" khi mất ngủ

Chị B.T.T (35 tuổi, Tuyên Quang) đang điều trị tại Khoa Nữ, Bệnh viện tâm thần Trung ương I, cách đây 8 tháng chị T chỉ nằm một chỗ, ăn xông và đóng bỉm.

Chị T chia sẻ cách đây khoảng 5 năm sau khi sinh con thứ 2 xong chị rất khó ngủ.

"Cảm giác không ngủ được lúc đó rất kinh khủng, tôi luôn khao khát có được một giấc ngủ ngon như mọi người", chị T nói.

Tình trạng mất ngủ của chị T ngày càng trở nên nghiêm trọng. Khiến cho chị T luôn có cảm giác bứt dứt, thường xuyên đánh chống ngực, cảm thấy trong người rất khó chịu. Chị T trở nên ít nói sống thu mình và không muốn tiếp xúc với ai.

"Thời gian đầu tôi cũng đi khám thần kinh và tim mạch nhưng tất cả đều bình thường", chị T tâm sự.

Cũng theo chị T thì cuộc sống gia đình và công việc làm kế toán của chị đều không gặp phải bất cứ áp lực tâm lý nào.

Giật mình: Chỉ vì mất ngủ bệnh nhân rơi vào tình trạng ăn xông, nằm 1 chỗ và đóng bỉm - Ảnh 1.

Từ một người chỉ nằm một chỗ ăn xông, đóng bỉm chị T đã đi lại nói chuyện với mọi người trong phòng.

"Tôi chỉ gặp một vấn đề duy nhất là khó ngủ. Không ai bảo tôi bỏ ăn cả mà tôi tự cảm thấy chán ăn. Đút một miếng ăn vào miệng tôi cảm thấy chẳng khác nào cực hình. Rồi người tôi cứ lả đi, tôi nằm một chỗ nhưng đều biết mọi thứ diễn ra xung quanh", chị T tâm sự.

Chị T được các bác sĩ chẩn đoán trầm cảm sau sinh. Chị đã điều trị tại nhiều bệnh viện khác nhau nhưng tình trạng ngày một nặng. Đầu năm 2018 chị T được gia đình đưa xuống Bệnh viện Tâm thần Trung ương I điều trị.

Sau 2 tháng điều trị tại khoa nữ chị T đã tỉnh táo đi lại như người bình thường. Giai đình thấy tình trạng chị T khá hơn nên đã cương quyết xin ra viện dù chưa được sự đồng ý của bác sĩ điều trị.

"Một tháng sau khi ra viện tôi tái bệnh trở lại lúc cười, lúc khóc", chị T cho biết.

Mất ngủ là biểu hiện của rối loạn trầm cảm

PGS.TS Tô Thanh Phương, Trưởng khoa Nữ, Phó Giám đốc (Bệnh viện tâm thần Trung ương I) cho hay đa phần các trường hợp bị trầm cảm đều có triệu chứng mất ngủ. Mất ngủ có thể kéo theo hàng loạt các rối loạn tâm thần mà rất nhiều người đang chủ quan.

Đối với bệnh nhân T được chẩn đoán bị mắc trầm cảm sau sinh rất nặng. Bệnh nhân đã điều trị trầm cảm nhiều năm, ở nhiều nơi tại Hà Nội nhưng bác sĩ đều "bó tay".

Bệnh nhân vào viện trong tình trạng chỉ nằm một chỗ, ăn xông và đóng bỉm 24/24.

"Thời gian đầu bệnh nhân được điều trị trầm cảm theo phác đồ của Bộ Y tế nhưng không có hiệu quả. Sau đó tôi đã phải thay đổi công thức điều trị khác, bệnh nhân tiến triển nhanh chóng đã đứng dậy đi lại được trong sự ngỡ ngàng của gia đình", bác sĩ Phương nói.

Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân T là một trong nhưng ca bệnh điển hình bỏ điều trị khi bệnh tốt hơn. Dù đã được bác sĩ khuyên để bệnh nhân ở lại điều trị thêm nhưng gia đình cương quyết cho về.

Hậu quả sau khi về nhà một thời gian rất ngắn bệnh nhân đã tái bệnh trở lại nặng và nghiêm trọng hơn.

Bác sĩ Phương cho hay: "Trầm cảm là bệnh có thể chữa khỏi được, nếu bệnh nhân và người nhà cùng hợp tác với bác sĩ điều trị. Bệnh nhân cần phải duy trì uống thuốc đúng giờ, đúng liều. Người nhà bệnh nhân cần phải nhắc nhở bệnh nhớ uống thuốc.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho bệnh nhân tham gia vào các công việc hang ngày giúp sớm hòa nhập cuộc sống".

Bác sĩ Phương khuyến cáo, trầm cảm có thể gặp ở bất cứ ai, khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường như mất ngủ, khó ngủ cần phải đi khám sức khỏe tâm thần sớm.

Hoặc những bệnh nhân đau đầu, mệt mỏi, tim đập nhanh, đau một số vị trí trong cơ thể… đã đi khám bệnh lý cơ thể được chẩn đoán bình thường thì nên nghĩ tới bệnh lý tâm thần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại