Cô Nông Thị Uyên, giáo viên biên chế môn tiếng Anh duy nhất ở cấp tiểu học của huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang lên vùng cao công tác từ năm 2019. Tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Thái Nguyên) năm 2017, cô Uyên có 2 năm làm giáo viên tại một số trung tâm ngoại ngữ ở thành phố Hà Giang trước khi được biên chế giảng dạy tại Trường tiểu học thị trấn Mèo Vạc.
Cô Nông Thị Uyên, giáo viên tiếng Anh, Trường Tiểu học thị trấn Mèo Vạc, Hà Giang.
Nói về cơ duyên lên vùng cao công tác, cô Uyên chia sẻ, bản thân cô muốn đặt thử thách cho chính mình. Đối với học sinh ở vùng thuận lợi như thành phố Hà Giang việc học sinh tiếp cận môn tiếng Anh không có nhiều khó khăn nhưng đối với những huyện vùng cao như Mèo Vạc, tiếng Anh vẫn còn là điều mới mẻ, việc dạy và học môn học này còn gặp nhiều khó khăn.
“Học sinh tiểu học ở vùng cao nói tiếng phổ thông thành thạo còn khó khăn huống chi lại học thêm một ngoại ngữ mới. Do vậy lên Mèo Vạc công tác sẽ là một cơ hội để mình được trải nghiệm, giúp các em học sinh học tập môn tiếng Anh”, cô Uyên nói.
Ấn tượng đầu tiên khi cô Nông Thị Uyên lên dạy tiếng Anh ở Mèo Vạc là hình ảnh ngây thơ của học trò. Đặc biệt hoàn cảnh gia đình của nhiều em học sinh rất khó khăn và đây cũng là lý do chính mà cô Uyên gắn bó với nghề.
Cô Uyên cho biết, khi công tác ở dưới xuôi bản thân từng dạy nhiều học sinh có tinh thần hiếu học. Nhưng khi lên công tác ở Mèo Vạc, cô thực sự xúc động vì nhiều học sinh không chỉ hiếu học mà còn vượt khó, làm nhiều công việc khác nhau để hỗ trợ bố mẹ như lên nương, chụp ảnh ở các điểm du lịch…
“Đa số học sinh còn ngại nói tiếng Anh. Do vậy, giáo viên phải linh hoạt, vận dụng nhiều phương pháp dạy học mới để học sinh tự tin hơn khi học tập, giao tiếp tiếng Anh như tổ chức trò chơi, khuyến khích học sinh bắt chuyện với khách du lịch nước ngoài. Ngoài giờ học giáo viên thường kèm cặp củng cố thêm kiến thức cho các em học sinh. Học sinh có sự cố gắng và đấy cũng là lý do em ở lại”, cô giáo Nông Thị Uyên chia sẻ.
Dạy tiếng Anh cho học sinh Mông, cô Uyên gặp nhiều tình huống hài hước khi có lúc học sinh đang nói tiếng Anh thì quay sang nói tiếng mẹ đẻ khiến giáo viên ngỡ ngàng.
Thiếu giáo viên, học sinh các trường ở Mèo Vạc (Hà Giang) tăng cường học tiếng Anh từ kho học liệu của Bộ GD-ĐT .
Gần 4 năm công tác ở Mèo Vạc, cô Uyên xúc động nhất về một trường hợp học sinh vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên xin nghỉ học. Cô và nhiều giáo viên khác dành nhiều tâm sức để vận động học sinh trở lại trường. Điều hạnh phúc là giờ đây học sinh này không chỉ tiếp tục hành trình đến trường mà còn là đạt được nhiều thành tích trong học tập.
Là giáo viên biên chế môn tiếng Anh duy nhất ở bậc tiểu học của huyện Mèo Vạc, điều cô Uyên cảm thấy khó khăn nhất là không có nhiều đồng nghiệp cùng dạy môn học để trao đổi nghiệp vụ, học hỏi phương pháp giảng dạy.
“Vì là giáo viên biên chế duy nhất của huyện nên em cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ của giáo viên các huyện khác. Các đồng nghiệp thường xuyên chia sẻ, gửi tài liệu hoặc có buổi tập huấn, trao đổi nghiệp vụ nào em cũng được mời tham gia”, cô Uyên nói.
Đối với cấp tiểu học, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 3, trong đó môn tiếng Anh là môn học bắt buộc. Vì Trường tiểu học thị trấn Mèo Vạc (Hà Giang) có duy nhất một giáo viên tiếng Anh nên cô Nông Thị Uyên được phân công giảng dạy trực tiếp một số tiết ở lớp 3, lớp 4, 5. Các giờ dạy còn lại, các giáo viên của trường Marie curie (Hà Nội) sẽ hỗ trợ Trường dạy 3 tiết trực tuyến.
Điều mà cô Nông Thị Uyên mong mỏi trong thời gian tới các Trường tiểu học trên địa bàn huyện được bổ sung giáo viên môn tiếng Anh để không chỉ giảm áp lực cho các cơ sở giáo dục mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập môn học quan trọng này.
“Sinh viên tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh thường cơ hội việc làm tại thành phố khá rộng mở. Trong khi đó Mèo Vạc là huyện vùng cao nên em được biết việc tuyển dụng giáo viên môn học này đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, du lịch Mèo Vạc ngày càng phát triển, cơ hội việc làm cho những bạn trẻ học chuyên ngành ngôn ngữ Anh ngày càng nhiều nên em tin rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều sinh viên có trình độ cao về ngoại ngữ lên Mèo Vạc công tác, trong đó có việc dạy học”, cô giáo Nông Thị Uyên kỳ vọng./.
Năm học 2022-2023, cả nước thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới đến lớp 3, bắt buộc học sinh phải được học 4 tiết Tiếng Anh/tuần.
Năm học này, toàn huyện Mèo Vạc có 2.609 học sinh đang học lớp 3 với 76 lớp. Do đó, theo tính toán, với 4 tiết/tuần/lớp x 35 tuần thực học x 76 lớp, tất cả các trường ở huyện Mèo Vạc cần 10.640 tiết Tiếng Anh/năm học. Ở các khối lớp còn lại đây là môn tự chọn, nếu chưa có điều kiện có thể chưa học. Trong khi đó, toàn huyện chỉ có duy nhất một giáo viên biên chế môn Tiếng Anh.