Vụ giáo viên quỳ gối tại Long An giống như một "quả bom". Không có sinh mạng nào mất đi, không có số tiền nào thất thoát, nhưng “cái chết” của đạo đức và “sự thất thoát” của lương tâm khiến vụ việc này được cộng đồng mạng đặc biệt chú ý.
Và đây là một vụ việc điển hình minh họa cho câu “năm người, mười ý”, khi mỗi người lại có cho riêng mình một cách suy nghĩ.
Có người cho rằng đây là một "cái tát" vào truyền thống tôn sư trọng đạo, nhưng cũng không ít người tư duy rằng, việc bắt một học sinh tiểu học quỳ gối vì bất kỳ lý do gì cũng thể hiện sự thiếu tinh tế, thiếu tôn trọng của người giáo viên.
Trẻ em thường dễ bị kích động và tổn thương hơn so với người lớn, vốn đã va vấp và có kinh nghiệm sống. Do vậy, một hình phạt đánh vào lòng tự trọng của con trẻ, lại được thực hiện trước mặt những người bạn, có thể phản tác dụng và gây ra nỗi ám ảnh.
Trường tiểu học Bình Chánh xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An là nơi xảy ra sự việc cô giáo quỳ trước mặt phụ huynh
Bàn về những hình phạt
Mục đích của một hình phạt là khiến người bị phạt nhận ra lỗi lầm, chứ không phải để thỏa mãn sự tức giận của người đưa ra hình phạt. Trong vụ việc này, chúng ta hoàn toàn có quyền suy luận người giáo viên áp dụng một hình phạt phản giáo dục (chính cô tự thừa nhận) chỉ để thỏa mãn cơn giận của mình khi học sinh vi phạm nội quy.
Phụ huynh kéo đến trường trong cơn giận dữ. Và cơn giận của họ cũng đã nguôi đi khi đầu gối của vị giáo viên chạm xuống đất. Họ thỏa mãn vì giờ đây thì cô đã thấu hiểu sự nhục nhã mà con họ phải chịu khi quỳ dưới đất.
Bỗng dưng tôi nhìn thấy cả một xã hội thu nhỏ trong câu chuyện này. Nhục mạ người khác, không rõ từ bao giờ, đã trở thành phản ứng bản năng của rất nhiều người?
Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều ví dụ, từ những sự việc rất đơn giản xung quanh mình.
Trong một cuộc tranh luận trên Facebook thời nay, yếu tố “tranh luận” thường chỉ chiếm khoảng 20%. Phần còn lại thường là những màn đấu khẩu xuất hiện rất nhiều từ ngữ nhạy cảm nhằm nhục mạ đối phương, những màn thách thức, tấn công cá nhân.
Bóng dáng của những cái "quỳ gối" nằm trong lời lẽ tục tĩu "ném" qua "ném" lại. Không ai có nhu cầu tranh luận tìm ra chính nghĩa, mà chỉ thỏa mãn cơn giận dữ của mình bằng cách nhục mạ đối thủ.
Trên đường đi làm hàng ngày của các bạn, những va chạm giao thông thường được giải quyết theo mô típ khi một trong hai người quỳ xuống sau những tràng nhục mạ.
Con người ngày càng mất kiên nhẫn và họ chọn cách đơn giản nhất để giải quyết mọi vấn đề. Đó là thóa mạ, là nổi nóng, là đẩy sự việc đi rất xa khỏi điểm khởi phát.
Giá như người giáo viên đó kiên nhẫn hơn với học sinh của mình, thay vì ép chúng phải chịu nhục trước mặt bạn bè.
Giá như những phụ huynh cũng kiên nhẫn hơn thay vì cố gắng tấn công vào chi tiết: “Cô bắt các cháu quỳ, cô có dám quỳ như thế để hiểu cảm giác đó không”. Cô giáo đã xin lỗi, hứa rút kinh nghiệm. Nhưng phải đến khi danh dự của cô bị ném vào sọt rác, các phụ huynh mới hả lòng.
Thật ra, tình huống chẳng khác gì việc 2 tài xế va chạm giao thông rồi lao xuống thóa mạ lẫn nhau. Chẳng qua, ở đây là mối quan hệ giữa phụ huynh và giáo viên khiến sự việc được nâng tầm lên mà thôi.
Ở một số nước văn minh, hình phạt cho những học sinh vi phạm kỷ luật có thể là lao động công ích, vệ sinh lớp học, phải tham dự một khóa học bắt buộc nào đó... rất nhân văn. Giá như…