Giáo viên họ Lý tại một trường trung học ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc từng gây chú ý trên mạng xã hội đất nước tỷ dân với quan điểm điểm số chỉ là "ảo ảnh", khiến nhiều phụ huynh lầm tưởng về triển vọng tương lai của con trẻ. Theo kinh nghiệm 20 năm trong nghề, thầy Lý nhận thấy nhiều bậc cha mẹ chỉ cần thấy điểm số con cái sa sút liền nóng lòng cho con đi học thêm, đưa ra những quy định khắt khe để cải thiện thành tích học tập của con.
Trên thực tế, thầy Lý cho rằng điểm số chỉ phản ánh sự chăm chỉ và khả năng tiếp thu của học sinh tại một thời điểm nhất định, muốn đánh giá tương lai lâu dài cần nhiều yếu tố hơn. Phụ huynh nên rèn luyện cho con mình phát triển toàn diện về cả thể chất và tinh thần, tạo dựng những thói quen học hỏi tích cực thay vì chỉ học để có điểm thi cao. Thay vì nhìn vào điểm số, thầy Lý nhận định có thể đánh giá 3 khía cạnh sau để thấy được tiềm năng "làm nên chuyện lớn" của một đứa trẻ.
Trẻ có thói quen đọc sách
Bạch Yến Song là người dẫn chương trình, diễn giả nổi tiếng của đài CCTV (Trung Quốc). Từ ngày nhỏ Bạch Yến Song đã yêu thích sách và được mẹ ủng hộ bằng cách mua cho ông thẻ đọc sách ở thư viện. Những cuốn sách đó trở "hạt giống" gieo trong tâm trí ông những tri thức mới lạ, nâng cao vốn hiểu biết và giúp Bạch Yến Song có được sự tự tin, lý trí khi trưởng thành.
Thầy Lý cho biết việc chăm chỉ đọc sách sẽ đưa trẻ nhìn thấy được thế giới rộng lớn bên ngoài, ươm mầm ước mơ khám phá đồng thời cải thiện khả năng tư duy, tăng sức sáng tạo. Kiến thức ở sách vở trên trường lớp chỉ là một phần, muốn hiểu biết đa chiều cha mẹ cần định hướng cho trẻ đọc đa dạng các thể loại sách phù hợp với lứa tuổi, sau đó quan sát để giúp trẻ đọc theo sở thích của bản thân
Trẻ luôn tò mò ham học hỏi
Là nhà vật lý có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20, Albert Einstein từng nói ông phải một thiên tài, những cống hiến của ông cho nhân loại bắt nguồn từ việc luôn tò mò về thế giới. Ngay từ nhỏ, Einstein đã rất thích quan sát và trong đầu luôn có cả trăm câu hỏi vì sao. Khi cha không thể giải đáp được thắc mắc, Einstein đã tự mình tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề bản thân tò mò. Và đó là những bước đầu tiên trên hành trình đạt được hàng loạt thành tựu để đời của Albert Einstein.
Giáo sư James Mirrlees, người từng đoạt giải Nobel Kinh tế nhận định việc duy trì sự tò mò và đam mê khám phá rất có lợi cho thành công của người trẻ. Bản thân thầy Lý rất đánh giá cao học sinh đặt câu hỏi trong giờ học về cả bài học lẫn các vấn đề liên quan, điều này cho thấy những đứa trẻ có sự ham học hỏi và tập trung vào kiến thức mình đang tiếp thu.
Chính vì vậy chúng thường có sự hiểu biết nổi trội, giữ thái độ học tập không ngừng ngay cả sau khi tốt nghiệp. Giáo viên họ Lý đánh giá, tư duy và thói quen này sẽ đưa các học sinh này đi xa và ngày càng thành công hơn.
Trẻ lạc quan bất chấp khó khăn
Thầy Lý từng chứng kiến nhiều đứa trẻ có tâm lý yếu, dễ bỏ cuộc ngay khi vừa trải qua một chút thất bại. Điều này có thể do tính cách và môi trường xung quanh tác động, dẫn đến sự chán nản thậm chí trượt dài nếu gặp chuyện không đúng ý mình.
Một học giả người Mỹ từng nghiên cứu về chỉ số nghịch cảnh, nói đến khả năng hồi phục sau khó khăn. Sẽ có những đứa trẻ không sợ thử thách, sẵn sàng đối diện với thất bại và đứng dậy khi vấp ngã nhưng cũng có nhiều trẻ có xu hướng né tránh thử thách và phục hồi kém hơn.
Càng ít sợ thất bại thì tương lai những đứa trẻ càng có sự tự tin, dám dấn thân và kiên trì vượt qua mọi rào cản trên con đường chinh phục mục tiêu. Để trau dồi khả năng này cho con, cha mẹ cần dạy con cách khắc phục khó khăn, sửa chữa lỗi lầm bản thân gặp phải, đồng thời động viên tạo động lực cho trẻ không ngừng cố gắng theo đuổi ước mơ của chính mình.