Giao tranh tại Libya “tồi tệ nhất trong 2 năm qua”: Nguy cơ xung đột lan rộng

Đình Nam |

Đợt giao tranh ngày 27/8 ở thủ đô Tripoli được đánh giá là “tồi tệ nhất trong 2 năm qua” có thể làm hỏng mọi thành quả hòa giải của Liên Hợp Quốc và nhiều nước cho các bên ở Libya trong nhiều năm, khi xung đột đứng trước nguy cơ lan rộng.

Giao tranh đã nổ ra tại nhiều quận ở thủ đô Tripoli của Libya, giữa các lực lượng vũ trang của 2 chính quyền đối địch trong ngày hôm qua (28/8), khiến ít nhất 23 người thiệt mạng và hơn 140 người bị thương.

Chính phủ Thống nhất Quốc gia (GNU) của Thủ tướng Abdulhamid Dbeibah cho biết, giao tranh nổ ra tại Tripoli là do các cuộc đàm phán để “tránh đổ máu” thất bại.

Giao tranh tại Libya “tồi tệ nhất trong 2 năm qua”: Nguy cơ xung đột lan rộng - Ảnh 1.

Khối bốc lên ở thủ đô Tripoli, Libya ngày 27/8. Ảnh: Reuters

Đây là chính phủ được thành lập trong tiến trình hòa bình Libya được Liên Hợp Quốc dẫn dắt, có nhiệm vụ giám sát và tổ chức cuộc bầu cử được lên kế hoạch vào tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên cuộc bầu cử này không thể diễn ra do các bên mâu thuẫn về luật bầu cử. Với tuyên bố nhiệm vụ của Chính phủ Thống nhất Quốc gia đã hết, Quốc hội Libya được đặt tại miền Đông đã bầu ông Fathi Bashagha làm Thủ tướng mới từ tháng 2, song bị Chính phủ Thống nhất Quốc gia từ chối chuyển giao quyền lực.

Bất chấp nhiều cuộc đối thoại diễn ra nhưng không thành, giao tranh đã xảy ra khi các lực lượng vũ trang ủng hộ Thủ tướng mới Fathi Bashagha tiến vào thủ đô từ 3 hướng. Các cuộc giao tranh súng máy hạng nặng và súng cối đã xảy ra trong đêm 26/8 và cả ngày 27/8 tại Tripoli, khiến nhiều tòa nhà bị hư hại. 6 bệnh viện được thông báo bị tấn công khiến xe cứu thương không thể tiếp cận được các khu vực giao tranh. 64 gia đình phải sơ tán, mọi cửa hàng trên khắp các tuyến phố tại Tripoli đóng cửa.

Một số nguồn tin địa phương cho biết, 300 xe của lực lượng từ miền Đông Libya đang tiến về thủ đô, làm dấy lên lo ngại xung đột sẽ tiếp tục leo thang. Đến thời điểm hiện tại, nguồn y tế mới xác nhận được 23 người đã thiệt mạng và khoảng 140 người khác bị thương trong các vụ giao tranh.

Hiện Liên Hợp Quốc đã bày tỏ quan ngại về tình hình. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, LHQ “đang theo dõi các diễn biến đáng lo ngại ở Libya, trong đó có các động thái huy động lực lượng, đe dọa sử dụng vũ lực nhằm đạt các mục đích chính trị”.

Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, điều rất quan trọng ở thời điểm hiện tại là giảm căng thẳng và mọi người đều chú ý những nhu cầu của người dân - là hòa giải chính trị và hòa bình.

Phái bộ Liên Hợp Quốc tại Libya chỉ trích các cuộc pháo kích “bừa bãi” vào các khu vực đông dân cư, kêu gọi các bên chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch.

Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có sự hiện diện quân sự xung quanh Tripoli và giúp các lực lượng chính quyền tại thủ đô Tripoli chống lại cuộc tấn công từ miền Đông vào năm 2020 cũng kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức. Đây cũng là lời kêu gọi của Đại sứ quán Mỹ tại Libya, với lời lên án sự leo thang bạo lực.

Tổng thư ký Liên đoàn các quốc gia Arab Ahmed Aboul-Gheit và Bộ Ngoại giao Algeria kêu gọi tất cả các bên ở Libya ngay lập tức chấm dứt bạo lực và đối thoại với tất cả trách nhiệm.

Còn với người dân Tripoli – họ kêu gọi sự đảm bảo an toàn và một cuộc bầu cử nhanh chóng được tổ chức để chấm dứt sự chia rẽ và xung đột:

“Những người đang ở Tripoli đang là nạn nhân, chúng tôi đang phải trả giá cho các cuộc xung đột. Tripoli có khoảng 3 triệu dân – chúng tôi không ủng hộ chính quyền nào. Chúng tôi muốn một cuộc bầu cử - đó là giải pháp duy nhất cho Libya”.

“Mọi thứ có vẻ lắng xuống sau hơn 1 ngày giao tranh nhưng người dân ở đây vẫn lo sợ rằng Libya lại đang bên vờ vực của chiến tranh và xung đột toàn diện”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại