Phó Giám đốc cơ quan quản lý cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng của chính quyền thành phố Silvia Halim cho biết trong khuôn khổ phát triển của Nusantara, việc đưa vào sử dụng phương tiện giao thông công cộng sẽ là một quá trình diễn ra từ từ, theo từng giai đoạn, đồng bộ với sự gia tăng dân số.
Theo chỉ thị của Tổng thống Indonesia Joko Widodo, hệ thống BRT sẽ là phương thức vận tải công cộng chính ở Nusantara. BRT là hệ thống vận tải công cộng mang lại khả năng di chuyển nhanh chóng, thoải mái và giá cả phải chăng trong các khu vực thành thị. Hệ điều hành, công nghệ, tuyến dịch vụ và vị trí điểm dừng xe buýt sẽ được quy định dựa trên tính toán về nhu cầu vận tải và phạm vi vận chuyển.
Indonesia xây dựng tầm nhìn thủ đô mới với giao thông xanh và bền vững. Nguồn: Tempo
Tầm nhìn tương lai của Nusantara dựa trên nguyên tắc “thành phố 10 phút”. Ý tưởng quy hoạch đô thị này đảm bảo rằng các khu vực công cộng, bao gồm cả các trung tâm giao thông, có thể được tiếp cận trong vòng 10 phút đi bộ từ bất kỳ khu dân cư nào. Mục tiêu là làm cho giao thông công cộng dễ tiếp cận hơn, thuận tiện hơn và do đó hấp dẫn hơn đối với người dân, khuyến khích người dân không sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giảm tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm.
Tuy vậy, chính quyền thành phố cũng cho biết, mặc dù xe buýt và hệ thống BRT sẽ là phương tiện giao thông công cộng chính trong tương lai gần nhưng khi dân số thủ đô mới tiếp tục tăng, chính quyền thành phố sẽ linh hoạt chuyển sang vận tải đường sắt.
Với tầm nhìn hướng tới tương lai và cam kết phát triển giao thông công cộng bền vững, hiệu quả, Nusantara được kỳ vọng sẽ là một thành phố kiểu mẫu. Sự ra đời của hệ thống BRT và áp dụng nguyên tắc “thành phố 10 phút” báo hiệu một kỷ nguyên mới trong giao thông công cộng - một kỷ nguyên không chỉ đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng mà còn góp phần tạo ra một tương lai xanh và bền vững hơn.