Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng con mình đến tuổi dậy thì mới bắt đầu nổi loạn nhưng trên thực tế với những đứa trẻ chưa đến tuổi dậy thì cũng có giai đoạn nổi loạn, đặc biệt với trẻ khoảng 2 tuổi chính là giai đoạn bùng nổ nhất.
Hầu như bố mẹ nào cũng đều sợ hãi không chỉ vào thời dậy thì của lứa tuổi mới lớn mà còn vào thời khủng hoảng tuổi lên 2. Đoạn hội thoại dưới đây của cặp mẹ con giúp chúng ta hiểu phần nào về trường hợp này:
Mẹ: Đồng Đồng, đi chậm thôi con, đừng chạy!
Đồng Đồng: (lúc này đã bắt đầu thục mạng chạy lao về phía trước)
Mẹ: Uống sữa xong thì đi ngủ nhé!
Đồng Đồng: Không, con không muốn.
Mẹ: Con không được phép làm điều này.
Đồng Đồng: (đương nhiên là vẫn làm).
Đúng vậy, đây là giai đoạn nổi loạn đầu tiên của trẻ. Bố mẹ nào đã từng trải qua sẽ biết được rằng, chúng không chỉ nổi loạn mà còn rất khó chịu, có trẻ còn nói leo, còn hỗn hào trong giai đoạn này. Và đây chính là giai đoạn thích hợp nhất để giáo dục.
Giáo sư tâm lý học tội phạm nổi tiếng Lý Mai Cẩn cho biết: Một khi đứa trẻ bắt đầu “nói lại", bố mẹ phải học nói 3 câu này, tương lai con sẽ có lợi ích vô hạn, cuộc đời xán lạn được nhiều người ngưỡng mộ.
01. Không được nói chuyện với bố/mẹ như thế này
Nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải bố mẹ nào cũng nói được câu nói này. Đừng phớt lờ với thái độ cãi lại đầu tiên của trẻ, vì lúc này là phản xạ tự nhiên trong giai đoạn nổi loạn của chúng, nếu bố mẹ không đáp lại, chúng sẽ coi như điều đó bình thường. Nhưng nếu bạn phản ứng thái quá, thì việc này sẽ hoàn toàn khơi dậy tính ham muốn nổi loạn của trẻ.
Việc giáo dục con cái luôn là điều mà chúng ta cần nghiên cứu và học tập mỗi ngày. Làm thế nào để lựa lời nói chuyện với trẻ một cách có chừng mực và khiến chúng thấu hiểu.
Và điều quan trọng nhất đối với bố mẹ, chính là khi con cãi lời, trước tiên bố mẹ phải “bật chế độ" nghiêm túc. Sau đó ngồi xuống nói chuyện và giải thích cho trẻ hiểu, đại loại những câu như: Sau này con không được nói chuyện với mẹ như thế, nói như thế là rất thô lỗ, sẽ khiến mẹ đau lòng, mẹ sẽ rất buồn,...
02. Bố/mẹ biết con rất giận, nhưng hãy nói cho bố/mẹ suy nghĩ của con được không?
Khi trẻ cãi lời, hoặc có những thái độ quá quắt chắc chắn là do bố mẹ đang không làm hài lòng chúng. Những lúc này, bố mẹ cần phải xem xét suy nghĩ của trẻ, đừng thấy trẻ tỏ thái độ là quát mắng, cầm roi lên đánh.
Nhiều bậc phụ huynh thật sự gặp nhiều vấn đề trong việc giáo dục con cái. Bởi lẽ, những người này chỉ luôn quan tâm đến cảm xúc bản thân mà không chịu lắng nghe ý kiến và suy nghĩ của con cái, chính vì điều này đã khiến con tức giận, nổi loạn và tự đi theo con đường của riêng mình.
Vì vậy, những lúc trẻ có thái độ như thế, bố mẹ phải nói trước: “Bố/mẹ biết con đang giận, nhưng hãy nói cho bố/mẹ biết con đang nghĩ gì?”, sau đó cùng ngồi lại và hướng dẫn trẻ phải làm thế nào để giải quyết vấn đề. Đây mới là cách giáo dục đúng đắn.
03. Con mà như thế này thì không ai thương con đâu
Trên thực tế, trẻ con rất đơn giản, chúng chỉ muốn bày tỏ những suy nghĩ, những bất đồng của bản thân, và không muốn bị người khác ghét bỏ, đặc biệt là bố mẹ và người thân.
Trẻ con ở độ tuổi nhỏ này rất quan tâm đến thái độ của bố mẹ, nhưng lúc chúng như thế, có đứa sẽ biết mình sai và xem bố mẹ sẽ đối với chúng như thế nào. Khi bố mẹ phát hiện trẻ có vấn đề gì đó không ổn, thì hãy nhanh chóng sửa sai, lớn lên chúng sẽ thật sự kính trọng bố mẹ và đương nhiên điều này sẽ rất có lợi cho con đường tương lai sau này.
Vì vậy, khi trẻ cãi lại hay hỗn hào, bố mẹ khoan hãy tức giận mà hãy suy ngẫm về điều đó trước. Hầu hết, trẻ em có hành vi này vì muốn bố mẹ chú ý.
Những đứa trẻ ở độ tuổi này rất cần sự quan tâm của bố mẹ. Nếu chúng có thái độ này chính là chúng đang cảm thấy bất an, lúc này bố mẹ hãy xem lại mình đã dành thời gian nhiều cho con chưa, có hay phớt lờ con không?
Ngoài ra, còn một nguyên nhân khiến trẻ con hay tranh luận, cãi lại là vì bị bố mẹ bỏ ngoài tai những gì chúng nói.
Có nhiều bậc phụ huynh luôn cho rằng mình nói gì và làm gì cũng đúng, không bao giờ coi trọng cảm xúc của con cái, họ chỉ nghĩ rằng mình chẳng làm hạị gì con cả, mọi lời nói và hành động đều vì lợi ích của con.
Song thực tế lại không như vậy, trẻ con cũng có quyền tự chủ cuộc sống của mình, vì vậy chúng ta nên cố gắng lắng nghe những tâm sự bên trong trẻ. Nếu không, trẻ sẽ như những chiếc lò xo, càng ép càng nẩy.