Giáo sư tâm lý học giải thích hiện tượng "giang hồ mạng": Tại sao có người chỉ hùng hổ trên mạng?

Thanh Long |

Hoàn toàn có cơ sở khoa học để nói: "Trước Cơ Thiếu Hoàng không có Cơ Thiếu Hoàng, sau Cơ Thiếu Hoàng có vô vàn Cơ Thiếu Hoàng. Cơ Thiếu Hoàng không phải là một người mà là một hệ tư tưởng".

Đã bao giờ bạn gặp một người như vậy chưa? Người thường xuyên livestream, đăng bài hoặc bình luận trên mạng xã hội với thái độ rất hùng hổ. Họ không ngại nhảy bổ vào bất cứ cuộc tranh luận nào, không sợ va chạm với bất kỳ ai và có thể sử dụng mọi ngôn từ mang tính chất kích động bạo lực.

Thế nhưng, khi bạn gặp họ ngoài đời thì lại khác. Đột nhiên, bạn thấy những người này tỏ ra vô cùng lịch sự, họ nói năng nhỏ nhẹ, tiết kiệm ngôn từ. Điều này thậm chí có thể khiến bất cứ ai gặp lần đầu cũng nhận xét họ là người có phần dè dặt và nhút nhát.

Không khỏi bất ngờ với phiên bản ngoài đời thực của họ, có lẽ bạn sẽ phải tự hỏi: Liệu đây có đúng người mà mình biết trên mạng xã hội hay không? Bước ra khỏi những chiếc màn hình và nói chuyện mặt đối mặt, điều gì đã khiến họ trở thành một con người khác so với khi sử dụng bàn phím?

Giáo sư tâm lý học giải thích hiện tượng

Ảnh minh họa.

Thực tế là: Mọi người đều có xu hướng cư xử trên mạng rất khác so với họ khi ở ngoài đời thực. Không phải đợi tới thời đại của Facebook để các nhà tâm lý học biết đến hiện tượng này.

Ngay từ năm 2001, John Suler, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Rider đã để ý cách mọi người cư xử trên không gian mạng, khi nó mới còn là một vùng đất sơ khai của email, Yahoo chat và các diễn đàn trực tuyến.

Ông nhận thấy việc giao tiếp trên mạng có 6 đặc điểm khác với khi mọi người giao tiếp trực tuyến, bao gồm:

1. Tính ẩn danh phân ly (Dissociative anonymity)

Khái niệm này nói rằng môi trường trực tuyến cho phép mọi người giao tiếp với một danh tính được tiết lộ hạn chế, hoặc thậm chí hoàn toàn bí mật.

"Khi mọi người ở trên internet, không dễ gì để một người khác bắt gặp và xác định ngay được danh tính của họ", Suler viết. "Nếu muốn, người ta có thể giấu kín một phần hoặc toàn bộ danh tính của mình. Họ cũng có thể tự thay đổi cho mình một danh tính khác".

Vì vậy, bạn có thể nghĩ rằng mình nhìn thấy ai đó trên mạng xã hội, biết tên của họ, ảnh của họ, thậm chí địa chỉ IP của họ, nhưng tất cả những dữ liệu này đều có thể là giả.

Giáo sư tâm lý học giải thích hiện tượng

Ảnh minh họa.

Suler gọi điều này là tính ẩn danh phân ly, nghĩa là con người trên mạng tách biệt với con người thật. Điều này cho phép một người sử dụng danh tính khác để thực hiện các hành vi mà họ sẽ không bao giờ làm ngoài đời thực, từ việc mạnh mẽ thể hiện bản thân, quan điểm chính trị cho tới sử dụng lời lẽ gây hấn, thô tục, kích thích bạo lực.

Điều thú vị là ngay cả khi mọi người tiết lộ danh tính thật của mình trên mạng và mọi người đều biết đến họ, Suler nói vẫn có một hiệu ứng phân ly danh tính trong đó danh tính trực tuyến của người sử dụng internet tách biệt với danh tính thật của họ.

Ông gọi đây là "cái tôi trực tuyến", "một cái tôi bị chia ngăn". Điều đó có nghĩa là trong trường hợp một người làm gì đó trên môi trường trực tuyến và để lại hậu quả, họ hoàn toàn có thể chối bỏ trách nhiệm, không chỉ với người khác mà trong chính thâm tâm suy nghĩ của họ.

"Mọi người thậm chí có thể tự thuyết phục bản thân rằng những hành vi trực tuyến đó "hoàn toàn không phải của tôi"", Suler viết.

2. Tàng hình (Invisibility)

Yếu tố thứ hai đóng góp vào thái độ khác biệt của mọi người trên mạng xã hội là việc họ không bị nhìn thấy hoặc có cảm giác mình không bị nhìn thấy.

"Trên nhiều môi trường trực tuyến, đặc biệt là những môi trường dựa trên văn bản, mọi người không thể nhìn thấy nhau. Khi bạn truy cập các trang web, bảng tin thậm chí một số phòng trò chuyện, những người khác thậm chí không thể biết bạn đang có mặt", Suler viết.

"Khả năng tàng hình này mang lại cho mọi người sự can đảm để đi đến những nơi và làm những việc bình thường họ sẽ không làm ngoài đời thực".

Giáo sư tâm lý học giải thích hiện tượng

Ảnh minh họa.

Mặc dù sự tàng hình nghe có vẻ khá giống với tính ẩn danh, nhưng Suler cho biết có những khác biệt quan trọng về cấp độ tâm lý giữa hai khái niệm đó. Ẩn danh là sự hiện diện vô danh tính, trong khi tàng hình nghĩa là một người có danh tính thật trên mạng, nhưng họ có thể nói chuyện, hành xử như không ai nhìn thấy mình bởi chính họ cũng không nhìn thấy người khác.

Điều này sẽ cho họ sự tự tin khi không phải nhận một cái cau mày, một cái lắc đầu hay việc nghe thấy tiếng thở dài của người đối diện. Theo Suler, những ngôn ngữ cơ thể, đặc biệt là ánh mắt của mọi người trong môi trường thực tế đang ngăn cản nhiều người nói ra suy nghĩ của mình.

Bây giờ, với việc ngồi phía sau một màn hình, trên mạng xã hội, những người này có thể thoải mái thể hiện bản thân họ. "Khả năng trở nên vô hình về mặt vật lý sẽ khuếch đại những gì đang ức chế một người", Suler viết. Và họ có thể tuôn tất cả những ức chế đó ra trên mạng xã hội,

3. Sự mất đồng bộ (Asynchronicity)

Sự mất đồng bộ khi giao tiếp trên mạng được Suler định nghĩa là "việc không phải đối phó với những phản ứng tức thời của ai đó". Khác với giao tiếp ngoài đời thực, khi bạn nói ra một điều gì đó, bạn sẽ nhận lại một phản hồi của người đối diện. Phản hồi này sẽ điều chỉnh hành vi tiếp theo của bạn.

Suler gọi nó là "vòng phản hồi liên tục" trong giao tiếp mặt đối mặt, và nó thường "định hình một cách mạnh mẽ dòng chảy bộc lộ bản thân và biểu hiện hành vi của bạn", tuân thủ theo các chuẩn mực xã hội.

Giáo sư tâm lý học giải thích hiện tượng

Ảnh minh họa.

Ví dụ, một cuộc tranh luận có thể nhanh chóng chuyển sang trạng thái tranh cãi, thậm chí ẩu đả ngoài đời thực, nếu một người chuyển từ ngôn ngữ thông thường sang ngôn ngữ kích động bạo lực, tấn công cá nhân hoặc xúc phạm người đối diện mà họ đang giao tiếp.

Chửi thề với một ai đó có thể khiến bạn nhận về một cú đấm ngay tức thời, nhưng chửi thề trên mạng thì không. Sự mất đồng bộ này sẽ bảo vệ bạn, cho bạn cảm giác được an toàn, vì một cú đấm không thể tự dưng nhảy ra khỏi màn hình, bạn sẽ tự tin phá vỡ các chuẩn mực xã hội mà không sợ phải nhận về hậu quả, ít nhất là ngay lập tức.

Ngược lại, nếu là một cuộc tranh cãi ngoài đời thực, các cá nhân khi giao tiếp mặt đối mặt sẽ phải tính toán đến mọi tình huống, trong đó có những hậu quả mà họ có thể phải nhận ngay tức thời để điều chỉnh lời nói và hành vi tiếp theo của mình.

Điều này sẽ khiến họ dè chừng hơn, đặc biệt là trong tình huống họ muốn tránh va chạm và đụng độ.

4. Tự phóng chiếu duy ngã (Solipsistic introjection)

Khái niệm này được Suler đưa ra, thoạt nghe rất khó hiểu, nhưng nếu được giải thích, bạn sẽ thấy nó không quá phức tạp.

Đầu tiên, duy ngã (Solipsistic) có nghĩa là một bản ngã duy nhất. Nó là một quan điểm triết học cho rằng chỉ có bản thân mỗi người và tâm trí trong đầu người đó là có thực. Mọi thực thể khác bên ngoài bản thân bạn, bao gồm suy nghĩ của người khác đều không tồn tại vì bạn không thể biết chắc về sự tồn tại của chúng.

Giáo sư tâm lý học giải thích hiện tượng

Ảnh minh họa.

Ví dụ, khi bạn nghĩ về một quả táo, bạn biết chắc rằng suy nghĩ về một quả táo của bạn là thực. Nhưng khi người khác nói rằng họ đang nghĩ về một quả táo, bạn sẽ không biết chắc họ có đang nghĩ về quả táo đó hay không. 

Ngay cả khi bạn tin và nghĩ rằng họ đang nghĩ về một quả táo, đó vẫn chỉ là suy nghĩ trong đầu bạn. Nó có nghĩa là "Bạn nghĩ người đó đang nghĩ về một quả táo". Chứ không chắc chắn rằng "Người đó đang nghĩ về một quả táo".

Tự phóng chiếu (introjection) là việc đưa quan điểm, động cơ, thái độ của một người khác vào thế giới nội tâm của bạn và tự diễn giải nó một cách vô thức. Ví dụ, khi bạn nghĩ ai đó nghĩ về một quả táo, bạn có xu hướng đoán rằng họ nghĩ về một quả táo màu đỏ, theo vô thức của bản thân bạn.

Suler nhận ra rằng trên môi trường internet, khi việc giao tiếp được thực hiện qua màn hình, thiếu các tín hiệu mặt đối mặt, mọi người càng có xu hướng tự phóng chiếu người đối diện vào bên trong bản ngã của mình.

Ví dụ, khi bạn đọc một bình luận trên mạng, bạn có xu hướng đọc thầm chúng trong đầu bằng giọng nói của chính bạn. Điều này đặc biệt đúng với bình luận của những người xa lạ, sử dụng tài khoản ẩn danh hoặc những người mà bạn chưa gặp ngoài đời.

Giáo sư tâm lý học giải thích hiện tượng

Ảnh minh họa.

Sự hiện diện của những người khác trên mạng xã hội bị bạn biến thành một nhân vật trong thế giới nội tâm của chính bạn. Nếu người đó không có tên thật, tưởng tượng của bạn sẽ tự gán tên thật cho họ, nếu tài khoản người đó không có ảnh đại diện, não bộ của bạn sẽ tự tưởng tượng ra một hình ảnh mà bạn cho là kiểu mẫu người đó.

Do đó, khi bạn cãi nhau với một người lạ trên mạng, nó gần như là việc bạn đang cãi nhau với nhân vật trong nội tâm của chính mình. Điều này diễn ra trong vô thức mà bạn không hề hay biết.

Và như Suler nói "trí tưởng tượng của mỗi người đều là một nơi an toàn, mọi người có thể tự do nói và làm những điều mà trong thực tế họ không làm trong đó". Các cuộc độc thoại nội tâm với nhân vật nội tâm mà bạn đang phóng chiếu cho bạn sự can đảm để "dệt nên" một vở kịch hoặc một tiểu thuyết theo ý mình mà không cần biết người khác đang nghĩ gì.

5. Trí tưởng tượng phân ly (Dissociative imagination)

Đây là một cấp độ khác khái niệm tính ẩn danh phân ly, mà một số người dùng mạng xã hội có thể đạt tới.

Đầu tiên, họ phân ly bản thân mình trên mạng với bản thân mình ngoài đời thực, coi đó là hai thực thể khác biệt nhau. Bước hai, họ phân ly thế giới tưởng tượng, tự phóng chiếu của họ với thế giới thực.

"Một số người coi cuộc sống trực tuyến trên internet của họ như một loại trò chơi điện tử, nơi các chuẩn mực và quy tắc ngoài đời thực không áp dụng vào", Suler viết.

"Một khi họ tắt máy tính và quay lại với công việc thường ngày, họ tin rằng họ có thể bỏ lại trò chơi và cả danh tính trong trò chơi của mình. Họ từ chối trách nhiệm của mình về những gì xảy ra trong thế giới tưởng tượng đó, nghĩ rằng chúng không liên quan gì đến thực tại".

Giáo sư tâm lý học giải thích hiện tượng

Ảnh minh họa.

Trí tưởng tượng phân ly rõ ràng sẽ thúc đẩy nhiều hành vi thiếu lành mạnh trên không gian mạng, khi mọi người chỉ coi nó như một trò chơi. Họ nói rằng họ "chơi" Facebook chứ không coi Facebook như một kênh phát ngôn chính thống, nghiêm túc của mình. Việc "chơi" mạng xã hội cho phép nhiều người tự phá vỡ những chuẩn mực xã hội, ngay trên chính mạng xã hội.

6. Giảm thiểu thẩm quyền (Minimization of authority)

Có thể bạn đã nghe đâu đó câu: "Trước Cơ Thiếu Hoàng không có Cơ Thiếu Hoàng, sau Cơ Thiếu Hoàng có vô vàn Cơ Thiếu Hoàng. Cơ Thiếu Hoàng không phải là một người mà là một hệ tư tưởng".

Trên mạng xã hội Việt Nam, câu nói này dùng để ám chỉ đến một hiện tượng phổ biến, trong đó, một người lên mạng xã hội tranh luận một cách "ngây thơ" với một người nổi tiếng, người có chuyên môn, được xã hội công nhận mà không biết tới "thẩm quyền" của người đó.

Câu nói bắt nguồn từ sự kiện một tài khoản Facebook "Cơ Thiếu Hoàng" tranh luận với tài khoản "Nguyễn Hữu Quang Nhật" xung quanh cuộc thi Đường lên Đỉnh Olympia mà không biết Nguyễn Hữu Quang Nhật chính là một thí sinh từng lọt vào vòng chung kết năm của cuộc thi.

Trong cuộc tranh luận này, công chúng công nhận "Nguyễn Hữu Quang Nhật" là "người có thẩm quyền" còn Cơ Thiếu Hoàng thì không. Motip tương tự áp dụng cho các hiện tượng: giả làm công an gọi điện đến công an thật nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, giả làm đài truyền hình gọi điện đến biên tập viên đài truyền hình…

Giáo sư tâm lý học giải thích hiện tượng

Ảnh minh họa.

Suler định nghĩa sự giảm thiểu thẩm quyền có nghĩa là "trạng thái của một người trên môi trường trực tuyến không được người khác biết đến và có thể không gây ra nhiều tác động".

"Những nhân vật có thẩm quyền thể hiện địa vị và quyền lực của họ ngoài đời thực qua cách ăn mặc, ngôn ngữ cơ thể và trong bối cảnh môi trường của họ. Sự vắng mặt của những tín hiệu đó trong môi trường văn bản trên không gian mạng làm giảm tác động quyền lực của chúng.

Ngay cả khi mọi người biết điều gì đó về địa vị và quyền lực ngoài đời thực của một nhân vật có thẩm quyền, thì vị trí của họ cũng gây ra ít sự ảnh hưởng hơn trên mạng so với ngoài đời thực", Suler viết.

Ví dụ, không một tên lừa đảo nào dám gọi Facetime để lừa đảo công an khi hắn biết người đó là công an. "Mọi người không muốn nói ra những gì họ thực sự nghĩ khi đứng trước một nhân vật có thẩm quyền. Nỗi sợ bị chê bai và trừng phạt làm tinh thần họ sa sút.

Nhưng trên mạng, môi trường tạo ra cảm giác về mối quan hệ ngang hàng hơn—với sự xuất hiện của sự giảm thiểu thẩm quyền—mọi người sẵn sàng lên tiếng và cư xử sai trái nhiều hơn", Suler giải thích.

Giáo sư tâm lý học giải thích hiện tượng

Giáo sư John Suler, một nhà tâm lý học tại Đại học Rider, tác giả cuốn sách "Tâm lý học trên không gian mạng"

Tổng hợp cả 6 yếu tố tâm lý kể trên, Suler giải thích hiện tượng một người cư xử hoàn toàn khác trên mạng so với ngoài đời thực là "Hiệu ứng mất kiềm chế trên môi trường trực tuyến" (Online disinhibition effect).

"Đối với một số người, sự mất kiềm chế trên môi trường trực tuyến xảy ra khi họ vướng phải ít nhất một hoặc hai yếu tố đó. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, các yếu tố này giao thoa và tương tác với nhau, bổ sung cho nhau, dẫn đến hiệu ứng khuếch đại và phức tạp hơn", Suler viết.

Đó là lời giải thích cho hiện tượng tại sao trên mạng xã hội "chúng ta thường phải chứng kiến những ngôn từ thô lỗ, những lời chỉ trích gay gắt, sự tức giận, hận thù, thậm chí là đe dọa.

Hoặc mọi người có thể thoải mái ghé thăm những thế giới ngầm đen tối của internet—nơi chứa nội dung khiêu dâm, tội phạm và bạo lực— những lãnh thổ mà họ sẽ không bao giờ đặt chân tới trong thế giới thực", Suler viết.

Nguồn: Tham khảo Cyberpsychology, Behavior, and Social Networking

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại