"Giáo sư quần đùi": Cả đời chưa mua ô tô mới, thường đi ké xe và ước muốn sống 100 tuổi

Bài: Ngọc Ngân - Thiết kế: Tuệ Nhật |

Ông Trương Nguyện Thành, người được trìu mến gọi bằng cái tên “Giáo sư quần đùi” đã có những trải lòng xoay quanh quan điểm sống của mình.

Năm 1981, tại trại tị nạn Laem Sing (Thái Lan), một chàng thanh niên 20 tuổi đã dắt tay em trai đứng xếp hàng nhận thức ăn, sống cảnh màn trời chiếu đất. Có nhiều đêm, anh ngửa mặt lên trời thao thức, không có tiền cũng chẳng biết tương lai rồi sẽ như thế nào.

Đến nay, chàng thanh niên đó đã trở thành GS nổi tiếng của trường Đại học Utah (Mỹ). Tuy nhiên, ông vẫn giữ nếp sống giản đơn, ngày ngày đem thức ăn trưa đến trường, lái ô tô 15 năm tuổi.

Từ chối cuộc sống ổn định tại Mỹ, ông sắp về Việt Nam để tiếp tục cuộc hành trình đặc biệt dành cho giáo dục. Đó là ông Trương Nguyện Thành, người được nhiều người trìu mến gọi bằng cái tên "Giáo sư quần đùi".

Giáo sư quần đùi: Cả đời chưa mua ô tô mới, thường đi ké xe và ước muốn sống 100 tuổi - Ảnh 1.
Giáo sư quần đùi: Cả đời chưa mua ô tô mới, thường đi ké xe và ước muốn sống 100 tuổi - Ảnh 2.
Giáo sư quần đùi: Cả đời chưa mua ô tô mới, thường đi ké xe và ước muốn sống 100 tuổi - Ảnh 3.

Ngọc Ngân: Nói thật nhé, tôi là một người theo dõi "trung thành" của ông trên mạng xã hội. Và dường như, dù đã là Giáo sư nhưng cuộc sống của ông vẫn rất đơn giản?

GS Trương Nguyện Thành: Chiếc xe của tôi đã có 15 năm tuổi đời, chạy được hơn 200 ngàn dặm rồi, thuộc loại tốt vừa đủ. Cuộc đời của tôi đến giờ phút này chưa hề sở hữu chiếc xe ô tô mới. Lý do đơn giản là một chiếc xe mới khoảng 40.000 USD, vừa lái ra khỏi bãi đậu xe nếu bán lại thì mất 5.000 USD.

Buổi sáng, bạn chạy xe đến chỗ làm 20 phút rồi đậu ở bãi đậu xe cho phơi nắng suốt ngày. Chiều lái thêm 20 phút nữa. 5 năm sau nó mất hơn 50% giá trị của xe và xuống còn chừng 15.000 USD. Tôi thấy không đáng.

Nhưng không vì vậy mà tôi không biết cách thưởng thức cuộc sống. Tôi khẳng định mình không phải là người keo kiệt, mỗi phong cách sống đều có những cái được, mất của nó.

Ví dụ, tôi sẵn sàng lái xe 1 giờ đồng hồ để tự thưởng cho mình miếng steak đắt tiền. Hay, giường ngủ của tôi phải là loại thật tốt, thật êm bởi tôi phải dành 1/3 thời gian trong ngày ở đấy rồi.

Nhà phải ấm cúng chứ không phải thật rộng, to và dát vàng. Đôi giày leo núi của tôi phải thật là êm và bảo vệ được bàn chân.

Tôi chẳng bao giờ nhìn thương hiệu, chỉ chọn đồ tốt và xứng đáng với giá trị. Đẹp hay không đẹp, vừa hay không vừa, giá có ổn không. Lúc đó, tôi mới rút hầu bao. Tôi không cần phải thể hiện cho ai rằng tôi có tiền.

Tôi nhớ có lần, tôi đã bỏ ra 150.000 đồng đi taxi mỗi chiều, để ăn đĩa bột chiên 30.000 đồng ở ngoài vỉa hè chợ. Tôi hỏi bạn như thế có "ngu" không? Nhưng tôi đánh giá, đây là đĩa bột chiên ngon nhất nhì thành phố.

Mỗi sự lựa chọn đều có cái giá của nó. Có người nói rằng ngửi được mùi xe mới nó đáng đồng tiền và tôi cũng có thể thưởng thức mùi xe mới hay công nghệ mới bằng thuê xe ô tô mới đi chơi. Và dù bằng cách nào, thì bạn cũng phải trả giá và chấp nhận.

Tôi quan niệm thế này, việc bạn kiếm tiền và tiêu chúng vốn là hai câu chuyện khác nhau. Tôi làm giáo sư đã được 30 năm rồi, với mức sống của mình, tôi đã không cần phải đi làm nữa, có thể về hưu được rồi.

Vậy thì tại sao tôi vẫn mở công ty, dạy KiDao? Đương nhiên, tôi phải kiếm tiền chứ, đó là giá trị của tôi mà. Khả năng tôi làm ra tiền và nhu cầu cuộc sống của tôi là hai câu chuyện khác biệt.

Giáo sư quần đùi: Cả đời chưa mua ô tô mới, thường đi ké xe và ước muốn sống 100 tuổi - Ảnh 4.

Ngọc Ngân: Làm việc ở nhiều quốc gia, tiếp xúc với bạn bè quốc tế, bản thân ông hẳn cũng đã có nhiều bài học, sự chiêm nghiệm về phong cách sống?

GS Trương Nguyện Thành: Tôi xin kể bạn một vài câu chuyện. Tôi có người bạn cũng là Giáo sư. Vợ ông ấy là một bác sĩ chỉnh hình, hai vợ chồng không có con, lương hằng năm của cả hai cộng lại trên nửa triệu USD. Họ chạy xe bình thường, mặc đồ bình dân, không ai biết rằng hai vợ chồng về hưu năm 50 tuổi vì số tiền đầu tư đã quá nhiều.

Một người bạn khác của tôi từng là Giám đốc một bệnh viện tại Huế. Anh ấy đã tổ chức một buổi hội thảo gây quỹ về việc xây dựng bệnh viện dành cho trẻ em. Hôm đó, có cặp vợ chồng người Mỹ mặc quần đùi, áo thun, mang dép lào "lết phết" đến nghe.

Kết thúc hội thảo, họ mời bạn tôi đến khách sạn vào ngày hôm sau để ăn sáng, uống cà phê. Thấy hai ông bà về hưu, anh bạn tôi lịch sự đồng ý. Họ đề nghị bạn tôi kể về những bệnh nhi, cách xây dựng bệnh viện… Cuối buổi, họ kí séc cho anh ấy số tiền lên đến hàng trăm nghìn USD để thực hiện dự án, khiến anh ta gần như "bật ngửa".

Chồng của "bà đầm thép" nước Đức Angela Merkel, ông Joachim Sauer là đồng nghiệp của tôi. Vì cùng nghiên cứu chung ngành hóa tính toán, chúng tôi vẫn gặp nhau trong các hội thảo khoảng thời gian đầu khi vợ ông mới lên Thủ tướng.

Nếu có theo dõi, bạn sẽ thấy Joachim Sauer rất kiệm lời với truyền thông, tần suất xuất hiện là rất ít so với vợ/chồng của các nguyên thủ quốc gia khác.

Giáo sư quần đùi: Cả đời chưa mua ô tô mới, thường đi ké xe và ước muốn sống 100 tuổi - Ảnh 5.

Vợ chồng cựu thủ tướng Đức

Ông ấy chia sẻ rằng đi đâu cũng có cận vệ, thật sự không thoải mái lắm. "Đệ nhất phu quân" này cũng chưa từng thay đổi cách đi đứng, ứng xử và trò chuyện. Dù vợ làm Thủ tướng Đức, hai vợ chồng vẫn sống trong căn nhà bình dị mấy chục năm.

Joachim Sauer không phô trương, thích ngồi tán gẫu với bạn bè hơn là trả lời phỏng vấn báo giới. Ông ấy cho rằng làm như vậy thì "vui hơn".

Joachim Sauer là một trong 30 nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới ở lĩnh vực hóa học lượng tử. Tuy nhiên, ông thường sẽ không xuất hiện trong các sự kiện chính trị, ngoại giao với bà Merkel. Không phải ông ấy không ủng hộ, mà vì ông không thích tham gia những câu chuyện khác ngoài việc làm khoa học, thế thôi!

Bạn biết không, giới Professor (Giáo sư – PV) như chúng tôi vẫn đi ké xe nhau để tránh tắc đường, mang thức ăn trưa đi làm để tiết kiệm về thời gian. Thời gian đối với chúng tôi là quan trọng nhất!

Các đồng nghiệp của tôi rất đơn giản, họ dùng đầu óc nhiều và không có thời gian suy nghĩ cho chuyện khác. Bề ngoài không đánh giá được số tiền mà họ có. Họ làm 100.000 USD nhưng chi tiêu như thể mình chỉ kiếm được 50.000 USD.

Giáo sư quần đùi: Cả đời chưa mua ô tô mới, thường đi ké xe và ước muốn sống 100 tuổi - Ảnh 6.
Giáo sư quần đùi: Cả đời chưa mua ô tô mới, thường đi ké xe và ước muốn sống 100 tuổi - Ảnh 7.

Ngọc Ngân: Trên mạng xã hội, ông đã từng đăng bài chia sẻ về các tỷ phú nước Mỹ Steve Job, Mark Zuckerberg, Elon Musk… Có trong tay hàng triệu USD nhưng trong số họ vẫn có người ở nhà thuê, ăn mặc giản dị. Nhiều ý kiến cho rằng họ PR, và ông đã phản đối?

GS Trương Nguyện Thành: Người trong giới siêu giàu như Elon Musk, trong đầu họ quá nhiều thứ để tính toán. Mark Zuckerberg thì chỉ bận có mỗi một kiểu áo thun, Steve Jobs thì lúc nào cũng quần jean với áo thun đen. Họ không có thời gian để suy nghĩ hôm nay mặc gì, hay người khác nghĩ gì về mình.

Kể cả tôi cũng như thế, công việc của tôi phần lớn sử dụng não để suy nghĩ, vì thế tôi không muốn dành đầu óc cho mình cho những thứ linh tinh khác không có giá trị.

Còn PR hả? Họ không keo kiệt, và càng không cần gì PR. Nếu bạn biết Elon Musk đã gây dựng Paypal (dịch vụ trung gian để thanh toán và chuyển tiền quốc tế - PV) như thế nào, bạn sẽ hiểu tính cách của anh ta.

Và tại sao người ta phải sống kham khổ để PR trong khi tài khoản đã lên đến hàng tỷ USD. Một dòng tweet cũng đã đủ làm ảnh hưởng đến hàng triệu người. Họ giàu là vì khả năng họ làm ra tiền, họ sống giản dị là vì đầu óc họ có nhiều thứ để suy nghĩ, họ cần thư giãn. Người ta tính đến chuyện du hành ngoài vũ trụ thì làm sao mình biết được.

Ngọc Ngân: Tư duy này có vẻ đã khiến ông "enjoy" cuộc sống hơn?

GS Trương Nguyện Thành: Chính xác! Tôi sống thoải mái, không bị áp lực về cơm áo gạo tiền, về bề ngoài. Tầng lớp giáo sư Đại học ở Mỹ phần lớn có tư duy và phong cách sống đơn giản như thế. Họ dư sức có xe sang, nhà "ngon" nhưng … không muốn. Họ sống không quá quan trọng về mặt hình thức.

Tôi hiểu xã hội đánh giá người thành công qua vẻ bề ngoài. Nhưng đối với tôi, thành công không phải là "3 tấm 4 bánh" (nhà 3 tấm, xe 4 bánh – PV) như quan niệm xưa nay. Tôi thường hay bảo con mình rằng, con phải sống có giá trị, chứ không phải sống để thành công.

Khi người ta đặt nặng về chữ sĩ diện thì áp lực cuộc sống sẽ rất nặng nề. Bạn nên nhớ, những người chuyên đi lừa gạt đi người khác 99% đều dựng bề ngoài trước. Họ không nói về giá trị của món hàng, họ nói về lối sống giàu có của họ trước.

Ví dụ như nhờ bán món hàng này mà tôi có nhà lầu, xe hơi. Nếu người đánh giá mọi thứ bằng bề ngoài thì sẽ rất dễ bị gạt. Vì thế, tôi quan trọng lòng tự trọng, nhân cách và giá trị cốt lõi của đối phương.

Chính bản thân tôi cũng "được mời" đi đầu tư hoài. Người ta nói rằng: "Trong vòng 1 năm, anh có thể kiếm triệu USD". Họ đi xe ô tô xịn, mời tôi đến nhà hàng 5 sao. Mấy lúc đó, tôi cười thầm, nếu anh ta có những thứ đó, tại sao anh ta không đầu tư cho chính mình mà lại bỏ thời gian thuyết phục tôi đầu tư.

Giáo sư quần đùi: Cả đời chưa mua ô tô mới, thường đi ké xe và ước muốn sống 100 tuổi - Ảnh 8.

Ngọc Ngân: Từng đi bán thuốc lá dạo, làm thuê, và thậm chí là tị nạn tại Thái Lan… Có phải tuổi thơ với những cuộc vật lộn, mưu sinh đó đã cho ông những bài học đầu tiên về đồng tiền?

GS Trương Nguyện Thành: Tuổi thơ tôi có những bài học đầy khắc nghiệt từ ông nội. Tôi còn nhớ nhà ông là một ngôi nhà ba gian trong một vườn dừa rộng lớn, lợp ngói khang trang nằm gần sông Lại Giang, Bình Định. Trong vườn ông có trồng rau dền, nuôi heo. So với những đứa trẻ trong vùng, nhà ông nội thuộc loại có của ăn, của để.

Lúc tôi 5-6 tuổi, sáng sớm cuối tuần thay vì được ngủ nướng tôi phải đội rau dền mà ông Nội đã cắt và bơ sẳn ra chợ kế nhà để bán. Người dân trong vùng thấy thằng bé mời người mua rau dền xót, trách ông "lập dị, keo kiệt, bủn xỉn, tại sao giầu có còn bắt cháu nội như vậy đi bán từng bó rau không đáng bao nhiêu". Ban đầu, tôi mắc cỡ khủng khiếp nhất là khi gặp các bạn gái cùng lứa tuổi.

Nhưng dần dà, tôi bắt đầu quen, thành thục chuyện mua bán. Rồi thì ông không còn bắt tôi đi bán nữa lúc nào tôi cũng không nhớ. Ông nội từng kể cho tôi nghe rằng ông cố tôi từng làm quan thời triều đình và giàu có.

Sau khi ông cố mất, bà cố không quán xuyến được mất hết gia sản. Ông nội là người làm việc rất cực khổ từ nhỏ để gây dựng lại. Đối với ông, tiền có đó rồi sẽ mất đó, quan trọng nhất là biết cách tạo ra đồng tiền.

Chính tôi cũng không ngờ nó là hành trang quý giá để tôi bước vào quãng đời đầy sóng gió, khi gia đình gặp biến cố. Nói thật, tôi đi bán thuốc lá dạo cũng không thấy khó khăn, làm mướn cho những người chủ điền họ cũng thương.

Thời gian tị nạn ở Thái Lan, tôi sống trong cảnh màn trời chiếu đất, ngủ ngoài đường, trong chùa, trong nhà thờ khi trong túi không có tiền. Ban ngày, tôi sếp hàng nhận lương thực cấp phát rồi ghé gia đình của ông chủ tàu nấu nhờ. Tối đến, tôi và em trai lúc ấy 14 tuổi nếu không ngủ ở chùa, thì nhà thờ, còn không được thì cả hai ngủ ngoài đường.

Tôi đã vượt qua từng ngày như thế. Đến giờ phút này, tôi vẫn thầm cảm ơn ông nội dạy cho tôi biết cách vượt qua những khó khăn không cảm thấy sốc, khổ sở, hay bỡ ngỡ.

Giáo sư quần đùi: Cả đời chưa mua ô tô mới, thường đi ké xe và ước muốn sống 100 tuổi - Ảnh 9.

Ngọc Ngân: Điều này cũng được thể hiện trong cách ông dạy con?

GS Trương Nguyện Thành: Tôi có hai đứa con trai. Đứa lớn Taki bị bệnh tự kỷ từ nhỏ nên còn nhiều thử thách để dạy cho con biết tính toán. Đứa nhỏ Takara thì phát triển binh thường.

Tôi dạy Takara biết so sánh giá, tự học cách chi tiêu, đắn đo khi dùng tiền. Thay vì mua đồ chơi cho con, tôi cho con một khoản tiền mỗi tháng và nói: "Con tự dùng tiền mua đồ chơi, vì con giỏi nên ba thưởng. Lố khoản tiền đó, con không được hỏi ba nữa".

Ngày con tôi còn bé, tôi thường nói con tự làm gì đó chứ không mua quà sinh nhật cho Ba. Có lần chúng lấy kẽm vẽ nguệch ngoạc dòng chữ: "Happy Birthday Dad!", ấy vậy mà tôi vui lắm. Tôi trân trọng những kỉ niệm, món quà mà chúng đã tự tay làm nên. Mỗi lần nhìn thấy những món quà ấy, tôi cảm thấy hạnh phúc.

Giáo sư quần đùi: Cả đời chưa mua ô tô mới, thường đi ké xe và ước muốn sống 100 tuổi - Ảnh 10.

Lần khác, tôi "thử" con bằng cách đặt ra tình huống xem con quyết định thế nào. Mùa hè năm đó, Takara ra trường và chúng tôi bàn nhau về chuyến đi du lịch bằng xe đạp. Tôi nói: "Con hãy xem như đây là món quà bố tặng con.

Con có hai sự lựa chọn. Một là đi châu Âu, nó có tuyến đường rất đẹp, từ bờ biển Đại Tây Dương và đi vào một phần Địa Trung Hải. Cung đường này sẽ đưa con qua nhiều quốc gia, khoảng 3000 cây số. Hai là, con cùng bố đạp xe đi từ cực Bắc đến cực Nam của Việt Nam".

Và bạn biết sao không, nó chọn cách thứ hai. Đối với nó, du lịch không phải là thụ hưởng những gì xa hoa, sang trọng, đẳng cấp nhất, mà phải có sự thoải mái. Tại đó, nó có thể leo núi, băng rừng, và nhìn những thứ nó chưa được nhìn thấy. Đồng thời, chi phí lại rẻ hơn nhiều.

Giáo sư quần đùi: Cả đời chưa mua ô tô mới, thường đi ké xe và ước muốn sống 100 tuổi - Ảnh 11.

Giáo sư Trương Nguyện Thành đạp xe xuyên Việt cùng con trai

Giáo sư quần đùi: Cả đời chưa mua ô tô mới, thường đi ké xe và ước muốn sống 100 tuổi - Ảnh 12.

Ngọc Ngân: Năm 2020, ông chọn cách rời trường Đại học Văn Lang TP.HCM vì lý do dịch Covid-19, không chu toàn được công việc. Hiện tại, cuộc sống ở Mỹ của ông thế nào?

GS Trương Nguyện Thành: Ngày 2/4/2020, tôi bị mắc Covid-19 với tất cả các triệu chứng sốt, ho, khó thở… Tôi không đến nỗi nguy kịch nhưng đã biết lo lắng hơn cho sức khỏe của mình.

Tôi tìm hiểu nhiều hơn về hoạt động cơ thể con người và đặc biệt về thần kinh học cũng như tìm cách khai thác các chức năng phổi hậu Covid-19 và sáng tạo ra môn thể dục KiDao. Tôi đã thực hiện một vài video để truyền tải nó.

Đồng thời, tôi cũng đang hoàn thành khóa dạy cuối cho trường Đại học Utah (Mỹ). Sau khi kết thúc công việc ở đây, tôi quyết định về hưu sớm dù làm GS Đại học ở Mỹ không có tuổi về hưu nhưng tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho giáo dục Việt Nam.

Ngọc Ngân: Có nghĩa rằng, ông chuẩn bị bước vào một hành trình mới ở tuổi 60. Động lực nào đã khiến ông từ chối cuộc sống hưu trí tại Mỹ?

GS Trương Nguyện Thành: Tôi thấy sinh viên Việt Nam trẻ, năng động nhưng ít cơ hội. Trường Đại học ở Mỹ là một cộng đồng, nhưng ở Việt Nam đa phần chỉ là chỗ để dạy. Chúng thiếu nhiều cơ hội để trưởng thành. Vì ngoài cái chuyện đến lớp, không có nhiều cái để làm ở trường. Trong khi ở Mỹ, sinh viên có thư viện, có câu lạc bộ, có phòng lab… có thể ở đấy từ sáng đến chiều.

Tôi đã từng đặt ra câu hỏi rằng, tại sao rất nhiều người Việt Nam đi ra nước ngoài thành công vượt bậc, có phải vì môi trường không? Mấy chục năm làm ở đây, tôi đã quá hiểu môi trường ở Mỹ rồi.

Nước ngoài họ đánh giá chuyện học, chuyện phát triển con người nhưng ở Việt Nam, chúng ta vẫn còn đặt nặng vấn đề hình thức, khoảng 1-2 năm gần đây mới nói đến chuyện kỹ năng.

Những ngày còn làm Hiệu phó của trường Đại học ở Việt Nam, tôi từng tìm cách thuyết phục các giáo sư ngoại Việt kiều về Việt Nam giảng dạy. Nhưng nói thật, điều này khó vô cùng. Cuộc sống ở nước ngoài của họ thoải mái và môi trường nghiên cứu và giảng dạy tốt vậy thì về Việt Nam làm cái gì? Tôi có thể mời họ dạy vài tuần, một tháng, nhưng mời luôn thì hầu như không thể. Làm sao các em sinh viên tại Đại học Đà Lạt, Quy Nhơn, hay kể cả Huế… có thể ngồi với một giáo sư người Mỹ?

Vì thế, tôi ấp ủ xây dựng nền tảng quản lý, đào tạo, giống như một cầu nối cho các tổ chức giáo dục với các giáo sư nước ngoài. Câu chuyện học trực tuyến với Google Meet hay Zoom… chỉ giải quyết ở vấn đề tương tác đồng bộ, còn việc quản lý học phần, quản lý và đánh giá học viên, tương tác bất đồng bộ và đủ thứ chuyện nữa.

Giáo sư quần đùi: Cả đời chưa mua ô tô mới, thường đi ké xe và ước muốn sống 100 tuổi - Ảnh 13.

Giáo sư Thành ở Đại học Văn Lang

Đương nhiên, khi bắt đầu một hành trình mới thì tôi cũng có đầy lo ngại. Ở tuổi của tôi, sức khỏe là điều quan trọng nhất. Bên cạnh đó, tôi cũng đã từng bị sốc văn hóa khi trở về Việt Nam. Nhưng may mắn thay, cả năm 2021 vì dịch bệnh Covid-19 nên tôi sống hơn một năm ở Việt Nam đã làm cho tôi thích nghi, hòa nhịp lại với cuộc sống hơn.

Ngọc Ngân: Tên ông là Trương Nguyện Thành. Tính đến thời điểm hiện tại, ông đã "nguyện" những điều gì, và "thành" những điều gì rồi?

GS Trương Nguyện Thành: Cái tên Trương Nguyện Thành là ông nội đặt cho tôi. Thời điểm ba tôi có tôi, ông vừa ra trường với tấm bằng cán sự y tế (tức chỉ dưới bác sĩ). Cái tên này có ý nghĩa là rằng "ước nguyện của ba đã thành".

Tôi từng ước mình được học tới nơi tới chốn, có công việc đem lại giá trị, có cơ hội phát triển bản thân, gia đình và nuôi dậy các con nên người. Những ước nguyện này đều đã thành.

Giờ đây công đã thành và danh đã toại, điều tôi ước là đem bao nhiêu kiến thức và kinh nghiệm của hơn 30 năm giảng dạy và nghiên cứu khoa học để góp phần cho phát triển giáo dục và xã hội Việt Nam. Ví dụ như đào tạo thế hệ nhà khoa học trẻ, xây dựng nền tảng MentorLinks cho giáo dục, lan tỏa môn thể dục KiDao, và làm những điều gì có ích cho xã hội mà không tạo áp lực cá nhân cho mình nữa.

À, tôi muốn mình sống khỏe đến … 100 tuổi để "chọc tức" đám trẻ chơi. Rằng "ông già" này vẫn có thể leo núi, đạp xe, tập KiDao... Thách thức đám trẻ làm cuộc sống này thú vị lắm (cười lớn).

Ngọc Ngân: Xin cảm ơn GS về phần chia sẻ này!

Giáo sư quần đùi: Cả đời chưa mua ô tô mới, thường đi ké xe và ước muốn sống 100 tuổi - Ảnh 14.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại