Giáo sư Phan Văn Trường: "Người dân thường chỉ thấy cái lợi trước mắt của nền kinh tế vỉa hè"

Hoàng Ly |

Từng giảng dạy về kinh tế đô thị và quy hoạch vùng tại Pháp cũng như một số trường đại học tại Việt Nam, Giáo sư Phan Văn Trường lý giải một cách hợp lý về nguyên nhân tồn tại của nền kinh tế vỉa hè cũng như mặt trái của nó.

Những chiến dịch làm quang vỉa hè đang động đến một "nền kinh tế" rất đặc thù. Theo ông, có cách nào tốt hơn?

Nơi nào của mình là của mình, còn không phải của mình mà tự chiếm để kinh doanh là sai. Trong một đất nước, nếu luật pháp không được áp dụng thì rất khó quản lý, và vì thế việc áp dụng luật thì tiên quyết phải tuân theo. Tuy nhiên, từ việc áp dụng luật đến quản lý đô thị, không riêng Việt Nam ở các nước cũng vậy, khi thực hiện nên báo trước cho người dân, và đánh giá việc làm đó gây ảnh hưởng như thế nào. Khi muốn thay đổi một thói quen nên cho người ta hấp thụ thói quen đó trước khi chấp hành.

Thực tế thì người dân thường chỉ nhìn thấy những thiệt hại trước mắt thôi chứ không thấy cái lợi về sau cũng không quan tâm quá nhiều đến những vấn đề đô thị mà kinh tế vỉa hè gây ra. Vì thế, nếu không có chuẩn bị thì việc làm quang vỉa hè sẽ gây nên những phản ứng nhất định. Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rằng, nếu nói rằng 3 tháng nữa sẽ dẹp kinh tế vỉa hè (khoảng thời gian quá lâu) thì mọi người sẽ có biện pháp đối phó kiểu chiếm lúc nào không có người kiểm soát, lúc có thì lại rút vào, và chuyện dẹp vỉa hè trở thành trò cười.

Giáo sư Phan Văn Trường: Người dân thường chỉ thấy cái lợi trước mắt của nền kinh tế vỉa hè - Ảnh 1.

Ngoài việc giảng dạy, Giáo sư Phan Văn Trường còn là thành viên HĐQT Công ty xây dựng và địa ốc Hòa Bình.

Ở các nền kinh tế trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan… chính quyền vẫn cho phép phát triển kinh tế vỉa hè. Vì sao vậy?

Nguyên nhân là cung cầu thôi. Lý do để cho tồn tại hàng rong ở một số nền kinh tế cũng như Việt Nam: Thuê cửa tiệm là điều không thể cho số đông người buôn bán nhỏ. Một căn nhà mặt tiền dù rất nhỏ trong thành phố có giá thuê rất cao, có thể vượt tổng số tiền thu được hàng tháng... Với người mua, họ cũng cần hàng rong. Thu nhập của một gia đình trung bình trong thành phố không cho phép phần lớn trong số họ ăn sáng hoặc ăn trưa đều đặn ở nhà hàng, chưa kể tới cuộc sống bận rộn cũng rất cần ăn nhanh rồi lại làm tiếp.

Khi có cung, có cầu và tương đối lớn thì họ sẽ không thể xóa bỏ kinh tế vỉa hè mà tìm cho nền kinh tế đó một nơi tạm để phát triển. Ngoài Việt Nam, các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc hay các nền kinh tế như Đài Loan, Hong Kong... đều có kinh tế vỉa hè.

Vậy theo ông, nên chuẩn bị cho việc thay đổi "nền kinh tế vỉa hè" như thế nào?

Theo tôi, phải nhìn nhận rằng cái giá có thể rất đắt nhưng nên nhìn 2 chiều. Nếu cứ để ăn uống trên vỉa hè thì rất mất vệ sinh và không một quốc gia nào muốn vỉa hè trở thành bãi rác. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nền kinh tế vỉa hè ở các thành phố lớn là rất lớn, tồn tại bừa bãi, trốn thuế… từ rất lâu và là nền kinh tế thật chứ không phải là kinh tế ảo. Vì thế, khi mình muốn dẹp ngay cả nền kinh tế đó cũng nên cân nhắc cách cho phù hợp.

Theo tôi, chúng ta nên dọn trước các khu đô thị đẹp mà vỉa hè bị chiếm đóng quá trắng trợn, báo trước 10 ngày cho những người kinh doanh ở đó. Trong khi có những con phố cần dọn sớm thì những con đường nhỏ, xấu hơn có thể quy hoạch thành phố đi bộ để tạm chuyển kinh tế vỉa hè tới chỗ đó: Hà Nội và TP.HCM có nhiều đường như thế. Nếu chuẩn bị tốt, có chỗ di chuyển cho những người đang sống nhờ kinh tế vỉa hè thì vẫn có thể áp dụng luật nghiêm minh mà không gây đổ vỡ quá lớn phương tiện kiếm sống của nhiều người.

Cá nhân ông nghĩ gì về nền kinh tế vỉa hè?

Tôi cũng thích mua, dùng thử các dịch vụ của "kinh tế vỉa hè" với tư cách người tiêu dùng tại Thái Lan, Hong Kong, Đài Loan…

Ngày trước, tôi đi làm ở khu vực trung tâm của Singapore (Newton Circus), khi ăn tối ở khu vực vỉa hè, mình đậu xe sai cũng bị phạt. Ở các khu ăn uống vỉa hè, họ cũng có quy hoạch rất rõ ràng về chỗ ngồi, việc rửa chén, bát, vệ sinh an toàn thực phẩm… Người tiêu dùng có thể phải trả đắt hơn một chút nhưng trật tự và an tâm hơn rất nhiều.

Ở đây, việc tổ chức nền kinh tế vỉa hè được điều chỉnh bởi luật pháp hẳn hoi. Còn ở Việt Nam thì các quy chuẩn cho một nền kinh tế vỉa hè là chưa có. Tôi nghĩ vấn đề quy hoạch đô thị này cần được xem xét và giải quyết sớm, nhất là khi đang thực hiện các chiến dịch làm quang vỉa hè ở nhiều thành phố lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại