Giáo sư Phân, thần Toilet: Người Nhật cuồng "văn hóa nhà vệ sinh" còn hơn cả công nghệ và đây là lí giải vì sao

VÂN ANH SPIDERUM |

Bất cứ ai từng có dịp thăm thú Nhật Bản đều sẽ bị choáng ngợp bởi hệ thống nhà vệ sinh của quốc gia này. Từ những bồn rửa tay sạch bóng đến những toilet có lẽ còn nhiều công năng hơn cả chiếc iPhone của bạn, rõ ràng văn hóa “nhà nhỏ” của người Nhật không chỉ gói gọn trong việc… đi cầu.

Trên thực tế, nhà vệ sinh và đặc biệt là phân còn là biểu trưng cho nhiều ý nghĩa khác nhau đối với người Nhật Bản, trong cả văn hóa truyền thống lẫn đương đại. 

Dưới đây là một vài ví dụ tiêu biểu cho những quan niệm đó.

Giáo sư Phân dạy chữ Hán (Unko Kanji Doriru)

Chữ Hán (Kanji) luôn là một phần khó nhằn trong tiếng Nhật, chưa kể đến việc trẻ em tại đây còn được yêu cầu thuộc hơn 1000 Hán tự chỉ trong cấp bậc tiểu học. 

Để việc học chữ Hán trở nên dễ thở và gần gũi hơn, các nhà giáo dục Nhật Bản đã xây dựng nên một nhân vật với tạo hình đặc biệt: Giáo sư Phân.

Giáo sư Phân, thần Toilet: Người Nhật cuồng văn hóa nhà vệ sinh còn hơn cả công nghệ và đây là lí giải vì sao - Ảnh 1.

Giáo sư Phân với bộ ria mép và cặp kính tròn đã trở nên thân thuộc với nhiều trẻ em Nhật Bản.

Thông qua tập sách Unko Kanji Doriru (tạm dịch: Luyện Hán tự cùng thầy Phân), những ví dụ chữ Hán khô khan bỗng trở nên sinh động và hài hước vì chúng đều có liên quan đến… phân. 

Giáo sư Phân đã trở thành biểu tượng nổi tiếng không chỉ tại xứ Phù tang mà còn ở ngoài quốc tế với 1,83 triệu bản của bộ sách được phát hành.

Thần Toilet

Người Nhật cho rằng trong mỗi sự vật đều tồn tại một vị thần, và nhà vệ sinh cũng không ngoại lệ. Có lẽ vị thần này đã cai quản để các toilet tại Nhật luôn luôn sạch sẽ chăng?

Giáo sư Phân, thần Toilet: Người Nhật cuồng văn hóa nhà vệ sinh còn hơn cả công nghệ và đây là lí giải vì sao - Ảnh 2.

Người Nhật tin rằng có một vị nữ thần cai quản toilet.

Trước kia, người ta thường sử dụng chất thải người để bón cho cây trong trồng trọt. Niềm tin vào một vị thần trong nhà vệ sinh (còn được gọi là kawaya kami) cũng nảy sinh từ thói quen này. 

Nhưng thực tế ngoài vai trò trên, kawaya kami còn được người Nhật tin rằng sẽ thúc đẩy sinh sản nhờ tính chất phát triển nông nghiệp.

Mỗi dịp đầu năm mới, nhiều phong tục thường được các gia đình tổ chức, để cầu kawaya kami sẽ phù hộ cho một mùa màng bội thu. 

Trong những ngày này, người Nhật sẽ ăn cơm theo miếng to - được coi là biểu tượng cho những may mắn mà thần linh để lại. 

Ngoài ra, một toilet nhất định trong căn nhà sẽ được giữ sạch sẽ và trang trí thật đẹp để tưởng nhớ vị thần đáng kính này.

Những bóng ma trong nhà vệ sinh

Đã có thần linh ắt phải có ma quỷ. Người Nhật tin rằng có nhiều linh hồn ẩn nấp trong nhà vệ sinh bên cạnh vị thần toilet đã nói trên. 

Một trong số đó là Akaname (trong tiếng Nhật có nghĩa là "kẻ liếm rác") - một con yêu tinh sở hữu cái lưỡi dài ngoằng để ăn sạch mọi rác thải. 

Còn khi đang yên vị trong nhà tắm, nếu bạn vô tình nghe thấy tiếng thì thầm hỏi rằng bạn có thích một chiếc "áo măng-tô đỏ" không, thì đừng dại dột gật đầu, vì con ma Aka-Manto điển trai nhưng độc ác sẽ xé toạc da của bạn từ phía sau lưng đấy.

Giáo sư Phân, thần Toilet: Người Nhật cuồng văn hóa nhà vệ sinh còn hơn cả công nghệ và đây là lí giải vì sao - Ảnh 3.

Akaname và Aka-Manto, hai yêu tinh đáng sợ trong toilet Nhật Bản.

Nhưng truyền thuyết nổi tiếng nhất, rùng rợn nhất về ma trong nhà tắm phải kể đến Toire no Hanako-san (tạm dịch: Hanako của toilet). 

Đây cũng là một nhân vật có nhiều dị bản khác nhau được lưu truyền trong dân gian. Nhiều người nói Hanako bị bắt nạt và nhốt lại trong một buồng toilet ở trường bởi bạn bè hoặc cha mẹ. 

Một phiên bản khác kể rằng cô là một hồn ma nhí, thiệt mạng trong một cuộc ném bom từ thời Thế chiến II.

Nếu bạn cả gan muốn trò chuyện với Hanako, hãy đi vào một phòng vệ sinh, tìm đến buồng thứ ba và gõ cửa ba lần, hỏi: "Hanako có đó không?" Chúc bạn may mắn.

Giáo sư Phân, thần Toilet: Người Nhật cuồng văn hóa nhà vệ sinh còn hơn cả công nghệ và đây là lí giải vì sao - Ảnh 4.

Đừng hoảng hốt nếu gặp phải Hanako, bạn nhé!

Phân vàng (Kin no Unko)

Ngoài những truyền thuyết đậm màu liêu trai, một số địa phương ở Nhật Bản còn tồn tại một biểu tượng may mắn với hình… cục phân. 

Theo lý giải của nhiều người, âm tiết "un" trong từ "unko" (phân) đồng âm với từ "may mắn" trong tiếng Nhật. 

Tuy ra đời khá muộn, nhưng biểu tượng cục phân vàng lại rất được ưa chuộng khi chỉ tính trong năm 2006 đã có tới 2,7 triệu móc đeo chìa khóa in hình này được bán ra.

Giáo sư Phân, thần Toilet: Người Nhật cuồng văn hóa nhà vệ sinh còn hơn cả công nghệ và đây là lí giải vì sao - Ảnh 5.

Bạn nghĩ thiết kế này tượng trưng cho điều gì?

Cũng có nhiều người cho rằng đây chính là khởi đầu của biểu tượng Pile of Poo - cục phân mỉm cười nổi tiếng toàn Internet. 

Còn nếu bạn có dịp ghé qua quận Sumida ở thủ đô Tokyo, đừng quên thăm quan hội trường của Công ty Bia Asahi nhé. 

Đây có lẽ là tòa nhà có thiết kế vô tiền khoáng hậu ở Nhật Bản khi nằm chễm chệ trên nóc là một ngọn lửa vàng có hình dạng... không khác cục phân là mấy.

Tạm kết

Văn hóa Nhật Bản thật muôn màu và thú vị, từ những giai thoại truyền thống cho đến những trào lưu không thể "chuối" hơn xoay quanh khu vực mà ai cũng tưởng mình đã biết - nhà vệ sinh.

Vậy mới thấy trí tưởng tượng của của con người ta có thể phong phú đến nhường nào.

Nguồn: The Culture Trip

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại