Giáo sư nổi tiếng: Trẻ lười học, thay vì đánh mắng cha mẹ làm 3 việc sau, kết quả sẽ khác!

Tiểu Lam |

Chuyên gia tâm lý nổi tiếng Lý Mai Cẩn cho biết, khi trẻ lười học, ghét làm bài tập về nhà, thay vì đánh mắng cha mẹ nên làm 3 việc sau.

Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình đến tuổi đi học sẽ chăm chỉ học hành và đạt thành tích tốt. Tuy nhiên thực tế cho thấy, có không ít đứa trẻ ở độ tuổi 5 - 10 tuổi chưa tự giác trong việc học tập. Thậm chí có những đứa trẻ còn thể hiện thái độ không có hứng thú thậm chí là ghét bỏ khi phải làm bài tập về nhà và lười không muốn đi học.

Giáo sư nổi tiếng: Trẻ lười học, thay vì đánh mắng cha mẹ làm 3 việc sau, kết quả sẽ khác! - Ảnh 1.

Chuyên gia tâm lý nổi tiếng Lý Mai Cẩn hiện đang là Giáo sư Tâm lý học kiêm Phó Giám đốc Ủy ban Chuyên môn Tâm lý Pháp lý của Hiệp hội Tâm lý Trung Quốc.

Thấu hiểu được nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh về vấn đề này, giáo sư tâm lý nổi tiếng Lý Mai Cẩn đã chỉ ra nguyên nhân thực sự khiến trẻ “không thích học”. Qua đó, giáo sư Lý Mai Cẩn cũng đưa ra lời khuyên đắt giá dành cho các bậc phụ huynh, đồng thời nếu muốn con mình trở nên chăm chỉ, chủ động học tập thì thay vì đánh mắng cha mẹ nên đưa con tới 2 nơi này tham quan hoặc trải nghiệm.

Giáo sư nổi tiếng: Trẻ lười học, thay vì đánh mắng cha mẹ làm 3 việc sau, kết quả sẽ khác! - Ảnh 2.

Trong cuộc sống hiện nay, có không ít phụ huynh khi thấy con chểnh mảng việc học hành thường lớn tiếng trách mắng con lười học và vô tình quên đi mất việc tìm hiểu nguyên nhân. Theo chuyên gia tâm lý cho biết, việc cha mẹ có phản ứng tiêu cực như vậy dễ khiến con trẻ cảm thấy bản thân bị ép buộc phải học tập. Từ đó hình thành tâm lý chống đối, thậm chí là ghét bỏ, lâu dần việc này sẽ ảnh hưởng xấu tới kết quả học tập của con.

Do đó, thay vì trách mắng con, đầu tiên cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân gì khiến con chán ghét việc học, tiếp đó có phương pháp xử lý khéo léo.

Theo đó, chuyên gia tâm lý nổi tiếng Lý Mai Cẩn đã chỉ ra một số nguyên nhân chính khiến trẻ lười học như sau:

    Trẻ thấy việc học không vui, ngược lại cảm thấy rất áp lực

Trẻ con ở độ tuổi thiếu nhi thường là độ tuổi ham chơi, thích khám phá vì thế giới bên ngoài khi đó vẫn vô cùng mới mẻ và lạ lẫm với các con. Do đó, các con thích việc được vui chơi bên ngoài với bạn bè nhiều hơn là việc ngồi vào bàn và làm các phép toán.

Bên cạnh đó, thời buổi hiện nay trò chơi điện tử cùng các chương trình giải trí có sức lôi cuốn cực mạnh mẽ tới con trẻ. Các con có thể bỏ ra nhiều thời gian để xem những thứ kể trên và vô tình bị cuốn theo lúc nào không biết.

Ngoài ra, việc cha mẹ đôi khi cố thúc ép, hoặc kỳ vọng con mình phải đạt điểm cao khiến con cảm thấy rất áp lực, lâu dần sẽ khiến các con ghét bỏ việc học.

    Trẻ không hiểu việc học có lợi ích gì cho mình

Vì các con còn nhỏ nên chưa nhận thức được, mình học để làm gì? Việc học đem lại lợi ích gì cho các con, chính vì không hiểu đi học, làm bài tập có lợi ích gì cho mình nên các con thường lười học, ghét làm bài tập về nhà…

    Trẻ phụ thuộc cha mẹ, không chủ động học tập

Khi con còn nhỏ và bắt đầu học những chữ cái lẫn phép tính đầu tiên, thông thường các bậc phụ huynh hay dành thời gian để ngồi bên cạnh kèm con học. Đồng hành cùng con là việc tốt, tuy nhiên cha mẹ cần lưu ý dạy con cách tự chủ động học tập thay vì phải có cha mẹ ngồi cạnh con mới chịu học. Vì làm như vậy khiến con thụ động, chỉ chịu học khi có bố mẹ ngồi cạnh.

Trên đây là 3 trong số những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới việc trẻ lười học, để giải quyết tình trạng này. Chuyên gia tâm lý nổi tiếng Lý Mai Cẩn đã đưa ra những lời khuyên đắt giá giúp cha mẹ hướng dẫn con trẻ trở nên chăm học hơn mà không cần sử dụng biện pháp mạnh.

Giáo sư nổi tiếng: Trẻ lười học, thay vì đánh mắng cha mẹ làm 3 việc sau, kết quả sẽ khác! - Ảnh 3.

1. Đưa con tới 2 nơi này để con nâng cao nhận thức

Đưa con khám phá đường phố lúc rạng sáng

Đưa con ra ngoài khám phá đường phố lúc sáng sớm không chỉ là trải nghiệm mới mẻ khiến trẻ cảm thấy hào hứng mà vào giai đoạn này chúng ta cũng có thể chỉ cho con thấy một mặt khác của cuộc sống về đêm. Nơi có những người như cô lao công dọn rác, người gánh hàng rong, người lấy hàng sớm từ chợ đêm - những người vất vả mưu sinh với những công việc vất vả.

Từ đó, cha mẹ cần dạy con cho hiểu được rằng, những người mưu sinh vào ban đêm kia họ phải làm việc vất vả gấp nhiều lần so với việc học của con mà chẳng than phiền lấy một lời. Vậy tại sao con lại luôn than vãn khi làm bài tập?

Giáo sư nổi tiếng: Trẻ lười học, thay vì đánh mắng cha mẹ làm 3 việc sau, kết quả sẽ khác! - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ.

Hãy chỉ cho con thấy rằng, học tập không phải con đường duy nhất dẫn tới thành công, nhưng là con đường bằng phẳng và dễ dàng hơn nhiều so với những con đường khác.

Thư viện

Thư viện luôn là nơi yên tĩnh với không khí vô cùng trang nghiêm. Khi đưa con tới đây cha mẹ cần chỉ cho con thấy được "vẻ đẹp yên tĩnh" của việc chủ động học tập, chủ động đọc sách thông qua những "tấm gương" chính là những người đang đọc sách trong thư viện. Đồng thời, cha mẹ hãy hướng dẫn con cách tìm những cuốn sách con yêu thích và chỉ cho con cách đọc sách hiệu quả.

2. Giúp con cân đối giữa việc học và vui chơi

Cha mẹ cần phải hiểu rằng, không phải cứ bắt con học nhiều là con có thể tiếp thu được hết những kiến thức đã học. Cha mẹ cần giúp con xây dựng thời gian biểu vui chơi và học tập thật khoa học. Vì các con cần được nghỉ ngơi và giải trí một cách hợp lý, con nghỉ ngơi đủ sẽ thấy thoải mái, tràn đầy năng lượng, như vậy học tập sẽ có hiệu quả tốt hơn.

Giáo sư nổi tiếng: Trẻ lười học, thay vì đánh mắng cha mẹ làm 3 việc sau, kết quả sẽ khác! - Ảnh 5.

Ảnh minh hoạ.

3. Giúp con tìm thấy niềm vui trong học tập

Có rất nhiều phương pháp giảng dạy hiện nay có thể giúp con vừa học vừa chơi với rất nhiều trò chơi bổ ích. Ngoài ra, cha mẹ nên kết hợp cùng giáo viên, giúp con làm quen với các bạn, việc có bạn bè đi học cùng giúp con cảm thấy vui vẻ và có động lực để đi học hơn.

Trên đây là những việc cha mẹ nên làm khi con lười học, ghét làm bài tập về nhà, hy vọng qua bài viết này cha mẹ rút ra cho mình được những bài học dạy con thích hợp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại