Cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên dạy dỗ và dẫn dắt con trẻ, chính vì vậy từng lời nói, hành động và thói quen của cha mẹ có tác động vô cùng lớn tới sự hình thành nhân cách và tính cách của con sau này. Do đó, việc lựa chọn cách giáo dục con cái sao cho thật phù hợp và đúng đắn là điều vô cùng quan trọng.
Theo đó, trong bài chia sẻ về “Tâm lý giáo dục gia đình”, Giáo sư Lý Mai Cẩn - hiện đang là Giáo sư Tâm lý học kiêm Phó Giám đốc Ủy ban Chuyên môn Tâm lý Pháp lý của Hiệp hội Tâm lý Trung Quốc đã đưa lời khuyên cho các bậc phụ huynh như sau: "Không có khuôn mẫu nào cho việc dạy con, vì mỗi đứa trẻ đều khác nhau, các con có cá tính riêng, có những ưu điểm riêng và cần sự hỗ trợ khác nhau từ cha mẹ để đáp ứng các nhu cầu riêng của mình.
Tuy nhiên, dựa vào nghiên cứu tâm lý và đặc thù giới tính, chúng ta vẫn có thể đưa ra một số lời khuyên cho các bậc phụ huynh về những kinh nghiệm cơ bản khi dạy con như 'nguyên tắc nuôi con trai cần tránh 3 điều, dạy con gái cần tránh 4 điều'. Từ đó để những người làm cha làm mẹ tự mình tìm hiểu và áp dụng sao cho thật khéo léo vào việc dạy con".
Giáo sư Lý Mai Cẩn - hiện đang là Giáo sư Tâm lý học kiêm Phó Giám đốc Ủy ban Chuyên môn Tâm lý Pháp lý của Hiệp hội Tâm lý Trung Quốc.
Nguyên tắc nuôi con trai cần tránh 3 điều, dạy con gái cần tránh 4 điều
Giáo dục con cái hiện nay thường được ví như một "bộ môn khoa học". Những bậc phụ huynh là người cần "nghiên cứu" để lựa chọn những bài học dạy con sao cho phù hợp nhất. Theo đó, giáo sư tâm lý nổi tiếng Lý Mai Cẩn đã đưa ra nguyên tắc nuôi con trai tránh 3 điều, dạy con gái tránh 4 điều, cha mẹ nào cũng nên tìm hiểu ngay dưới đây:
Nuôi con trai cần tránh 3 điều
1. Tránh ép con kìm nén cảm xúc - con trai thì không được khóc!
Rất nhiều người cho đến hiện tại vẫn giữ suy nghĩ rằng, những bé trai cần phải mạnh mẽ, không được yếu mềm. Chính vì vậy, có không ít cha mẹ cấm không cho con khóc hoặc nói với con rằng: "Con là con trai, ai lại khóc vì chuyện cỏn con thế này" hoặc "Là con trai không được khóc". Hành động này tưởng qua không có gì ảnh hưởng tới trẻ, nhưng thực ra lại tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy khôn lường.
Trước khi bước sang tuổi dậy thì, bé trai có nhiều nguy cơ bị trầm cảm hơn là bé gái nếu cha mẹ thường xuyên chèn ép cảm xúc của con. Ảnh: Net Ease.
Theo đó, giáo sư tâm lý nổi tiếng Lý Mai Cẩn cho biết, việc các con khóc là cách cơ bản nhất để thể hiện cảm xúc thật sự của mình. Việc cha mẹ vô tình nói những lời tưởng chừng như động viên con "là con trai ai lại khóc" thực chất lại đeo cho con một chiếc "gồng cùm", khiến con không dám thể hiện cảm xúc thật của mình.
Điều này khiến đứa trẻ lớn lên trong trạng thái luôn phải kìm nén cảm xúc, không dám thể hiện cảm xúc thật của bản thân mình. Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của con sau này.
Điều này cũng tương tự như chia sẻ của nhà tâm lý học nổi tiếng Mỹ - Christia S. Brown cho hay, những đứa trẻ còn bé không có sự khác biệt về cách thể hiện cảm xúc như sợ hãi, giận dữ, buồn bã, hạnh phúc...
Chính vì vậy, cha mẹ nên để con thể hiện trọn vẹn cảm xúc của mình. Ngoài ra, theo nghiên cứu cho biết, trước khi bước sang tuổi dậy thì, con trai có nhiều nguy cơ bị trầm cảm hơn là con gái. Việc dồn nén cảm xúc và không được thấu hiểu chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới trẻ bị trầm cảm và lựa chọn hành vi tiêu cực.
Do đó, cha mẹ nên tránh việc ép con kìm nén cảm xúc, thay vào đó hãy tôn trọng cảm xúc của con và có cách ứng xử thích hợp khi thấy con khóc.
2. Tránh việc quá bao bọc con trai
Cha mẹ luôn yêu thương con cái vô điều kiện, chính vì vậy bất cứ bậc phụ huynh nào cũng muốn chăm chút cho con toàn bộ mọi thứ và mong muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Do đó, rất nhiều gia đình thường bao bọc và thay con quyết định toàn bộ mọi thứ.
Ngoài ra, một phần khác là do cuộc sống hiện nay cũng vô cùng phức tạp, trẻ em luôn là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chính vì vậy cha mẹ thường cố gắng hết sức để bao bọc con, mục đích vốn để con tránh xa những cạm bẫy trong cuộc sống. Tuy nhiên, chính việc bao bọc những cậu con trai quá mức lại ẩn chứa nhiều hậu quả và hệ lụy khôn lường.
Theo giáo sư tâm lý Lý Mai Cẩn cho biết, việc cha mẹ bao bọc những cậu con trai của mình quá mức khiến con lớn lên trở nên nhút nhát, mất dần đi sự chủ động, tính quyết đoán - những điểm vốn được xem là ưu điểm mà người đàn ông bản lĩnh cần có để phát triển công danh sự nghiệp sau này. Nếu một bé trai ngay từ nhỏ đã được cha mẹ bao bọc quá mức, sẽ dễ dàng trở nên yếu mềm, ủy mị, phụ thuộc cha mẹ, làm gì cũng phải hỏi ý kiến phụ huynh, không dám tự mình quyết định bất cứ chuyện gì, những đứa trẻ như vậy tương lai khó làm được chuyện lớn.
Hãy tôn trọng suy nghĩ, làm bạn và để con độc lập tự chủ ngay từ khi con còn nhỏ. Ảnh: Baidu
Do đó, các bậc phụ huynh hãy cân nhắc và để cho những cậu bé của mình có không gian tự mình "phiêu lưu" và "trải nghiệm" trong vùng an toàn vừa đủ, ngoài ra hãy học cách tôn trọng suy nghĩ cá nhân của con bằng cách đặt những câu hỏi với con trai như: "Con cảm thấy vấn đề này chúng ta nên giải quyết như thế nảo? Nếu là con, con sẽ làm gì? Con thích hay ghét, vì sao lại như vậy?".
Hãy tôn trọng suy nghĩ, làm bạn và để con độc lập tự chủ ngay từ khi con còn nhỏ, vì chúng ta không thể bao bọc con cả cuộc đời này.
3. Tránh việc quên dạy con 2 chữ "trách nhiệm"
Theo giáo sư Lý Mai Cẩn cho biết, khi con còn bé, con thường được người lớn yêu thương chiều chuộng, gần như toàn bộ mọi chuyện đều đã có người lớn làm thay con. Nếu cứ duy trì tình trạng như vậy dễ khiến con hình thành suy nghĩ con là "trung tâm vũ trụ", mọi người phải có trách nhiệm làm mọi thứ cho con. Như vậy sẽ khiến con lớn lên mà dần quên mất trách nhiệm của bản thân.
Không những thế, thậm chí đến chính cha mẹ cũng vô tình quên mất việc cần phải dạy con 2 chữ "trách nhiệm". Hiện nay, có không ít phụ huynh khi thấy con gặp chuyện đều vội vàng đứng ra gánh vác và xử lý thay cho con, bất kể là chuyện lớn hay nhỏ.
Việc cha mẹ không bồi dưỡng, dạy dỗ và để con nhận thức sớm - đúng - đủ về 2 chữ "trách nhiệm" dễ khiến trẻ lớn lên trở thành đứa trẻ dám làm nhưng không dám chịu trách nhiệm.
Những đứa trẻ như vậy lớn lên khó lòng hòa đồng được với mọi người và cũng khó thành công trong công việc cũng như cuộc sống.
Cha mẹ hãy dạy dỗ và để con nhận thức sớm - đúng - đủ về 2 chữ "trách nhiệm". Ảnh: Baidu.
Dạy con gái cần tránh 4 điều
1. Tránh việc không dạy con gái về giáo dục giới tính
Theo đó, giáo sư Lý Mai Cẩn cho biết, khi bàn đến việc dạy con về giới tính, tâm lý chung của nhiều cha mẹ đều e ngại và không biết nên chia sẻ với con như thế nào cho đúng. Thậm chí nhiều người còn cho rằng con còn quá nhỏ mới học mẫu giáo không cần dạy hoặc tránh dạy con điều này vì cho rằng độ tuổi như vậy là quá sớm.
Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, cha mẹ cần trang bị và dạy dỗ con về giáo dục giới tính ngay từ sớm, vì đây chính là việc giúp con tự bảo vệ chính mình khi không có cha mẹ ở bên. Giáo sư tâm lý Lý Mai Cẩn cho biết, ở mỗi độ tuổi khác nhau chúng ta cần dạy và cho con tiếp nhận giáo dục giới tính khác nhau. Ví dụ như khi trẻ ở độ tuổi 3 - 5, cha mẹ hãy dạy con làm quen với cơ thể của mình và phân định rõ ràng những bộ phận riêng tư mà con không được cho ai động vào.
Khi con bước gần vào độ tuổi dậy thì, hãy khéo léo dạy con các bài học về giới tính và "chuyện người lớn", tránh việc con tự tìm hiểu vì như vậy dễ tạo cơ hội khiến con tiếp xúc với những "văn hóa phẩm không lành mạnh", ảnh hưởng không tốt tới suy nghĩ của con.
Có thể thấy, việc dạy con gái về giới tính và chuyện tình dục hiện nay không còn là câu chuyện cha mẹ cần "tránh né", thay vào đó hãy khéo léo và thẳng thắn dạy dỗ các con thật đúng lúc và hợp lý.
2. Tránh chiều chuộng con quá mức
Tiếp đó, giáo sư tâm lý Lý Mai Cẩn cũng nhắc nhở các bậc phụ huynh tránh cưng chiều và nuôi dạy con gái thành một nàng công chúa. Vì điều này dễ khiến trẻ hình thành tính cách kiêu ngạo, hơn người, lớn lên khiến con khó hòa nhập và kết giao với bạn bè xung quanh. Do đó, hãy yêu chiều con có mức độ, đừng mù quáng chiều chuộng con quá mức vì làm như vậy lại vô tình làm hại con sau này.
3. Tránh thiên vị - trọng nam khinh nữ
Theo nhiều nghiên cứu cho biết, có không ít cha mẹ vô tình thiên vị và không chia đều tình cảm cho các con của mình. Điều này có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên một trong những nguyên nhân thường gặp nhất đó chính là việc "trọng nam khinh nữ". Mặc dù cuộc sống hiện nay tư tưởng của các bậc phụ huynh đã thay đổi rất nhiều, nhưng vẫn còn rất nhiều gia đình vô tình lặp lại việc này trong vô thức.
Theo giáo sư Lý Mai Cẩn cho biết, việc cha mẹ thiên vị - trọng nam khinh nữ khiến bé gái cảm thấy bị cha mẹ bỏ rơi trong chính ngôi nhà của mình. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới tâm sinh lý của con, khiến con trở nên thu mình với cha mẹ, lớn lên dễ khiến trẻ tự ti, thiếu thốn tình cảm yêu thương.
Không chỉ riêng thiên vị bé trai, việc gia đình thiên vị bé gái cũng ảnh hưởng tương tượng. Do đó, cha mẹ cần đặc biệt chú ý trong việc chăm sóc và quan tâm các con.
4. Tránh để con quá phụ thuộc vào cha mẹ
Cũng giống như quá trình nuôi dạy con trai, việc dạy dỗ con gái cha mẹ cũng cần đặc biệt chú ý đến việc để con học tính tự lập. Tránh bao bọc con quá mức, vì như vậy khiến các con trẻ nên phụ thuộc vào cha mẹ, không dám bước ra vùng an toàn để tìm hiểu thế giới. Điều này sẽ hạn chế tầm nhìn và suy nghĩ của con trong tương lai.
Trên đây là một vài chia sẻ của giáo sư Lý Mai Cẩn trong vấn đề dạy con, mong rằng các bậc phụ huynh đã có cho mình những bài học phù hợp và ý nghĩa để định hướng và dạy dỗ các con.