Giáo sư nổi tiếng chỉ ra một kiểu giáo dục đầy tai hại của cha mẹ, khiến các con ganh ghét nhau

Thanh Hương |

Nếu cha mẹ cứ nằng nặc bắt những đứa con lớn hơn phải nhường em thì sẽ gây ra nhiều hậu quả tâm lý không tốt cho trẻ.

Bà Lý Mai Cẩn là nhà tâm lý học tội phạm nổi tiếng của Trung Quốc, hiện đang giữ các chức vụ: Giáo sư giám sát của Đại học Công an Nhân dân Trung Quốc; Phó Chủ tịch Hiệp hội Phòng chống Tội phạm vị thành niên... Giáo sư Lý đồng thời cũng rất nổi tiếng trong lĩnh vực tâm lý trẻ em và thường đưa ra những lời khuyên sâu sắc cho các bậc cha mẹ trong việc nuôi dạy con.

Thời gian trước, vị giáo sư này từng chỉ ra một kiểu giáo dục sai lầm trong các gia đình có từ 2 con trở lên. Đó là luôn bắt con cả phải nhường nhịn các em mọi thứ. Thực tế, theo quan điểm của giáo sư Lý, cách hành xử như vậy là một kiểu giáo dục lạc hậu. Đối với nhiều cha mẹ, quan niệm "anh chị lớn phải nhường em" đã ăn sâu trong tâm trí. Tuy nhiên, khái niệm đó lại không được chấp nhận trong nhận thức của trẻ.

Giáo sư nổi tiếng chỉ ra một kiểu giáo dục đầy tai hại của cha mẹ, khiến các con ganh ghét nhau - Ảnh 1.

Giáo sư Lý Mai Cẩn.

Nếu cha mẹ cứ nằng nặc bắt những đứa con lớn hơn phải nhường em thì sẽ gây ra nhiều hậu quả tâm lý không tốt cho trẻ. Cụ thể như sau:

1. Trẻ mất cân bằng tâm lý

Trong mắt con cả, sự đối xử phân biệt của cha mẹ thật khó hiểu. Quan điểm "anh chị phải nhường em" là do cha mẹ ép đặt, dùng quyền lực của mình để bắt con làm theo, bắt con phải chịu thiệt với em. Lâu dần, trẻ cảm thấy mình không được cha mẹ yêu thương. Trẻ cảm thấy chỉ có các em mới được cha mẹ yêu thương, những tổn thương tâm lý, sự nghi ngờ, tự ti cứ thế mà hình thành.

2. Trẻ ghét bỏ em mình

Tất nhiên, dù bức xúc đến mấy thì khi còn nhỏ, trẻ cũng không thể trút giận lên cha mẹ. Thay vào đó, trẻ trút giận lên em mình. Rất nhiều trường hợp, con lớn vì bức xúc với sự thiên vị của cha mẹ nên đã lấy em ra làm mục tiêu để đánh mắng, bắt nạt.

Giáo sư nổi tiếng chỉ ra một kiểu giáo dục đầy tai hại của cha mẹ, khiến các con ganh ghét nhau - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Trong cuộc sống, rất khó để cân bằng mọi thứ, nhưng trong việc giáo dục, nuôi dưỡng con cái, cha mẹ cần tránh sự thiên vị hết mức có thể. Nếu cha mẹ lúc nào cũng nuông chiều, bao bọc con thứ quá mức thì con cả lâu ngày sẽ cảm thấy bất an, thiếu hụt tình thương và có khả năng mắc các bệnh tâm lý. Để cân bằng, cha mẹ có thể tham khảo các cách sau:

Tập trung vào con cả

Thay vì quá bảo vệ con thứ, cha mẹ có thể tập trung chăm sóc con cả thật tốt trước. Bởi vì khi con cả được chăm sóc tốt, con sẽ cảm nhận được tình yêu thương, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình. Đồng thời, cha mẹ làm gương, dạy con cách chia sẻ tình yêu thương. Khi có em, con sẽ biết cách yêu thương, chăm sóc cho em thực tâm, thay vì chăm sóc, san sẻ tình yêu thương theo cách cưỡng ép.

Tạo thời gian để các con ở bên nhau

Cha mẹ nên cố gắng hết sức, tạo thời gian để hai bé thân thiết với nhau. Trong quá trình này cha mẹ có thể dạy con lớn cách chăm sóc em, nói cho con biết trách nhiệm của anh chị là gì. Hãy dặn dò con rằng, đây là em của con đó, việc chăm sóc em cho thấy con là một đứa trẻ ngoan.

Thay vì mù quáng buộc con lớn đảm nhận vị trí người anh/người chị với giọng điệu ra lệnh thì cha mẹ nên để con được phép hòa nhập vào vai trò như vậy.

Không can thiệp khi các con xung đột

Nếu con lớn và con thứ cãi nhau, cha mẹ phải quan sát từ bên cạnh, thay vì chủ động can thiệp. Trừ khi các con có xô xát thì cha mẹ mới phải can ngăn lập tức. Còn không, cha mẹ chỉ cần đứng xem từ bên ngoài. Đợi đến khi trẻ kết thúc cãi vã mới gọi từng đứa con ra giáo dục riêng theo quan điểm trung lập, thay vì vội vàng xông vào, túm lấy một đứa để chỉ trích. Kiểu giáo dục này rất dễ gây bất mãn cho trẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại