Con trẻ ở tuổi dậy thì là giai đoạn khiến các bậc cha mẹ đau đầu nhất, bởi đây là độ tuổi “dở dở ương ương”. Đến tuổi này, trẻ có xu hướng nhạy cảm, suy nghĩ khác với cha mẹ, ít thích tâm sự, gần gũi với cha mẹ.
Trẻ ở độ tuổi dậy thì có ý thức độc lập rõ ràng hơn, chúng dần không nghe lời dạy dỗ của cha mẹ, trở nên bốc đồng, muốn làm theo ý mình. Những suy nghĩ ở độ tuổi dậy thì cũng chính là nền tảng định hình cho những hành động trong tương lai của con trẻ.
Giáo sư nổi tiếng Lý Mai Cẩn hiện đang là Giáo sư Tâm lý học kiêm Phó Giám đốc Ủy ban Chuyên môn Tâm lý Pháp lý của Hiệp hội Tâm lý Trung Quốc. Ảnh: NetEase
Vì là độ tuổi nhạy cảm, nên cha mẹ cần có sự quan tâm đặc biệt và có những lưu ý trong việc dạy dỗ con cái ở giai đoạn dậy thì. Theo đó, trong bài phát biểu “Tâm lý giáo dục gia đình”, Giáo sư Lý Mai Cẩn đã nêu rõ: “Trẻ ở tuổi mới lớn là độ tuổi “khó dạy”, vì thế cha mẹ phải hết sức lưu ý 8 việc cần làm sau đây, nếu không muốn hối hận về sau”.
8 việc cha mẹ cần làm khi con bước vào tuổi dậy thì
1. Cha mẹ cần thay đổi tư duy giáo dục không phù hợp
Khi trẻ muốn độc lập, bình đẳng và muốn được tôn trọng, nếu cha mẹ cứ liên tục nhắc nhở, thúc giục; yêu cầu trẻ làm thế này, thế kia; ra lệnh cho con phải làm tốt công việc nào đó, thì con chỉ có tâm lý khó chịu và kháng cự với những lời cha mẹ nói mà thôi.
Ở giai đoạn này, cha mẹ có thể nói với con rằng: “Con đã lớn rồi nên có thể tự làm nhiều việc, tự lo liệu được việc riêng của mình. Hãy nhớ rằng ba mẹ luôn ở bên con, sẵn lòng giúp đỡ con khi con cần nhé!”.
Tất nhiên, cha mẹ không thực sự buông bỏ, nhưng cha mẹ hãy thay đổi cách giáo dục luôn theo sát mọi hành động của con một cách công khai. Bạn hãy âm thầm theo dõi, bí mật quan sát hành động của con và giúp đỡ con khi thấy thật sự cần thiết.
2. Tôn trọng quyền riêng tư của con, xem con như bạn bè
Trong một chương trình tư vấn tâm lý, Giáo sư Lý Mai Cẩn đã gặp một trường hợp: Có một người mẹ đọc trộm nhật ký của con gái. Sau đó, đứa trẻ phát hiện ra mẹ nó đang đọc trộm nhật ký của mình, và cô bé đã ấm ức bỏ chạy đi chỗ khác.
Người phụ nữ tìm đến Giáo sư để giúp đỡ. Giáo sư chỉ hỏi: “Nếu trên bàn làm việc của đồng nghiệp có cuốn nhật ký, chị có đọc trộm nó không?". Người phụ nữ trả lời “Không” - “Vậy tại sao chị lại đọc nhật ký của con mình?”, Giáo sư hỏi một lần nữa.
Người mẹ cho biết, vì lo lắng và muốn hiểu tâm lý của con, sợ con có những suy nghĩ lệch lạc.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên giáo sư cũng phân tích cho người mẹ hiểu, trường hợp của cô cũng là sai lầm phổ biến của đa số các bậc phụ huynh hiện nay, đó chính là không tôn trọng quyền riêng tư của trẻ. Trẻ cũng cần có không gian riêng tư như người lớn, cho nên, cha mẹ hãy tôn trọng và đừng xâm phạm đến nó.
3. Cho con cơ hội giúp đỡ, chăm sóc cha mẹ
Cho con cơ hội chăm sóc, đỡ đần cha mẹ cũng hình thành cho con tấm lòng hiếu thảo, biết quan tâm chăm sóc cha mẹ khi về già. Cha mẹ ôm đồm và tự làm tất cả mọi thứ chỉ khiến trẻ không biết quan tâm đến người khác và không có trách nhiệm phải biết giúp đỡ cha mẹ.
4. Dạy con trước tiên phải tôn trọng người khác
Khi con thiếu tôn trọng cha mẹ, hãy cho chúng biết rằng, con cũng sẽ không được người khác tôn trọng. Cha mẹ phải nghiêm khắc, tuyệt đối không thể hiện thái độ yêu thương con vô cớ dù bất cứ vấn đề gì xảy ra.
Cha mẹ phải tạo cơ hội để con có thể tự nhìn lại lỗi sai của mình, nói với con rằng: “Con muốn người khác tôn trọng mình, trước tiên con phải học cách tôn trọng người khác”.
5. Chú ý đến các mối quan hệ bạn bè xung quanh con
Trong giai đoạn này, ảnh hưởng của bạn bè đối với sự hình thành tâm lý và tính cách của trẻ là rất lớn. Tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Đặc biệt, ở giai đoạn này, trẻ cực kỳ tin tưởng bạn bè của mình và có xu hướng bắt chước hành vi của chúng.
Kết bạn với những đứa trẻ ngoan, chăm học, con bạn sẽ có xu hướng chăm học; kết bạn với những đứa trẻ quậy phá, hay tụ tập ăn chơi, con bạn cũng sẽ bị nhiễm thói xấu giống chúng.
6. Quan tâm đến sở thích của con và chia sẻ với con càng nhiều càng tốt
Có thể nói, đây là độ tuổi có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ trong tương lai khá lớn, tạo tiền đề quyết định chúng sẽ trở thành người như thế nào. Sở thích của con trong giai đoạn này sẽ định hình cho nghề nghiệp tương lai của con sau này. Vì thế cha mẹ cần quan tâm, chia sẻ, tìm hiểu sở thích của con để có thể chuẩn bị hành trang tốt nhất cho nghề nghiệp tương lai của chúng.
7. Tạo cho trẻ sự tin tưởng và bớt cằn nhằn những điều không cần thiết
Cha mẹ cần lưu ý không cằn nhằn, nói đi nói lại quá nhiều một vấn đề vì nó chỉ khiến trẻ càng ngày càng khó chịu, tạo khoảng cách với cha mẹ. Ở độ tuổi này, trẻ cho rằng bản thân mình đã đủ lớn và có thể độc lập. Vì vậy, hãy cho con biết rằng, cha mẹ rất tin tưởng vào con, để chúng có động lực và tự tin hơn.
Ảnh minh họa
8. Thể hiện sự tự hào, ghi nhận việc làm đúng đắn của con
Cha mẹ hãy quan sát những hành động con đỡ đần cha mẹ, những việc tốt mà con đã làm để giúp đỡ mọi người và dành cho trẻ những lời khen phù hợp như “Con là đứa trẻ hiểu chuyện, biết giúp đỡ người khác, hãy phát huy nhé!”,...
Những lúc như vậy, cha mẹ cần phải khẳng định hành động đúng đắn của đứa trẻ để chúng phát huy hơn nữa.
Phương pháp giáo dục đúng đắn của cha mẹ khi con ở tuổi mới lớn có ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của con sau này. Chìa khóa để giải quyết vấn đề ngỗ ngược, nổi loạn của trẻ đó chính là sự đồng hành, sự chấp nhận và yêu thương vô điều kiện của cha mẹ vào giai đoạn này.