Tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 3/1, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết, đang dự kiến vận động, khuyến khích các nhà thờ, đình, đền chùa rung chuông thời điểm Giao thừa 2017 để thay thế cho việc bắn pháo hoa.
Trao đổi với chúng tôi, GS. TS Trần Lâm Biền, chuyên gia có hàng chục năm nghiên cứu văn hóa cho hay, việc đồng loạt đánh chuông vào thời khắc Giao thừa đón chào năm mới đã từng được làm và không có gì lạ.
Tiếng chuông đó theo quan niệm dân gian là nhằm thể hiện sự giao hòa giữa trời đất, xua đuổi những âm khí, đón khí xuân ấm áp về.
"Đó là điều tốt và xưa nay, người ta đã từng làm. Đúng ra vào Giao thừa là vừa đốt pháo hoa, vừa đánh chuông nhưng bao lâu nay, chúng ta quên mất việc rung chuông.
Nhất là các đại hồng chung mà gõ lên lúc đầu xuân thì tính nhân ái rất cao, bởi vì lúc đó, theo quan niệm dân gian, đối với các hình phạt dưới âm ti sẽ được ngơi nghỉ và những người chết oan sẽ được theo tiếng chuông về nơi siêu sinh...
Tôi cho rằng, không có gì chúng ta phải bàn cãi về việc này cả", GS Biền nêu rõ.
Cũng theo GS Biền, theo quan niệm, mùa đông là mùa gắn với sinh khí có phần cạn kiệt còn mùa xuân gắn với dương khí dồi dào.
"Vui mừng đón dương khí bằng việc gõ chuông, đó là điều quá tốt đẹp", GS Biền nhấn mạnh.
Cũng trao đổi với chúng tôi, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP Hà Nội cũng cho rằng, việc đánh chuông dịp Giao thừa đã thành thông lệ ở nhiều đình, chùa, đền.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm.
"Tôi nghĩ rằng Sở Văn hóa Thể thao có vận động hay không thì giờ sang canh ở các đình, đền, chùa cũng có một khóa lễ để cầu nguyện và mọi người cùng hướng về giờ Giao thừa đó.
Nó đã trở thành nề nếp rồi, bây giờ có thêm khuyến khích rung chuông nữa thì càng tốt", Hòa thượng Nghiêm nói.
Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hà Nội cũng cho rằng, đánh chuông ngân vang dịp Giao thừa là thể hiện sự vang cầu nguyện cho thế giới hòa bình và chúng sinh an lạc.
Đồng thời, là để báo hiệu giờ sang canh đã đến, hướng vào cái thời khắc chuyển giao thiêng liêng của đất trời.
"Ở đất nước Nhật Bản thì người ta dùng lịch dương lâu rồi, nhưng giờ Giao thừa người ta vẫn thỉnh 108 tiếng chuông. Các chùa ở Việt Nam cũng thường gióng 108 tiếng chuông trong đêm Giao thừa", Hòa thượng Nghiêm thông tin thêm.
Đồng quan điểm đó, trao đổi với chúng tôi, một cha xứ ở Hà Nội cũng cho hay, không cần các cơ quan chức năng vận động mà dịp Giáng sinh hay Giao thừa các nhà thờ đều đánh chuông để báo hiệu một năm mới đã đến.
Tiếng chuông của nhà thờ cũng để thể hiện mong ước, nguyện cầu sự an lành với mọi người và hòa bình cho thế giới.
"Việc đánh chuông dịp Giao thừa nếu được thực hiện theo là rất tốt và nó sẽ tạo nét đẹp, nguyện cầu mọi điều tốt lành cho năm mới", vị cha xứ này bày tỏ.
Trước đó, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội vào chiều 3/1, ông Tô Văn Động (Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao) trao đổi về việc dừng bắn pháo hoa đêm Giao thừa dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Đây là chủ trương chung, vì cái Tết của người nghèo.
"Chúng tôi đề nghị các nhà thờ, đình, đền, chùa sẽ rung chuông cùng lúc vào thời điểm Giao thừa, nếu có sự cộng hưởng đó thì cũng báo hiệu năm cũ qua, năm mới tới", ông Động chia sẻ.