LTS: Tại các đô thị lớn, giao thông đông đúc là điều không thể tránh khỏi. Mật độ giao thông dày không chỉ cản trở quá trình lưu thông của xe cộ mà còn khiến chúng ta hít thụ động những loại khí thải và bụi siêu nhỏ, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Bạn đã bao giờ đặt cho mình câu hỏi: Trung bình 30 phút lưu thông trên đường, mỗi người sẽ hít thụ động những loại khí thải độc hại gì? Chúng gây ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn như thế nào đến sức khỏe chúng ta?
Bài phỏng vấn GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh, Chủ tịch Hội đồng của CERED Việt Nam, người từng đạt giải Nobel năm 2007 (giải thưởng tập thể) cho công trình báo cáo về Biến đổi khí hậu lên Liên Hợp Quốc, sẽ góp phần làm sáng tỏ vấn đề trên.
- Phóng viên: Theo công bố của UBND TP. Hà Nội, tính đến năm 2017, dân số tính riêng tại 12 quận nội thành của Hà Nội là hơn 3,2 triệu người. Vậy, thưa GS.TS Nguyễn Hữu Ninh, ông có thể phác thảo một bức tranh về tình trạng ô nhiễm đô thị nói chung, ô nhiễm không khí nói riêng mà hàng triệu người dân Hà Nội đang phải đối mặt và sống chung không?
GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh: Như tôi đã trả lời phỏng vấn kỳ trước, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đáng báo động, cần phải có các giải pháp đồng bộ để giải quyết tình hình này, cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Hoạt động giao thông tại các đô thị lớn đang gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí. Ảnh mang tính minh họa/Nguồn: Psychologytoday.com.
Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) vào cuối năm 2016, có những thời điểm lượng bụi PM2.5 (loại bụi nguy hiểm nhất, có thể thẩm thấu, hấp thụ vào máu) ở Hà Nội là 50,5µg/m3, cao gấp đôi so với quy chuẩn quốc gia (25µg/m3), gấp đôi số liệu của thành phố Hồ Chí Minh (28,23µg/m3) và gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình năm theo hướng dẫn khuyến nghị của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) (là 10µg/m3).
Như vậy, xét về hàm lượng bụi PM2.5 trong một số thời điểm, chỉ số ô nhiễm của Hà Nội chỉ đứng sau thủ đô New Delhi của Ấn Độ (124µg/m3). (Đọc thêm: Không khí Hà Nội chứa loại bụi nguy hiểm nhất thế giới, có thể thẩm thấu vào máu).
- Phóng viên: Trong khí thải của ô tô, xe máy lưu thông trên đường phố, xin Giáo sư ông nêu ra chi tiết từng loại, khả năng xâm nhập và gây tác hại với cơ thể người?
GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh: Theo báo cáo môi trường quốc gia, hoạt động giao thông ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng môi trường không khí và gây tiếng ồn ở các đô thị, nhất là các đô thị lớn.
Số liệu quan trắc tại một số đô thị cho thấy, môi trường không khí xung quanh các tuyến giao thông đô thị đều bị ô nhiễm bụi lơ lửng, số ngày có nồng độ bụi PM10 và PM2.5 trung bình ngày vượt quy chuẩn cho phép.
Ngoài ra, theo kết quả báo cáo của Tổng cục Môi trường năm 2015, ở khu vực đô thị, nguồn gốc phát sinh các loại khí NOx (NO2, NO), SO2, và CO chủ yếu từ hoạt động giao thông.
Ngoài ra, việc đốt cháy không hoàn toàn xăng dầu còn dẫn tới việc phát sinh các khí VOCs (là các chất lỏng hay chất rắn có chứa cacbon hữu cơ rất dễ bay hơi).
Ảnh gốc: BusinessCar/Trình bày ảnh: MQ.
Nguồn gốc các chất thải từ hoạt động giao thông và tác hại cụ thể của chúng, cụ thể như sau:
1. Bụi PM2.5 hoặc PM10 là những chỉ số về chất lượng không khí, chỉ kích thước và mật độ những hạt trôi nổi trong không khí. Với bụi PM2.5 là các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm (micromet); bụi PM10 là các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 µm.
Trong đó, theo nghiên cứu khoa học, những hạt có đường kính bé hơn 10 µm là những hạt có thể bị con người hít vào khi thở, chúng sẽ tích tụ trên phổi, gây ra nguy hại cho sức khỏe con người. Những hạt có đường kính bé hơn 2,5µm là những hạt đặc biệt nguy hiểm bởi vì chúng xâm nhập trực tiếp vào các túi phổi.
Tác hại: Hít phải bụi siêu vi này thường xuyên sẽ làm giảm chức năng phổi, gây các bệnh hen suyễn, bệnh tim. Cơ quan bảo vệ Môi sinh Mỹ (EPA) còn nhận định, hạt PM2.5 chứa nhiều hạt kim loại còn có khả năng gây ung thư và đột biến gen cho thế hệ con cháu.
Khái niệm bụi PM2.5, loại bụi nguy hiểm nhất thế giới. Trình bày ảnh: MQ.
2. VOCs là tên gọi chung các chất lỏng hay chất rắn có chứa cacbon hữu cơ rất dễ bay hơi, một số chất thông dụng như acetone, ethyl acetate, methyl axetat…
Tác hại: Chúng ít gây độc mãn tính mà chủ yếu gây độc cấp tính như chóng mặt, say nôn, sưng mắt, co giật, ngạt, viêm phổi. Chỉ một số ít chất có khả năng gây độc mãn tính thì có thể gây ra ung thư máu, bệnh thần kinh.
VOCs gồm một số chất thông dụng như acetone, ethyl acetate, methyl axetat… Trình bày ảnh: MQ.
3. CO (cacbonoxit) vào cơ thể qua đường hô hấp sẽ đi vào máu, chúng phản ứng với Hemoglobin (có trong hồng cầu) thành một cấu trúc bền vững nhưng không có khả năng tải ôxy, khiến cho cơ thể bị ngạt.
Tác hại: Nếu lượng CO hít phải lớn, sẽ có cảm giác đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi. Nếu CO nhiều, có thể bất tỉnh hoặc chết ngạt rất nhanh.
4. Khí SO2 (lưu huỳnh dioxit) vào cơ thể qua đường hô hấp hoặc hoà tan với nước bọt, từ đó qua đường tiêu hoá để ngấm vào máu. SO2 có thể kết hợp với các hạt nước nhỏ hoặc bụi ẩm để tạo thành các hạt axít H2SO4 nhỏ li ti, xâm nhập qua phổi vào hệ thống bạch huyết.
Tác hại: Trong máu, SO2 tham gia nhiều phản ứng hoá học để làm giảm dự trữ kiềm trong máu gây rối loạn chuyển hoá đường và protêin, gây thiếu vitamin B và C, tạo ra methemoglobine để chuyển Fe2+ (hoà tan) thành Fe3+ (kết tủa) gây tắc nghẽn mạch máu cũng như làm giảm khả năng vận chuyển ôxy của hồng cầu, gây co hẹp dây thanh quản, khó thở.
5. NOx (Oxit nitơ) có nhiều dạng như NO, NO2. Do ôxy hoá không hoàn toàn nên nhiều dạng oxit nitơ có hoá trị khác nhau hay đi cùng nhau, được gọi chung là NOx.
Tác hại: Có độc tính cao nhất là NO2, khi chỉ tiếp xúc trong vài phút với nồng độ NO2 trong không khí 5 phần triệu đã có thể gây ảnh hưởng xấu đến phổi.
Tiếp xúc vài giờ với không khí có nồng độ NO2 khoảng 15-20 phần triệu có thể gây nguy hiểm cho phổi, tim, gan; nồng độ NO2 trong không khí 1% có thể gây tử vong trong vài phút.
Bên cạnh đấy, NOx bị ôxy hoá dưới ánh sáng Mặt trời có thể tạo khí Ôzôn gây chảy nước mắt và mẩn ngứa da. NOx cũng góp phần gây bệnh hen, thậm chí ung thư phổi, làm hỏng khí quản.
GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh cho biết. Trình bày: MQ.
- Phóng viên: Tại một hội nghị về quản lý GTVT và ATGT Thủ đô giai đoạn 2016-2020 mới đây, Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết, hiện Hà Nội có 5,3 triệu xe máy, 560.000 ô tô và 10.000 xe đạp điện. Liệu đã có số liệu hoặc nghiên cứu nào đánh giá tác động của khối lượng phương tiện này đến chất lượng không khí Hà Nội chưa?
GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh: Việt Nam đã công bố các báo cáo khoa học, báo cáo môi trường quốc gia liên quan tới chất lượng môi trường không khí trong đó có các nguồn thải liên quan tới phương tiện giao thông từ những năm 2007, 2010, 2013, và có các số liệu liên quan tới ảnh hưởng của giao thông tới môi trường không khí tại các thành phố lớn như Hà Nội.
Bên cạnh đấy, Hà Nội cũng đã công bố chất lượng không khí đô thị theo hệ thống quan trắc của thành phố trên website Quantracmoitruong là có đạt tiêu chuẩn hay không; Tổng cục môi trường cũng đã có công bố thêm các thông tin về hàm lượng các loại khí O3, NO2, PM10 trên website của Tổng cục.
Chỉ số mức độ an toàn của không khí tại một số khu vực của Hà Nội. Khu vực chạm mức trung bình trong thang đo là Phạm Văn Đồng. Số liệu cập nhật lúc 8:00 ngày 28/6/2017. Nguồn: Moitruongthudo.vn.
Nguồn: Moitruongthudo.vn.
- Phóng viên: Xin Giáo sư nói sâu hơn về loại bụi nguy hiểm nhất – theo tôi biết là PM2.5? Nó gây tác hại với sức khỏe thế nào, liệu chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn, hoặc chí ít là giảm thiểu nguy cơ hít phải – bằng những biện pháp nào?
GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh: Như tôi đã trả lời ở phần trên về tác hại của bụi PM2.5.
Về biện pháp ngăn chặn hoặc giảm thiểu tác nguy cơ hít phải thì chúng ta nên xem xét một các kỹ lưỡng việc sử dụng nhiên liệu than hay quy hoạch nhiệt điện than vì đó là một trong những nguồn chính làm gia tăng hàm lượng siêu vi bụi.
Bên cạnh đó chúng ta cũng cần quản lý chặt hơn, và hạn chế tác động của các nguồn có thể phát sinh bụi, siêu vi bụi trong hoạt động đô thị như là các công trình xây dựng.
Quan trọng hơn, người dân nên sử dụng xe trong thời hạn đăng kiểm và tắt máy khi dừng chờ đèn đỏ - do các hạt vi bụi, siêu vi bụi cũng sản sinh từ động cơ đốt trong của các phương tiện giao thông.
- Phóng viên: Mật độ phương tiện giao thông trung bình ở nội thành Hà Nội hiện là bao nhiêu, và nếu tính trong trung bình 30 phút cho một người lưu thông trên đường khi đi làm hoặc đi học, thì người đó hít phải những loại bụi, khí độc hại nào, và lượng hít vào là bao nhiêu, gây hại thế nào cho cơ thể thưa giáo sư?
GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh: Rất khó để có thể trả lời câu hỏi này, nhưng có một vấn đề thực tế là hiện tại chỉ số không khí tại các nút giao thông ở Hà Nội đặc biệt trong giờ cao điểm thường xuyên vượt ngưỡng cho phép.
Tại các điểm dừng chờ đèn đỏ, có rất nhiều các phương tiện giao thông vẫn để máy khởi động, tại thời điểm ấy hàm lượng SO2, NOx, CO, các hạt vi bụi… cao hơn các khu vực khác, và những người có mặt tại thời điểm ấy lại chính là những người đầu tiên hít phải các loại khí bất lợi ấy.
- Phóng viên: Việc đeo khẩu trang vải thông thường có tác dụng gì không, thưa Giáo sư?
GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh: Khẩu trang vải thông thường, nhìn chung, chỉ có thể ngăn được các hạt bụi lớn, không có khả năng ngăn các loại khí có hại cũng như các hạt vi bụi, siêu vi bụi. Còn khẩu trang vải có sợi hoạt tính thì có hấp thụ bớt các loại khí gây hại.
- Phóng viên: Theo Giáo sư, loại khẩu trang nào là tốt nhất và phù hợp nhất (vừa túi tiền, dễ mua) hiện nay để hạn chế tối đa tác hại từ khói, bụi? Còn biện pháp nào tốt hơn đeo khẩu trang loại này không?
GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh: Có lẽ nên dùng các lọa khẩu trang dày và có thêm các sợi hoạt tính.
- Phóng viên: Riêng đối với vấn đề ô nhiễm không khí ở đô thị, phụ nữ, người già và trẻ em là những đối tượng dễ bị tổn hại nhất. Vậy, Giáo sư có lời khuyên gì nhằm hạn chế tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe của họ và người thân không?
GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh: Bên cạnh các việc nâng cao việc quản lý chất lượng môi trường không khí từ các cơ quan chức năng, các cá nhân nên sử dụng xe trong thời gian đăng kiểm, tắt máy khi dừng chờ đèn đỏ, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, sử dụng năng lượng sạch và trồng thêm cây xanh và sử dụng khẩu trang.
- Phóng viên: Tình trạng ô nhiễm không khí đang là vấn đề của nhiều quốc gia. Đối với các nước như Mỹ và một số nước châu Âu, hay Nhật Bản, thậm chí Trung Quốc, họ đã và đang giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí đô thị như thế nào? Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng học được gì từ họ thưa giáo sư?
GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh: Các nước tiên tiến mà bạn nêu ra đã và đang tăng cường sử dụng xe công cộng, sử dụng năng lượng sạch, và tăng cường việc quản lý chất lượng không khí như là thắt chặt việc quản lý nhiệt điện.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!