Giáo sư Panos Mourdoukoutas, trưởng khoa Kinh tế Đại học LIU Post, New York, Mỹ trong bài viết đăng tải trên Forbes ngày 7/8 cho rằng, Việt Nam có một chiến lược thông minh để ngăn chặn Trung Quốc âm mưu “độc chiếm” Biển Đông, đó là hợp tác với một quốc gia mà Trung Quốc hiện không thể đối kháng- nước Nga.
Giáo sư Mourdoukoutas nhận định, Trung Quốc coi Biển Đông là “ao nhà” của mình, họ đã và đang làm mọi cách để hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý với vùng biển này. Theo đó bao gồm cả việc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo, vi phạm các phán quyết của tòa án quốc tế, trong đó có phán quyết PCA năm 2016 trong vụ Philippines kiện nước này. Kể cả việc đe dọa các nước láng giềng bằng cách đưa tàu thuyền của họ vào vùng biển thuộc chủ quyền của láng giềng.
Trong khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chưa sẵn sàng ngăn chặn Bắc Kinh, thì Việt Nam lại không như vậy.
Cho đến nay, Việt Nam đã và đang triển khai các lực lượng của mình để đối phó với các tàu Trung Quốc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Cùng với đó, Việt Nam đã và đang thúc đẩy các đối tác để xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để xử lý những hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông bao gồm việc bất chấp luật pháp quốc tế để bồi đắp các đảo nhân tạo, phong tỏa, triển khai vũ khí tấn công như tên lửa, máy bay... và đe dọa thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).
Việt Nam đã xây dựng cụm dịch vụ kỹ thuật khai thác dầu ở các khu vực trên Biển Đông (thuộc vùng Đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam chiểu theo UNCLOS 1982-ND), bác bỏ yêu sách Đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc đối với gần trọn diện tích Biển Đông.
Tuy nhiên thời gian đầu Việt Nam đã chọn các đối tác như Công ty NOGC của Ấn Độ và Repsol của Tây Ban Nha. Hai công ty này đã phải từ bỏ hợp đồng sau áp lực từ Bắc Kinh.
Giờ đây, Việt Nam đang bắt đầu hợp tác với gã khổng lồ dầu mỏ Rosneft của Nga, theo một bài báo của tác giả Bennett Murray đăng trên trang Chính sách đối ngoại gần đây.
“Lần này, một đối tác cứng rắn hơn nhiều tham gia: Rosneft, tập đoàn mà cổ đông chính là chính phủ Nga”, Murray viết.
Sự hiện diện của Nga ở Biển Đông có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi của Việt Nam. Sẽ vô cùng khó khăn với Bắc Kinh nếu đối đầu với hải quân Nga, lực lượng sẵn sàng bảo vệ lợi ích của Moscow trong khu vực. Và điều đó có thể làm giảm tham vọng Biển Đông của Trung Quốc, và giữ gìn hòa bình trong khu vực./.