Giáo sư Martin Bachmann: Có phóng viên đến nơi tôi điều chế vaccine về bị triệu chứng giống COVID-19, tôi lo sốt vó!

Nguyễn Khởi Quân, dịch từ Medical News Today |

Sử dụng huyết thanh của người khỏi COVID-19 là một cách điều trị kiểu "mì ăn liền", không phải là một chiến lược bảo vệ cho cả cộng đồng - GS Martin Bachmann.

LTS: Giáo sư Martin Bachmann là Trưởng khoa Miễn dịch học tại Đại học Bern (Thuỵ Sĩ) và Đại học Oxford (Anh), Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Zurich (Áo) và là cố vấn y khoa cho nhiều công ty. Ông từng được giải thưởng Pfizer 1998 cho ngành Miễn dịch học.

Phòng thí nghiệm của ông đang làm việc ngày đêm để tạo ra vaccine đối phó với đại dịch COVID-19. Trong buổi phỏng vấn mới đây với tạp chí y khoa Medical News Today (MNT), ông chia sẻ quá trình khám phá vaccine cũng như khả năng của thuyết "Miễn dịch cộng đồng", đồng thời dự đoán về tương lai của đại dịch lần này.

Một cuộc phỏng vấn đầy thú vị giữa một bên là đại diện tạp chí y khoa uy tín hàng đầu thế giới, một bên là vị giáo sư quá hiểu "địch thủ" coronavirus với những ngôn từ hóm hỉnh. Trân trọng mời quý độc giả theo dõi.

Vaccine COVID-19 hoạt động theo cách nào?

MNT: Dường như ông đang có cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt về cách tạo vaccine so với số đông. Ông có thể giải thích rõ hơn?

GS Martin Bachmann: Chúng tôi sản xuất vaccine có dạng những hạt nhỏ mô phỏng cấu trúc của vỏ virus, nhưng không có nhân. Virus gồm hai thành phần chính là vỏ protein và nhân chứa thông tin di truyền. Nhưng những hạt trong vaccine thì không chứa thông tin di truyền, do đó không gây bệnh.

Nhưng bạn đừng nghĩ vỏ virus là vô dụng. Thực ra, chính lớp vỏ này mới kích thích đáp ứng miễn dịch mạnh nhất. Chúng kích thích tạo kháng thể, đào tạo các tế bào lympho B "làm quen" với virus. Và chúng ta chỉ cần bấy nhiêu là đủ.

Giáo sư Martin Bachmann: Có phóng viên đến nơi tôi điều chế vaccine về bị triệu chứng giống COVID-19, tôi lo sốt vó! - Ảnh 3.

Cấu trúc virus SARS-CoV-2. Vòng tròn là lớp vỏ của chúng.

Khi muốn tạo một vaccine chống lại virus, điểm mấu chốt là phải tạo được kháng thể trung hoà. Kháng thể trung hoà chính là chìa khoá của bất kỳ loại vaccine nào đang lưu hành hiện tại.

Virus SARS-CoV-2 lây nhiễm vào tế bào bằng cách sử dụng gai protein (spike) trên vỏ để gắn với thụ thể trên bề mặt tế bào. Thụ thể đó mang tên ACE2. Chúng tôi đang thao tác với "một mảnh" gai của virus, gọi là vùng gắn thụ thể. Hầu hết kháng thể của những loại coronavirus trước đây (SARS và MERS) được tạo ra để trung hoà vùng gắn thụ thể này.

Giáo sư Martin Bachmann: Có phóng viên đến nơi tôi điều chế vaccine về bị triệu chứng giống COVID-19, tôi lo sốt vó! - Ảnh 4.

Hình vẽ diễn tả các gai protein trên vỏ virus SARS-CoV-2 gắn vào các thụ thể trên mặt tế bào như thế nào. Nguồn: chemistry-europe.onlinelibrary

Khi tách riêng vùng gắn thụ thể và đưa vào vaccine, chúng dường như không hiệu quả lắm trong việc tạo đáp ứng miễn dịch. Tuy nhiên, khi thử gắn vùng này lên một "hạt" tương tự như vỏ virus, nó trở nên hiệu quả hẳn! Hạt này tạo đáp ứng miễn dịch rất mạnh, và đây là một cơ sở nền tảng để sản xuất vaccine.

"Tôi lo sốt vó"

MNT: Phòng thí nghiệm của ông hoạt động ra sao trong mùa dịch này? Mọi người có bị áp lực không?

GS Martin Bachmann: Áp lực lắm! Đặc biệt là khi lúc nào cũng nghĩ đến việc phải cho ra đời vaccine càng sớm càng tốt.

Chúng tôi chia làm hai ca, thay phiên làm ca ngày và ca đêm. Điều này tránh cho cả đội bị cách ly khi có ai đó bị ốm. Hôm trước, có một đoàn phóng viên đến tác nghiệp tại chỗ chúng tôi, và một trong số họ có triệu chứng của COVID-19 vào hôm sau. Tôi lo sốt vó! Cả phòng thí nghiệm sau đó cũng phải đóng cửa vài ngày.

Đây là lúc chúng tôi hướng đến sản xuất vaccine số lượng lớn, và may mắn thay, chúng tôi không đơn độc. Tôi có quan hệ hợp tác lâu dài với Trung tâm Nghiên cứu Y Sinh học Latvian ở Riga, và họ cũng có cùng chí hướng. Một tập thể lớn tạo ra động lực mạnh mẽ. Hai cơ sở nghiên cứu tại hai quốc gia khác nhau, rất tuyệt vời, vì lỡ như có một nhóm dính COVID-19, nhóm kia vẫn bình yên vô sự.

Giáo sư Martin Bachmann: Có phóng viên đến nơi tôi điều chế vaccine về bị triệu chứng giống COVID-19, tôi lo sốt vó! - Ảnh 6.

Giáo sư Martin Bachmann

MNT: Ông có đặt mục tiêu cụ thể khi nào sẽ thử nghiệm vaccine trên người chưa? Theo ông lúc nào vaccine sẵn sàng giới thiệu ra cộng đồng?

GS Martin Bachmann: Chưa. Tôi nghĩ trong 2 tuần tới, chúng tôi sẽ đánh giá được hiệu quả của vaccine vỏ virus trên các mô hình.

Sau đó, chúng tôi cần tiền tài trợ. Việc sản xuất hàng trăm triệu liều trong nửa năm là hoàn toàn khả thi. Trong thời gian nửa năm đó, tôi có thể thực hiện các nghiên cứu đầu tiên và rồi xem xét mở rộng để tiếp cận được thêm nhiều người hơn.

Tiềm năng cho vaccine là rất lớn. Ngay cả ở Trung Quốc, phần lớn dân số chưa bị phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2. Tình hình được khống chế phần lớn nhờ vào các biện pháp kiểm soát lây nhiễm.

Nhưng một khi họ lơi lỏng các biện pháp, virus sẽ lập tức quay trở lại.

Cũng chưa biết rõ liệu những người có triệu chứng rất nhẹ có tạo ra đủ kháng thể để bảo vệ họ khỏi bị nhiễm virus trong tương lai được hay không.

Miễn dịch lâu dài và miễn dịch cộng đồng

MNT: Vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh việc một người từng nhiễm COVID-19 sẽ giúp người đó tạo khả năng miễn dịch lâu dài với virus SARS-CoV-2. Có thật sự những bệnh nhân COVID-19 đã lành bệnh ngoài kia thực sự tạo ra đủ kháng thể trung hòa? Đối với những người chỉ có triệu chứng rất nhẹ thì sao?

GS Martin Bachmann: Nói về mặt miễn dịch học thì chả biết đâu mà lần! Sẽ luôn có khả năng một người nào đó không tạo ra đủ kháng thể trung hòa.

Nhưng còn lại, dân số nói chung sẽ tạo ra đủ các kháng thể trung hòa này và chúng có thể sẽ tồn tại lâu dài. Và ngay cả nếu chúng tồn tại không lâu lắm, bạn luôn còn một lựa chọn tiêm vaccine định kỳ hàng năm.

Tôi biết nhiều người rảnh rỗi còn tung tin đồn rằng chẳng có ai tạo được kháng thể gì sất! Chả có lý do gì phải tin họ cả!

Nếu bạn vô tình nhiễm COVID-19 và rồi bị ốm lên bờ xuống ruộng nhưng rồi hồi phục sức khỏe, thì khá chắc là sau đó cơ thể bạn sẽ tạo kháng thể được một thời gian khá lâu.

MNT: Về lâu dài, ông đánh giá virus này kém ổn định và sẽ biến đổi tạo ra hàng tá chủng đa dạng khác (giống như cúm mùa); hay chúng sẽ trở thành một chủng lây nhiễm rất mạnh nhưng ta có thể kiểm soát được bằng vaccine (tương tự virus Sởi)?

GS Martin Bachmann: Tôi hoàn toàn tin vào điều thứ hai. Có bằng chứng cho thấy coronavirus mới rất ổn định về mặt di truyền. Vì vậy, khả năng biến đổi như virus cúm là rất thấp.

Một ví dụ khác bệnh Sởi, đó là Bại liệt. Vaccine Bại liệt đã được sử dụng 70 năm nay, nhưng virus vẫn vậy và vaccine vẫn thế, chẳng có thay đổi nào cả!

MNT: Đã có những xì xào về khả năng cho phép miễn dịch cộng đồng tự xảy ra bằng cách cứ để người ta nhiễm bệnh rồi khỏi (trong tầm kiểm soát), thay vì cứ cách ly người ta mãi cho đến khi vaccine ra đời. Tôi đoán rằng ông nghĩ vaccine là ý tưởng hay hơn nhiều?

GS Martin Bachmann: Hãy lấy bố mẹ tôi làm ví dụ. Họ đều đã 85 tuổi rồi. Khả năng là họ không thấy an toàn lắm đâu nếu cứ để virus nhảy nhót một cách tự nhiên trong cộng đồng từ người này sang người kia. Họ già rồi, tính mạng họ cũng sẽ bị đe doạ.

Giáo sư Martin Bachmann: Có phóng viên đến nơi tôi điều chế vaccine về bị triệu chứng giống COVID-19, tôi lo sốt vó! - Ảnh 8.
Giáo sư Martin Bachmann: Có phóng viên đến nơi tôi điều chế vaccine về bị triệu chứng giống COVID-19, tôi lo sốt vó! - Ảnh 9.

Cách ly và làm việc tại nhà để giảm giao tiếp, giảm lây nhiễm. Bức ảnh chế của cộng đồng mạng từ kiệt tác La Joconde của danh họa Leonsrd De Vinci.

Đừng bao giờ nghĩ là bạn sẽ kiểm soát được sự lây lan của virus. Tôi chắc chắn với bạn, không dễ thế đâu.

Nếu bạn đặt trên bàn cân, một bên là nguy cơ nhiễm virus, bên kia là nguy cơ của vaccine chưa được thử nghiệm đến mức cao nhất, tính ra vaccine chả gây hại gì nhiều lắm đâu. Nguy cơ đến từ tác dụng phụ của vaccine rõ ràng thấp hơn rất nhiều so với nguy cơ bị nhiễm trùng.

Phương án điều trị khác cho COVID-19?

MNT: Liệu ông có thể chỉ ra một số phương pháp điều trị khả thi có thể giải quyết được đại dịch?

GS Martin Bachmann: Có thuốc điều trị thì tuyệt vời luôn! Nhưng tiếc là thuốc kháng virus không hiệu quả lắm đâu.

Một hướng đầy hứa hẹn là sử dụng huyết thanh hoặc globulin miễn dịch (IgG), từ máu của những người đã hồi phục sau nhiễm COVID-19. Biện pháp này đã được áp dụng hiệu quả trong dịch SARS những năm 2003-2004. Một số thử nghiệm kiểm chứng phương pháp này tại Trung Quốc cho kết quả rất khả quan.

Nhưng lựa chọn này thực sự chỉ nên ưu tiên cho những bệnh nhân nguy kịch, vì chẳng có nhiều huyết thanh có sẵn lắm đâu.

MNT: Liệu pháp miễn dịch thụ động này sử dụng huyết thanh từ những người đã hồi phục sau nhiễm trùng, chứ không phải do cơ thể bệnh nhân tự tạo ra. Hiệu quả bảo vệ của nó kéo dài được bao lâu?

GS Martin Bachmann: Kháng thể có thời gian bán hủy khoảng 3 tuần. Vì vậy, hiệu quả bảo vệ của liệu pháp này không quá vài tháng đâu. Cụ thể bao lâu thì còn tuỳ vào lượng kháng thể họ nhận được.

Đây là một cách điều trị kiểu "mì ăn liền", không phải là một chiến lược bảo vệ cho cả cộng đồng. Lượng huyết thanh lấy được từ những người hồi phục không nhiều cho nên chúng nên được ưu tiên dùng cho những ca nguy cơ cao hay ca bệnh nặng.

MNT: Ông dự đoán đại dịch sẽ kéo dài bao lâu?

GS Martin Bachmann: Câu nên hỏi hơn là, thế giới liệu có cầm cự đủ lâu đến khi vaccine ra đời được hay không? 

Nếu không có vaccine, tôi nghĩ nó khoảng đâu đó tầm một năm thôi. Nhưng điều này đi kèm cái giá là hơn 60% - 70% dân số thế giới đều phải nhiễm virus ít nhất một lần.

MNT: Ông có nghĩ chính phủ khắp nơi đang đúng đắn trong các biện pháp phòng chống dịch, chủ yếu thông qua cách ly và đặc biệt là giãn cách xã hội (social distancing)?

GS Martin Bachmann: Chuẩn không cần chỉnh! 

Thậm chí chỉ cần làm chậm sự lây lan của đại dịch, bạn cũng có thể tránh được quá tải vì quá nhiều bệnh nhân cùng lúc.

Giáo sư Martin Bachmann: Có phóng viên đến nơi tôi điều chế vaccine về bị triệu chứng giống COVID-19, tôi lo sốt vó! - Ảnh 12.

Giãn cách xã hội. Bức ảnh chế của cộng đồng mạng nhại lại bức ảnh của ban nhạc Pop nổi tiếng The Beatle

Chính phủ càng kiểm soát được tình hình và số người mắc bệnh thì các bệnh viện càng đủ nhân lực và tài nguyên để chăm sóc bệnh nhân tốt hơn. Vì vậy, ngay cả khi không có vaccine thì việc này vẫn vô cùng quan trọng.

* Bài đăng trên Medical News Today. Người dịch: Nguyễn Khởi Quân,Trưởng nhóm Nhi khoa Y học Cộng đồng. Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại. 

Nguồn:

1. https://www.medicalnewstoday.com/articles/covid-19-prof-martin-bachmann-on-aiming-for-a-vaccine-in-6-8-months-part-2?fbclid=IwAR145Br3k8vddDM7cOkTY9Ruo_DrzYkFqJnJtsDgjCev23eTYByGXcNNHfk#Treatments-for-COVID-19

2. https://www.medicalnewstoday.com/articles/covid-19-prof-martin-bachmann-on-aiming-for-a-vaccine-in-6-8-months-part-1

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại