*Dưới đây là những chia sẻ của Tiến sĩ Heidi K.Garder. Cô là thành viên xuất sắc tại Trung tâm nghề nghiệp pháp lý (Center on the Legal Profession) của trường Luật Harvard (Harvard Law School). Trước đây, cô là Giáo sư tại trường Kinh doanh Harvard (Harvard Business School) và tác giả cuốn sách bán chạy Hợp Tác Thông Minh Hơn (Smarter Collaboration).
Khi những người trẻ hỏi lời khuyên về nghề nghiệp, tôi luôn nói với họ: "Đừng chỉ tập trung vào thành tựu cá nhân. Hãy là một người biết cộng tác".
Qua một thập kỷ giảng dạy và nghiên cứu tại các trường về kinh doanh và luật của ĐH Harvard, tôi phát hiện có một kỹ năng quan trọng nhưng thường bị bỏ qua. Đó là kỹ năng cộng tác. Những người tìm ra cách cộng tác giữa các nhóm sẽ đạt được lợi thế cạnh tranh lớn hơn trong công việc và cuộc sống.
Ưu điểm của kỹ năng cộng tác
Khi nói đến khâu tuyển dụng, người có tinh thần đội nhóm là những ứng viên được săn đón. Họ mang lại kết quả đạt lượng cao, thăng tiến nhanh hơn, được quản lý cấp cao chú ý và khiến khách hàng hài lòng.
Nhưng có một điều khiến tôi "sốc": Kỹ năng hợp tác này hiếm có một cách đáng ngạc nhiên, đặc biệt ở nam giới.
Một nghiên cứu của McKinsey năm 2021 cho thấy các nhà lãnh đạo nữ dành thời gian cho những nỗ lực hợp tác với mọi người ngoài giờ công việc chính thức cao gấp hai lần so với đồng nghiệp nam giới cùng cấp.
Làm thế nào để trở thành một nhân sự cộng tác xuất sắc?
Trở thành một người biết cộng tác không hề dễ. Tựu trung lại, mục tiêu của chúng ta là gắn kết mọi người lại với nhau để cùng giải quyết vấn đề và học hỏi những điều mới mẻ.
Đây là những cách giúp bạn cải thiện kỹ năng cộng tác:
- Hãy là một nhà lãnh đạo toàn diện
Cho dù bạn có phải người lãnh đạo dự án hay không, hãy thực hiện các bước để thu hút mọi người với những nét tính cách đa dạng để cùng ngồi xuống làm việc.
Suy nghĩ mà tôi luôn có là: "Họ nghĩ khác với tôi. Họ biết điều gì đó khác biệt mà tôi không biết. Và tôi có thể học hỏi được nhiều thứ từ người này".
Những người cộng tác cùng bạn không nên chỉ đến từ những lĩnh vực kiến thức khác nhau. Mà họ cũng phải đại diện cho nền tảng chuyên môn, có độ tuổi và kinh nghiệm sống đa dạng.
- Thể hiện sự đánh giá cao và ghi nhận với mọi người
Một nghiên cứu của giáo sư Boris Groysberg (ĐH Kinh doanh Harvard) cho thấy người lao động, đặc biệt là nam giới, thường coi mạng lưới nghề nghiệp của họ là điều đương nhiên. Trong các cuộc phỏng vấn xin việc, do họ không đánh giá cao sự hỗ trợ nhận được từ đồng nghiệp nên họ tin rằng mình "độc lập và linh hoạt" hơn so với thực tế.
Tâm lý "tôi là ưu tiên" thường là yếu tố phá vỡ sự cộng tác giữa người và người, từ đó khiến các nhà tuyển dụng thất vọng. Ngay cả Claire Hughes Johnson (Cựu Phó chủ tịch Google trong 10 năm) nói rằng cô tìm kiếm kỹ năng "tự nhận thức và cộng tác" của ứng viên trước bất kỳ điều gì khác.
- Kêu gọi sự giúp đỡ từ người khác
Nếu bạn chịu trách nhiệm trình bày báo cáo bán hàng hàng tuần nhưng chỉ làm việc đó một mình, điều đó có thể khiến bạn nghĩ "ý kiến của mình là giá trị nhất". Tuy nhiên, nếu bạn liên hệ với các chuyên gia ở bộ phận khác khau để có thêm thông tin chi tiết, báo cáo của bạn sẽ tốt hơn rất nhiều. Sau đó, đừng quên đề cập tên của những người giúp đỡ cũng như vai trò chuyên môn của họ. Điều đó khiến cho báo cáo của bạn trở nên đáng tin cậy hơn.
- Tham gia các nhóm cộng đồng
Bạn nên tham gia các nhóm cộng đồng chia sẻ kiến thức - nơi người tham gia tự nguyên cung cấp cho các thành viên trong nhóm thông tin bổ ích từ họ, mà không cần phải quen biết trước. Các cộng đồng được tạo ra trên mạng xã hội, website là cách tuyệt vời để thúc đẩy hình thức cộng tác ảo, chia sẻ và phân phối kiến thức giữa người và người.
Nguồn: CNBC